Liệu đồng USD có giữ được vị thế sau đại dịch Covid-19?

30/11/2024
Khi đại dịch Covid-19 đạt đỉnh điểm vào tháng 3 năm nay, xu hướng nắm giữ USD, tài sản trú ẩn an toàn của thế giới, tăng lên mạnh mẽ. Nhưng khi dịch bệnh bùng phát ở Mỹ và quốc gia này phải chiến đấu với những đợt bùng phát Covid-19 mới, nỗ lực phục hồi kinh tế đã khiến đồng bạc xanh "vấp ngã". Một số chuyên gia Phố Wall đang cảnh báo rằng đồng USD có thể sẽ giảm hơn nữa.

"Chúng tôi lo ngại rằng đồng USD sẽ đi theo "con dốc giảm dần" và suy yếu trong thời gian dài", ngân hàng Nomura (Nhật Bản) nhận xét trong một báo cáo gửi tới khách hàng hôm 13/7.

Đồng USD - một biểu tượng quan trọng cho vị thế toàn cầu của Mỹ - vẫn là loại tiền tệ chính được các nhà đầu tư lựa chọn. Đây cũng là loại tiền dự trữ hàng đầu thế giới, được chính phủ, ngân hàng trung ương và các tổ chức tài chính lớn khác nắm giữ với số lượng lớn.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư đang trở nên ít lạc quan về triển vọng của đồng tiền này. Các khoản nợ ngày càng tăng và cam kết của ông Trump đối với các chính sách "Nước Mỹ trên hết" (America First) đã làm gia tăng rủi ro cho bạc xanh.

Trong khi đó, các nhà quản lý tài sản như BlackRock (BLK) đang khuyến khích khách hàng xem xét các cơ hội đầu tư ở châu Âu, nơi dường như đang có cách xử lý tốt hơn đối với các thách thức về sức khỏe và kinh tế do đại dịch gây ra. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới giá trị của đồng USD trong những tháng tới, dù rằng bất kỳ thay đổi đáng kể nào trong chế độ tiền tệ toàn cầu cũng thường phải mất nhiều thập kỷ.

Tình hình kinh tế hiện nay cho thấy lãi suất của Mỹ sẽ vẫn tiếp tục được giữ ở gần mức 0 trong một thời gian nữa, và điều này gây lo ngại cho giá trị của đồng USD. Một mối lo khác đến từ việc thâm hụt tài chính của nước Mỹ đang ngày càng "phình to" với nợ liên bang dự kiến ​​sẽ đạt 101% GDP trong năm nay.

Chính phủ Mỹ đang tăng cường vay mượn để tài trợ cho các chương trình kích thích lớn trong việc thúc đẩy nền kinh tế. Thâm hụt ngân sách tháng 6 đã tăng lên 864 tỷ USD và thâm hụt tài khoản vãng lai cũng tăng lên một cách đáng kể. Điều này cho thấy nước Mỹ đang chi tiêu nhiều hơn cho hàng hóa, dịch vụ và đầu tư ra nước ngoài.

"Trên thực tế, các nền kinh tế phát triển khác cũng đang vay mượn nhiều hơn. Tuy nhiên ở Mỹ, chính phủ đang phát hành nợ nhanh hơn những gì Cục Dự trữ Liên bang có thể mua lại. Điều đó có nghĩa là có nhiều trái phiếu Kho bạc hơn trên thị trường, gây ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị của đồng USD", Jordan Rochester, chiến lược gia tại Nomura nhận định.

Liệu Euro có là đồng tiền được trông đợi?

Trong khi đó, đồng Euro có vẻ ngày càng hấp dẫn hơn đối với một số nhà đầu tư. Mặc cho nền kinh tế châu Âu cũng đang đối mặt với sự suy thoái nhưng giá trị đồng Euro vẫn tăng khoảng 2% so với USD trong năm nay.

Theo Rochester, dữ liệu cho thấy quá trình phục hồi ở nước Mỹ đã bị gián đoạn khi nước này tiếp tục phải đương đầu với sự bùng phát mới của đại dịch, trong khi đó, các hoạt động kinh tế vẫn đang dần được cải thiện ở châu Âu, nơi mà các lệnh phong tỏa được tiến hành sớm hơn.

Có nhiều ý kiến cho rằng các quốc gia châu Âu có thể thông qua gói phục hồi kinh tế mới trong tháng 7 này, đồng nghĩa với việc sẽ có thêm 750 tỷ euro (825 tỷ USD) được bơm vào thị trường tài chính (thông qua ngân sách giai đoạn 2021 - 2027).

"Đây có thể là một bước tiến lớn trong việc điều phối chính sách tài khóa trong khu vực và quan trọng hơn, đây sẽ là một nguồn nợ mới bằng đồng euro được đánh giá cao cho các nhà đầu tư toàn cầu", chiến lược gia Zach Pandl của Goldman Sachs nhận định.

Một cuộc khảo sát của Bank of America với các nhà quản lý quỹ được công bố hôm 14/7 cho thấy có hơn 40% những người được khảo sát cho biết họ muốn nắm giữ nhiều euro hơn.

Có rất ít lựa chọn thay thế USD ở thời điểm hiện tại

USD vốn được hưởng lợi từ việc là đồng tiền được lựa chọn cho rất nhiều giao dịch toàn cầu. Cụ thể, USD chiếm tới 62% dự trữ tiền tệ của thế giới và tham gia vào khoảng 88% các giao dịch tiền tệ toàn cầu. Số liệu này chỉ ra một thực tế rằng rất khó để tìm ra được một đồng tiền khác thay thế USD trong ngắn hạn.

Theo Jane Foley, người đứng đầu chiến lược tiền tệ tại Rabobank: "Tôi không nghĩ rằng đây là thời điểm đồng USD mất đi sức hấp dẫn". Lý do được bà Jane đưa ra là bởi USD có xu hướng mạnh lên khi triển vọng kinh tế toàn cầu xấu đi, đặc biệt là các vấn đề nổi cộm gần đây ở Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới, đã thúc đẩy nhu cầu nắm giữ USD nhiều hơn.

"Nhưng theo thời gian, mối lo ngại về nợ công của Mỹ đi kèm với sự gắn kết lớn hơn ở các quốc gia châu Âu có thể bắt đầu làm suy yếu đồng USD", ngân hàng Nomura nhận định. Ngân hàng này đồng thời dự báo USD có thể mất tới 20% giá trị trong 5 năm tới.

Xu hướng mất giá này có thể chịu ảnh hưởng trầm trọng hơn bởi các yếu tố địa chính trị. Nếu ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ, ngân hàng Nomura cho rằng xu thế đảo ngược toàn cầu hóa sẽ càng làm suy yếu đồng USD và thúc đẩy việc sử dụng nhiều hơn đồng tiền khác trong các giao dịch xuyên biên giới.

Giới chuyên gia cũng cho rằng chính lập trường chính sách đối ngoại "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump là nguyên nhân gây tổn hại cho đồng USD trong thời gian dài. Một nghiên cứu được công bố bởi Cục nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ năm 2017 cho thấy nhu cầu ngoại tệ đối với đồng USD có thể giảm nếu quốc gia này không đảm bảo được an ninh cho các đồng minh, dẫn đến việc họ có thể chuyển sang dự trữ nhiều hơn đồng euro, đồng yên và đồng Nhân dân tệ.

Cùng với đó, sự gia tăng của các loại tiền kỹ thuật số cũng có thể "ăn mòn" sức mạnh của đồng USD. Facebook vẫn đang triển khai dự án đồng Libra, trong khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng đang thử nghiệm phiên bản kỹ thuật số của đồng Nhân dân tệ. Mặc dù rào cản pháp lý cho việc sử dụng đồng tiền số vẫn còn rất lớn do lo ngại về gian lận và tội phạm tài chính nhưng ngân hàng Nomura cho biết họ đặc biệt chú ý tới các nỗ lực mạnh mẽ ở Trung Quốc khi nước này vẫn luôn mong muốn tăng cường sự hiện diện của đồng Nhân dân tệ trên toàn cầu.

Tham khảo: CNN

Nguồn: