Liệu có thể xảy ra một kịch bản khủng hoảng như năm 2011?

03/12/2024
Liệu có xảy ra một cuộc khủng hoảng như năm 2011 khi thị trường bất động sản đóng băng, thanh khoản thiếu hụt, doanh nghiệp "chết" hàng loạt? TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, sức khỏe tài chính của hệ thống ngân hàng đã mạnh hơn nhiều so với 10 năm trước nên không có chuyện đó, nhưng chắc chắn là nợ xấu sẽ tăng.

Đặt vấn đề tại buổi chia sẻ "Làm gì để giải cứu doanh nghiệp sau đại dịch COVID-19", đại diện một ngân hàng thương mại cho biết, hiện nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra nhiều cơ chế để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng của COVID-19. Tuy nhiên, thời hạn cơ cấu lại nợ quá ngắn, nếu không được kéo dài sẽ phát sinh nợ xấu. Việc cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất thời gian gần đây khiến các ngân hàng giảm lợi nhuận, thậm chí lỗ. Doanh nghiệp khó khăn 1 thì ngân hàng phải khó khăn 10 vì ngân hàng cho vay hàng trăm ngàn doanh nghiệp. Theo đó, vị này đề xuất cần có một gói hỗ trợ từ Chính phủ để bù lãi suất hỗ trợ từ ngân hàng cho doanh nghiệp.

"Chính phủ có gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay trả lương người lao động với lãi suất 0% nhưng chưa doanh nghiệp nào có thể tiếp cận. Một người bạn của tôi là chủ doanh nghiệp muốn tiếp cận gói tín dụng nêu trên nhưng điều kiện lại là trả lương cho nhân viên đã nghỉ việc, doanh nghiệp phải có vốn đối ứng, có đủ tài sản đảm bảo. Như vậy thì quá khó", vị này nói.

Vị đại diện ngân hàng thương mại cũng bày tỏ lo ngại Việt Nam có thể phải đối diện với một cuộc "khủng hoảng kép" khi thanh khoản hệ thống trở nên căng thẳng, mọi kênh cung cấp vốn cho nền kinh tế đều gặp khó khăn. Thanh khoản của thị trường bất động sản cũng gặp khó khăn. "Nếu doanh nghiệp bất động sản chết sẽ dẫn tới một cuộc khủng hoảng giống như năm 2011, lãi suất tăng cao, nợ xấu bùng nổ và doanh nghiệp chết hàng loạt".

Trước cách đặt vấn đề nêu trên, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thừa nhận ngân hàng cũng là doanh nghiệp, nếu có hỗ trợ doanh nghiệp thì cũng chỉ có thể ở một mức nào đó, trong sức chịu đựng của ngân hàng.

Liệu có thể xảy ra một kịch bản khủng hoảng như năm 2011? - Ảnh 1.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)


"Tôi mong rằng Chính phủ sẽ sớm ban hành một gói hỗ trợ từ ngân sách để hỗ trợ lãi suất cho những ngành đang chịu tác động lớn từ dịch bệnh, cần vốn lưu động lớn như ngành hàng không và cắt giảm hầu hết các loại thuế phí để doanh nghiệp có thu nhập quay trở lại hoạt động bình thường", ông Cung nói.

Về lo ngại "khủng hoảng kép", ông Cung cho rằng hệ thống tài chính năm 2011 rất yếu, yếu hơn rất nhiều so với hiện tại. Vì thế, hy vọng rằng khi các nước bên ngoài mở cửa được, khách quốc tế tăng trở lại thì các doanh nghiệp sẽ thoát được tình cảnh "chờ chết" như hiện nay và ngành du lịch sống lại. Tuy nhiên, ông Cung cũng khẳng định, nợ xấu sẽ tăng lên trong thời gian tới.

"Thành quả giải quyết nợ xấu trong 5-6 năm vừa qua của ngành ngân hàng có thể sẽ tiếp tục phải nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới. Hệ thống ngân hàng sẽ lại phải đổi mặt với nợ xấu, lãi suất muốn giảm cũng không phải dễ", ông Cung nói.

Làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp sau đại dịch COVID-19

Đánh giá về những gì Chính phủ và các bộ ngành đang làm để hỗ trợ các doanh nghiệp thời đại dịch COVID-19, ông Cung cho rằng, mức hỗ trợ còn quá nhỏ so với thiệt hại của doanh nghiệp và so với mức hỗ trợ của Chính phủ các nước khác cho doanh nghiệp của họ.

"Chúng ta cứ nói có gói hỗ trợ mấy trăm, mấy ngàn tỷ nhưng thực chất đó không phải là gói hỗ trợ, gây hiểu lầm cho doanh nghiệp. Đa phần là giãn, hoãn nợ. Sau đại dịch doanh nghiệp sẽ vẫn phải trả, chỉ là trả sau", ông Cung nói.

Thống kê lại các hỗ trợ từ Chính phủ dành cho doanh nghiệp, ông Cung cho rằng các giải pháp hỗ trợ còn manh mún, không ra tấm ra món và chưa thấy hết được tác động to lớn của dịch bệnh tới sự sống còn của doanh nghiệp hiện nay.

Một số điều kiện hỗ trợ không hợp lý, không thực tế như điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ về vốn, giảm hoãn thuế là một doanh nghiệp phải có 50% lao động bị mất việc mới được hưởng. "Trong khi mục tiêu là làm sao doanh nghiệp giữ được lao động ở lại thì những điều kiện nêu trên vô tình khuyến khích doanh nghiệp sa thải lao động để được hỗ trợ. Sự không hợp lý của các điều kiện tạo ra tác động ngược", ông Cung lấy ví dụ.

Cùng với đó, theo ông Cung, quy trình ra quyết định trên thực tế rất chậm chạp. Chính phủ và Thủ tướng có rất ít thẩm quyền để đưa ra các quyết sách nhanh chóng. "Đã có ít quyền nhưng các bộ ngành còn phản ứng rất chậm, sức ỳ lớn".

Lấy ví dụ cho luận điểm trên, ông Cung cho biết, quyết định thí điểm mobile money đã có nhiều năm nay, được nêu ra ở nhiều chỉ thị và nghị quyết nhưng mãi vẫn chưa làm được. Đây là một yêu cầu rất quan trọng với số người được hưởng lợi lớn. Tuy nhiên, Thủ tướng lại giao Thống đốc NHNN làm đầu mối, trong khi đó, thực tế hình thức mobile money ra đời sẽ tạo sự cạnh tranh với ngân hàng, tạo áp lực lên ngành ngân hàng. "Thống đốc sẽ không bao giờ làm thiệt hại cho ngành ngân hàng nên người ta không làm".

Bàn về cách hỗ trợ doanh nghiệp sau đại dịch COVID-19, ông Cung đưa quan điểm: Cho đến hiện tại, tôi cho rằng nên hỗ trợ tập trung vào những ngành chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh như hàng không, du lịch - gần như tê liệt hoạt động trong nhiều tháng nay, còn những ngành khác nếu không có nguồn lực thì thôi và đã hỗ trợ thì phải cho "ra tấm ra món" để doanh nghiệp đủ sức phục hồi.

"Hỗ trợ như hiện nay 98% doanh nghiệp được hưởng nhưng lại không hiệu quả. Trong nhiều tháng các hãng hàng không không có doanh thu, tiền bạc tích trữ được phải chi trả để duy trì tồn tại. Vì vậy, muốn doanh nghiệp phục hồi phải có hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm, còn cứ manh mún, dàn trải như hiện nay thì không có hiệu quả", ông Cung nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Cung cũng cho rằng để nhận được sự đồng thuận về vấn đề này là không hề đơn giản. "Ai có thể đứng lên bảo vệ được quan điểm này? Nếu không làm được thì cũng không thể kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp vào thời điểm khó khăn".

Ông Cung đề xuất trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra cần dành khoảng 1/3 thời gian để thảo luận về việc dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng thế nào tới doanh nghiệp và doanh nghiệp cần gì để tồn tại.

"Muốn có thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp thì Quốc hội phải cho Chính phủ biết tiền lấy ở đâu để hỗ trợ doanh nghiệp. Quốc hội phải thảo luận để đưa ra phương án khác cho tăng trưởng, lạm phát, bội chi ngân sách năm 2020. Như vậy, Chính phủ mới có cơ sở để hành động. Tuy nhiên, rất tiếc quyền của Chính phủ thì hạn hẹp nhưng Quốc hội lại chưa nghĩ tới việc điều chỉnh các mục tiêu cho phù hợp với thực tiễn", ông Cung nói.

Nguồn: