DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Công Tuấn - Trưởng Bộ phận nghiên cứu kinh tế CTCP Chứng khoán MB (MBS) về vấn đề này.
- Theo ông, liệu có nguy cơ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp hàng loạt ở Trung Quốc?
Kinh tế Trung Quốc đã và đang chịu tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại Mỹ- Trung. Theo đó, Trung Quốc buộc phải dịch chuyển từ nền kinh tế chú trọng vào xuất khẩu sang nền kinh tế chú trọng vào tiêu dùng nội địa nhiều hơn. Do đó, kinh tế nước này sẽ còn tiếp tục suy giảm nếu chiến tranh thương mại chưa kết thúc.
Khi nền kinh tế Trung Quốc suy giảm mạnh, thì các vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp tăng lên là tất yếu. Tuy nhiên, điều này có gây ra khủng hoảng kinh tế Trung Quốc hay không thì phải so sánh với quy mô của thị trường trái phiếu của nước này.
Hiện nay quy mô vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp ở Trung Quốc từ đầu năm đến nay khoảng hơn 11 tỷ USD so với quy mô của nền kinh tế Trung Quốc khoảng 14.000 tỷ USD và quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp khoảng 2.500 tỷ USD. Như vậy, số vụ vợ nợ trái phiếu doanh nghiệp mới chỉ chiếm tỷ trọng khoảng hơn 0,4%- một tỷ lệ còn khá nhỏ. Bởi vậy, cần tiếp tục theo dõi tỷ lệ này trong tương lai thì mới biết được liệu có xảy ra vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp hàng loạt ở Trung Quốc hay không.
- Nếu xảy ra vỡ nợ trái phiếu hàng loạt ở Trung Quốc, sẽ tác động thế nào đến kinh tế thế giới, thưa ông?
Theo tôi, vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc không tác động trực tiếp quá lớn đến kinh tế thế giới, mà sẽ khiến kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy giảm.
Để đối phó với thực trạng này, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, sau khi đã giảm 0,5% tỷ lệ dự trữ bắt buộc để bơm vào nền kinh tế khoảng 129 tỷ USD. Điều này sẽ khiến đồng Nhân dân tệ (CNY) tiếp tục giảm mạnh, làm cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam, có mức thâm hụt thương mại lớn hơn với Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ khiến các quốc gia khác cũng sẽ có động thái tương tự để ứng phó với chính sách của Trung Quốc. Điều này có nguy cơ dẫn tới chiến tranh tiền tệ, khiến kinh tế thế giới suy giảm mạnh, thậm chí suy thoái.
- Trước thực trạng nói trên, các doanh nghiệp Việt Nam cần có giải pháp gì để ứng phó, thưa ông?
Khi kinh tế Trung Quốc suy giảm và CNY ngày càng suy yếu, thì các doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu sang quốc gia này sẽ gặp nhiều bất lợi. Do đó, các doanh nghiệp cần cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh, đồng thời phải áp dụng các công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro biến động tỷ giá.
Trong điều kiện chiến tranh thương mại Mỹ- Trung còn có xu hướng kéo dài, các doanh nghiệp nên tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, để giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
- Xin cảm ơn ông!
Nguồn: