Viện KSND Tối cao vừa ban hành cáo trạng, truy tố 9 bị can của Ngân hàng Phương Nam – nay là Sacombank là Trầm Bê (cựu Phó Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTD), Phan Huy Khang (cựu Phó Tổng Giám đốc), Ngô Văn Huổi (cựu Phó giám đốc, Ủy viên HĐTD Sở giao dịch và Giám đốc Trung tâm xét duyệt tín dụng), Phan Thị Hồng Vân (cựu cán bộ pháp chế, Ủy viên HĐTD), Trịnh Bích Nga (cựu Trưởng phòng kinh doanh, Ủy viên HĐTD Sở giao dịch), Nguyễn Văn Phong (cựu Phó Giám đốc, Ủy viên HĐTD Sở giao dịch), Phạm Trường Giang (cựu Phó phòng kinh doanh, Sở Giao dịch), Trần Quang Thắng (cựu cán bộ tín dụng Sở giao dịch) và Trầm Việt Trung (cựu Giám đốc Trung tâm xét duyệt tín dụng; kiêm Ủy viên HĐTD).
9 bị can trên bị Viện KSND tối cao truy tố cùng tội danh “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, theo khoản 3, Điều 179 Bộ luật hình sự năm 1999, có khung hình phạt thấp nhất là 10 năm tù.
Đáng lưu ý là tại Bản Kết luận điều tra số 74/C03-P12 ngày 10/9/2019 và Bản kết luận điều tra bổ sung số 10CSKT-P12, ngày 10/2/2020 cùng của Cơ quan CSĐT Bộ Công an, chuyển VKS cùng đề nghị truy tố cả 9 cựu lãnh đạo Sacombank theo Điều 206 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
Theo Viện KSND Tối cao, việc truy tố 9 cựu lãnh đạo Sacombank là cơ quan công tố đã áp dụng điểm c Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội Khóa 14 về thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 áp dụng những quy định của pháp luật có lợi cho người phạm tội, hành vi phạm tội.
Theo cáo trạng vụ án, ngày 7/4/2018, Dương Thanh Cường (Cty Bình Phát, Thanh Phát) ký hồ sơ đề nghị vay vốn, giấy cam kết thế chấp 23 quyền sử dụng đất (QSDĐ) tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TPHCM gửi Ngân hàng Phương Nam vay 200 tỷ đồng.
Mục đích vay theo hồ sơ là để đầu tư 3 dự án: Dự án Khu chung cư cao tầng Bình Phát, Bình Phát 1 và Thiên Kim Phát. Ông Trầm Bê chỉ đạo thuộc cấp hoàn tất thủ tục và từ ngày 12/4/2008 đến ngày 23/4/2008 Ngân hàng Phương Nam đã giải ngân cho Cty Bình Phát 130 tỷ đồng.
Đến tháng 5/2008, Cường gặp Bê xin vay thêm tiền. Bê đồng ý cho vay thêm bằng cách tất toán hồ sơ vay trước đây, đồng thời làm hồ sơ vay mới. Ngày 23/5/2008, Cường ký giấy đề nghị vay thêm 130 tỷ đồng và 5.000 lượng vàng SJC, tài sản thế chấp vẫn là 23 QSDĐ của lần vay đầu tiên.
Ngân hàng Phương Nam giải ngân 57 tỷ đồng và 9.000 lượng vàng (tổng cộng 221 tỷ đồng). Cường dùng gần 131 tỷ đồng tất toán hợp đồng vay lần 1 và nhận thêm 90 tỷ đồng rồi dùng số tiền này tiếp tục trả lãi vay 32 tỷ đồng.
Ngày 4/6/2009, đến hạn phải thanh toán hợp đồng lần 2 là 60 tỷ đồng và 9.441 lượng vàng, Cường đến gặp Bê xin gia hạn nợ. Ông Bê đồng ý cho gia hạn bằng cách đảo nợ. Phía Ngân hàng Phương Nam ký hợp đồng với Cty Bình Phát với nội dung cho vay 80 tỷ đồng và 9.000 lượng vàng.
Ngày 11/10/2010, Cường ký giấy đề nghị gán tài sản thế chấp là 23 QSDĐ để cấn trừ nợ gốc, lãi tổng cộng 331 tỷ đồng. Ngày 14/1/2010 hai bên ký thanh lý hợp đồng, hoàn tất việc gán tài sản.
Tổng cộng Dương Thanh Cường chiếm hưởng 185 tỷ đồng tiền gốc và 146 tỷ đồng tiền lãi. Ông Trầm Bê và các bị can đã gây thiệt hại cho Sacombank hiện nay 505 tỷ đồng.
Việc truy tố 9 cựu lãnh đạo Sacombank là cơ quan công tố đã áp dụng điểm c Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội Khóa 14 về thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 áp dụng những quy định của pháp luật có lợi cho người phạm tội, hành vi phạm tội – Cáo trạng số 25/CT-VKSTC-V5.
Nguồn: