Lợi nhuận BIDV đi xuống trong quý 3/2021

13/12/2024
Chi phí dự phòng tiếp tục tăng mạnh khiến lợi nhuận quý 3 giảm nhẹ so với cùng kỳ.

Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển Việt Nam - BIDV (mã BID ) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 3/2021.

Theo đó, mảng tín dụng mang về khoản lãi 12.204 tỷ đồng trong riêng quý 3, tăng 33,5% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, mảng này ghi nhận lợi nhuận 35.964 tỷ đồng, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động dịch vụ mang về cho BIDV khoản lợi nhuận 1.594 tỷ đồng, tăng 16,6% so với quý 3/2020, lũy kế 9 tháng đạt 4.770 tỷ đồng, tăng trưởng 30,1%.

Mảng kinh doanh ngoại hối ghi nhận lợi nhuận 457 tỷ đồng trong quý 3, tăng trưởng 4,4% so với cùng kỳ, nâng lợi nhuận lũy kế 9 tháng mảng này ở mức 1.242 tỷ đồng, giảm nhẹ 1%.

Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh trong quý 3 bất ngờ đi xuống khi lỗ hơn 2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước mảng này vẫn lãi 58 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, mảng này lãi 570 tỷ đồng, tăng trưởng 19%.

Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư cũng tiếp tục có dấu hiệu đi xuống khi chỉ lãi 152 tỷ đồng, giảm tới 55,4% so với cùng kỳ. 9 tháng đầu năm, mảng này báo lỗ 342 tỷ đồng, so với mức lãi hơn 1.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2020.

Lãi từ hoạt động khác trong quý 3 giảm giảm 20,7%, xuống còn 794 tỷ đồng, lợi nhuận 9 tháng ở mức 4.786 tỷ đồng, tăng 70,1% so với cùng kỳ.

Tổng thu nhập hoạt động trong quý 3 tháng của BIDV ở mức 15.247 tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ trong khi tổng chi phí hoạt động tăng 29% khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ còn tăng 20,3% so với cùng kỳ, đạt 10.176 tỷ đồng.

Dù vậy, chi phí dự phòng tiếp tục tăng mạnh tới 30,3% khiến lợi nhuận quý 3 giảm nhẹ 1,1% so với cùng kỳ, còn 2.674 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của BIDV tăng 52%, ở mức 10.733 tỷ đồng. Với kết quả này, ngân hàng đã hoàn thành 82,6% kế hoạch lợi nhuận cho năm nay (13.000 tỷ đồng).

Tại ngày 30/9/2020, tổng tài sản của BIDV tăng 11,2% lên hơn 1,68 triệu tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng tăng 9,4%, lên gần 1,33 triệu tỷ đồng. Huy động tiền gửi tăng 6,8%, đạt 1,3 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ cho vay/tiền gửi của ngân hàng vẫn ở mức cao với 100%.

Trong khi vốn chủ sở hữu của BIDV đã tăng 8% sau 9 tháng, lên 86.018 tỷ đồng, chủ yếu nhờ quỹ và khoản lợi nhuận để lại thì vốn điều lệ của ngân hàng vẫn ở mức 40.220 tỷ đồng.

Về chất lượng cho vay, tính đến cuối tháng 9/2021, BIDV đang có tổng cộng 21.433 tỷ đồng nợ xấu, gần như không đổi so với đầu năm. Do tăng trưởng tín dụng ở mức khá tốt nên đến cuối tháng 9, tỷ lệ nợ xấu/cho vay giảm xuống còn 1,61%, so với mức 1,76% hồi đầu năm.

Nguồn: