Hàng loạt ngân hàng thông báo chốt chia cổ tức
Mới đây, các ngân hàng MB và VietinBank thông báo chốt danh sách chia cổ tức vào nửa đầu tháng 7/2021. Theo đó, dự kiến chỉ trong 1-2 tháng nữa, hơn 1 tỷ cổ phiếu CTG của VietinBank và gần 980 triệu cổ phiếu MBB của MB sẽ lên sàn chứng khoán.
Hàng tỷ cổ phiếu ngân hàng sẽ lên sàn trong cuối năm. Ảnh minh họa
Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, hai ngân hàng trên sẽ tiếp tục tung ra thị trường hàng trăm triệu cổ phiếu nữa qua chia cổ tức năm 2020 (VietinBank) và phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược, bán cổ phiếu ESOP - cổ phiếu thưởng hoặc bán cho người lao động (MB).
Trước đó ngày 16/6, thêm 175 triệu cổ phiếu trả cổ tức của SHB đã được đưa giao dịch trên thị trường. Một số ngân hàng khác cũng đã hoàn tất phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông và số cổ phiếu này dự kiến về tài khoản nhà đầu tư trong quý III/2021.
Cụ thể, ABBank sẽ đưa ra thị trường gần 370 triệu cổ phiếu ABB theo phương án trình cổ đông về kế hoạch tăng vốn điều lệ. Theo đó, ABBank sẽ tăng 65% vốn điều lệ từ 5.713 tỷ đồng lên hơn 9.409 tỷ đồng, gồm hai giai đoạn. Thời gian thực hiện tăng vốn giai đoạn một dự kiến trong quý II và quý III, giai đoạn hai trong quý IV.
OCB (HoSE: OCB) cũng sẽ đưa gần 329 triệu cổ phiếu lên thị trường trong năm nay theo kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 30%. Theo đó, ngân hàng sẽ phát hành 274 triệu cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 25%, chào bán 5 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP với giá 10.000 đồng/cp và dự kiến phát hành riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu phát hành riêng lẻ, ngân hàng sẽ trình nới "room" sở hữu nước ngoài lên tối đa 30%.
Tương tự, VIB sẽ đưa hơn 440 triệu cổ phiếu VIB lên sàn thông qua phương án tăng vốn tối đa 43% vốn điều lệ. Trong đó, ngân hàng sẽ chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 40%, nâng vốn lên 15.531 tỷ đồng và chào bán riêng lẻ tối đa 3% vốn đề phòng rủi ro dịch COVID-19.
Loạt ngân hàng tư nhân khác như ACB (HoSE: ACB) dự kiến sẽ đưa ra thị trường thêm 540 triệu cổ phiếu, HDBank (HoSE: HDB) cũng góp thêm 400 triệu cổ phiếu, thông qua chia cổ tức tỷ lệ 25%. SHB (HNX: SHB) dự kiến phát hành gần 370 triệu cổ phiếu chia cổ tức tỷ lệ 20,5%. MSB (HoSE: MSB) cũng lên kế hoạch trả cổ tức bằng 352 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 30%. VietBank (VBB) phát hành hơn 58,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức (tỷ lệ 14%).
Ở khối ngân hàng quốc doanh, BIDV (HoSE: BID) dự kiến sẽ đưa ra thị trường thêm 830 triệu cổ phiếu, gồm 488,6 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2019-2020 và 341,5 triệu cổ phiếu có thể được chào bán riêng lẻ hoặc ra công chúng.
Một loạt ngân hàng khác đã thông báo tỷ lệ chia cổ tức và dự kiến sớm chốt danh sách phát hành cổ phiếu trong 2 quý tới với số lượng phát hành khủng. Theo đó, NamABank phát hành 105 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2019 và năm 2020, OCB phát hành 274 triệu cổ phiếu trả cổ tức 25%, BacABank phát hành 44,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức 6,3…
Thị trường còn chứng kiến 3 thương vụ phát hành khủng dù thông tin chi tiết chưa có. Cụ thể, Vietcombank đang chờ Chính phủ phê duyệt phương án chia cổ tức 27,6% bằng cổ phiếu. Nếu được phê duyệt, Vietcombank sẽ tung hơn 1 tỷ cổ phiếu ra thị trường.
Lo ngại cổ phiếu ngân hàng bị loãng
Như vậy, trong 2 quý cuối năm, có ít nhất 7 tỷ cổ phiếu ngân hàng dội sàn chứng khoán. Nhiều chuyên gia chứng khoán cho biết, lợi nhuận lớn cộng với chia cổ tức khủng là động lực khiến cổ phiếu ngân hàng thăng hoa trong 6 tháng đầu năm nay với mức tăng từ 50% tới hơn 100%.
Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm với hàng tỷ cổ phiếu ngân hàng, dự kiến lên sàn chứng khoán đang khiến các nhà đầu tư lo ngại sự pha loãng mạnh của thị trường, khiến cổ phiếu "vua" đứng trước nguy cơ điều chỉnh.
Bàn về vấn đền này, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng cho rằng, mặc dù triển vọng lợi nhuận ngân hàng năm nay rất tốt, song trước tình hình trên, nhà đầu tư nên đầu tư cổ phiếu ngân hàng trong ngắn hạn, chia nhỏ từng đoạn để linh hoạt ứng phó với diễn biến thị trường.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia khác nhận định, khả năng trong quý III/2021, cổ phiếu ngân hàng sẽ đứng trước áp lực điều chỉnh do đã tăng giá quá mạnh trong 6 tháng đầu năm, cộng với hàng tỷ cổ phiếu mới được đưa vào thị trường khiến mức độ pha loãng lớn. Vì vậy, nhà đầu tư thay vì tập trung vào nhóm cổ phiếu ngân hàng như những tháng qua thì nên đầu tư sang các nhóm cổ phiếu khác có triển vọng tích cực hơn.
Báo cáo mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt cũng đánh giá, thông tin nới room tín dụng công bố tới đây cùng với kết quả kinh doanh quý II/2021 dự báo khả quan của nhiều ngân hàng sẽ khiến cổ phiếu ngân hàng tiếp tục được kỳ vọng tích cực. Tuy nhiên, nhà đầu tư không nên mua đuổi cổ phiếu ngân hàng, chỉ nên mua vào khi thị trường điều chỉnh và lựa chọn những mã cổ phiếu có room tín dụng tích cực, được định giá hợp lý, có mức tăng trưởng lợi nhuận cao hoặc có các câu chuyện riêng.
Nguồn: