Lỡ vay tiêu dùng, quẹt thẻ tín dụng trước dịch, nhiều người chật vật trả góp hàng tháng

27/12/2024
Các khoản vay tiêu dùng tuy giá trị nhỏ nhưng có lãi suất vay tín chấp rất cao, bộ phận lớn người vay lại là nhóm khách hàng thu nhập thấp. Trong bối cảnh việc làm bị ảnh hưởng do dịch bệnh, tiền thuê trọ, tiền sinh hoạt, tiền trả góp dồn lại khiến họ rơi vào cảnh hết sức chật vật.

Chị Trang (25 tuổi) đang làm nhân viên marketing cho một trung tâm dạy tiếng anh tại Hà Nội. Trước dịch, thu nhập của chị khá ổn định, dao động từ 10-15 triệu đồng/tháng. Chị có một chiếc thẻ tín dụng hạn mức 70 triệu đồng. Hồi đầu năm, Trang sử dụng thẻ tín dụng để vay trả góp theo tháng một chiếc laptop trị giá hơn 30 triệu đồng trong 6 tháng, lãi suất 0%. Ngoài ra, chị cũng chi tiêu khá nhiều cho mua sắm, sinh hoạt thông qua thẻ tín dụng. Theo quy định tại ngân hàng, trong 45 ngày kể từ khi phát sinh chi tiêu, lãi suất thẻ tín dụng là 0%, nhưng qua 45 ngày thì sẽ bắt đầu tính lãi gần 36%/năm. 

Với nguồn thu nhập trên, trừ đi tiền thuê nhà, chị Trang vẫn đủ khả năng để trả góp và chi tiêu qua thẻ tín dụng 5-7 triệu đồng. 

Tuy nhiên, từ khi phải nghỉ làm việc tại nhà do giãn cách xã hội, thu nhập của chị sụt giảm đáng kể do doanh thu bán hàng thấp, trong khi công ty cũng thông báo sẽ giảm 10% lương cứng do khó khăn. Chị Trang lo lắng những tháng tới sẽ không thể đủ tiền để trả góp khoản vay trước đó và có thể bị tính lãi suất cao. 

Anh Trường (22 tuổi) còn khó khăn hơn trường hợp của chị Trang. Anh vay tiền mặt tại một công ty tài chính hồi tháng 3, lãi suất trên dư nợ giảm dần là 2,7%/tháng. Trường làm bảo vệ cho một nhà hàng tại Quận 1, TP.HCM với mức lương trung bình 7 triệu đồng/tháng. Do đợt bùng dịch gần đây, anh phải nghỉ hẳn ở nhà và gần như mất hoàn toàn thu nhập. Tiền ở trọ, tiền sinh hoạt, tiền trả góp dồn lại khiến những người thu nhập thấp như Trường rơi vào cảnh hết sức chật vật. Những khoản vay tiêu dùng cũng thường không được các công ty tài chính hỗ trợ giãn nợ hay hỗ trợ giảm lãi suất. 

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, quý 2/2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm , phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong quý 2/2021 là 49,9 triệu người, giảm 65.000 người so với quý trước. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 2 năm 2021 là gần 1,2 triệu người, tăng 87,1 nghìn người so với quý trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động quý 2/ 2021 đạt 6,1 triệu đồng, giảm 226 nghìn đồng so với quý trước và tăng 547 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. 

Nhiều chuyên gia cho rằng, các con số về việc làm trong quý 3 thậm chí sẽ còn tệ hơn. Có thể thấy, thu nhập của nhiều người đã bị giảm rất mạnh, thậm chí nhiều người mất hoàn toàn thu nhập vì mất việc. Điều này nằm ngoài dự tính của nhiều người, đặc biệt là những người trẻ đã quen với việc vay tiêu dùng, chi tiêu trước trả tiền sau qua thẻ tín dụng. Trên thực tế, dư nợ tín dụng tiêu dũng cũng đã tăng mạnh trong những năm trước đó, đến cuối năm 2020 đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, chiếm 20% dư nợ cho vay nền kinh tế. 

Trong khi khách hàng là doanh nghiệp có hiệp hội đại diện lên tiếng đề xuất hỗ trợ thì các khách hàng cá nhân nhỏ lẻ vay tiêu dùng gần như chưa tập hợp được tiếng nói chung. Các khoản vay tiêu dùng tuy giá trị nhỏ nhưng có lãi suất rất cao, bộ phận lớn người vay tiêu dùng lại là nhóm khách hàng thu nhập thấp. Đặt trong bối cảnh thu nhập đã thấp lại còn bị giảm do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, việc trả lãi như trước dịch là rất khó khăn với họ.

Theo Nghị quyết số 88/NQ-CP do Chính phủ ban hành mới đây, Chính phủ cũng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó đề nghị các TCTD quan tâm hỗ trợ các đối tượng khách hàng có khoản vay nhỏ đang rất khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch bệnh.

Nguồn: