Vào ngày 24/2/2022, Nga phát động cuộc tấn công vào Ukraine. Sự kiện này ngay lập tức đã khiến cho thị trường vàng toàn thế giới biến động. Cụ thể, giá vàng thế giới có lúc tăng hơn 100 USD lên mức cao nhất gần 2 năm.
Với tâm thế của thị trường chấp nhận giá, giá vàng SJC trong nước cũng tăng mạnh và thiết lập hết kỷ lục này đến kỷ lục khác, đầu tiên là 66,95 triệu đồng/lượng vào ngày 25/2 và lên đến 67,4 triệu đồng/lượng vào ngày 2/3. Vậy giá vàng quốc tế và trong nước sẽ biến động như thế nào trong thời gian tới và nhà đầu tư nên hành động ra sao là câu hỏi được nhiều người quan tâm.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nam (Trưởng khoa TCNH - trường Đại học Đại Nam), vàng đã đạt đỉnh ngay khi tin tức về căng thẳng giữa Nga và Ukraine nổ ra. Trong khi đó, thị trường vàng nội địa có xu hướng khuếch đại biên độ tăng giảm của giá vàng thế giới. Khi biến cố này xảy ra, chúng ta cần quan tâm đến hai lớp tài sản: tài sản mang tính bảo vệ và tài sản mang tính đầu tư. Vàng là một tài sản mang tính bảo vệ, chính vì vậy giá của vàng lập tức tăng lên cực cao.
Và ông cho rằng, nguyên nhân gốc rễ của đợt tăng đột biến này là do hành vi của nhà đầu cơ, đầu tư và tâm lý mua vàng dự trữ làm tài sản đảm bảo, chứ không phải do cầu thực tế.
Vậy lời khuyên dành cho nhà đầu tư lúc này nên làm gì? TS. Nguyễn Hoàng Nam dẫn khuyến cáo mới nhất của Hội đồng vàng thế giới, rằng nhà đầu tư chỉ nên duy trì từ 4-15% giá trị vàng trong danh mục đầu tư, và ông khuyên nhà đầu tư trong nước nên cẩn trọng bởi vàng không còn là kênh trú ẩn an toàn hàng đầu nữa.
"Thị trường vàng sẽ còn biến động rất khó lường, nhịp lên nhịp xuống bất định, chứ không tịnh tiến ngay đến mức giá 2.000 USD/ounce như dự báo. Vì vậy nhà đầu tư phải xem xét kỹ lưỡng khi quyết định đổ tiền vào vàng lúc này", TS. Nguyễn Hoàng Nam nói. Trước đó, hồi tháng 12/2021 ông từng dự báo giá vàng sẽ sớm lập đỉnh mới và điều đó hiện đã trở thành hiện thực.
Nhà đầu tư nên quan tâm tài sản gì hiện nay?
Theo TS. Nguyễn Hoàng Nam, trong bối cảnh địa chính trị thế giới căng thẳng hiện nay, cùng với việc Nga bị cấm vận và loại bỏ khỏi SWIFT, cơ hội sẽ đến với những quốc gia xếp sau Nga về xuất khẩu trong một số ngành hàng cụ thể, như: phân bón, thép thành phẩm, phôi thép, tôn mạ. Doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có khả năng sẽ hưởng lợi trong việc xuất khẩu sản phẩm thuộc các ngành hàng trên.
Về nguy cơ, Việt Nam có khả năng sẽ phải đối mặt với bài toán chuyển đổi thị trường đối với những sản phẩm mà chúng ta xuất khẩu chủ lực vào Nga như thủy sản, rau quả, cà phê thô và cao su.
Trong hoàn cảnh như hiện tại, TS. Nguyễn Hoàng Nam cho rằng, nhà đầu tư nên chấp nhận cắt lỗ cổ phiếu yếu, chuyển sang ưu tiên nắm giữ cổ phiếu khỏe và trái phiếu của nhóm ngân hàng và bất động sản khu công nghiệp, đặc biệt là của các công ty mà sản phẩm của họ được bán trên các tỉnh/thành thuộc cực tăng trưởng mới của nền kinh tế Việt Nam./.
Nguồn: