Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB – Mã: OCB) vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 với những kết quả tích cực, trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 và ngành ngân hàng triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do đại dịch.
Tích cực đồng hành cùng khách hàng
06 tháng đầu năm, dịch COVID-19 bùng phát với những diễn biến vô cùng phức tạp, đặc biệt là vào Quý II/2021 đã tác động không nhỏ tới nền kinh tế - xã hội trong nước. Trước bối cảnh đó, OCB đã áp dụng các chính sách ưu đãi lãi suất, giảm - giãn thời gian trả nợ vay, cung cấp kịp thời nguồn vốn để khách hàng tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh. Cụ thể, ngân hàng đã thực hiện giảm lãi suất trên 4.500 tỷ đồng dư nợ đối với khách hàng thuộc đối tượng theo thông tư 03 của NHNN và 56.000 tỷ đồng dư nợ cho các khách hàng khác chịu ảnh hưởng do dịch bệnh thuộc các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau.
Bên cạnh việc cung cấp các giải pháp tài chính nhằm đồng hành, chia sẻ khó khăn và hỗ trợ khách hàng, OCB đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động cộng đồng theo lời kêu gọi từ Chính phủ, NHNN Việt Nam và các cơ quan ban ngành, các địa phương. Thực hiện trao tặng 7.400 bộ test nhanh Covid 19 cho các bệnh viện dã chiến và khu cách ly trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh; hỗ trợ chi phí lưu trú cho đội ngũ y bác sĩ; phối hợp cùng với báo VnExpress thực hiện Quỹ Hy vọng nhằm trang bị đồ bảo hộ đạt chuẩn cho lực lượng tuyến đầu; tài trợ kinh phí cho các địa phương khó khăn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh trong công tác phòng chống dịch bệnh;….
Duy trì hoạt động kinh doanh hiệu quả
Bên cạnh sự chia sẻ, đồng hành cùng với khách hàng và cộng đồng xã hội, OCB đã không ngừng nỗ lực trong việc đảm bảo tăng trưởng, kiểm soát tốt rủi ro và duy trì hoạt động kinh doanh hiệu quả theo kế hoạch đã đặt ra.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng thu thuần đạt 4.249 tỷ, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dù ngân hàng chủ động triển khai hình thức hỗ trợ lãi suất cho các khách hàng chịu ảnh hưởng bởi COVID, thu thuần từ lãi của ngân hàng vẫn tăng 21,6%, đạt 2.800 tỷ nhờ biên lãi suất NIM liên tục duy trì ở mức cao 3,86% theo định hướng bán lẻ, cho vay tiêu dùng và cơ cấu tài sản đầu tư chủ động phù hợp với diễn biến thị trường.
Đặc biệt, trên nền thu nhập cao trong nửa đầu 2020, thu thuần ngoài lãi tiếp tục tăng trưởng 13,3% so với cùng kỳ. Trong đó, lãi từ dịch vụ đóng góp tỷ trọng lớn 24% trên tổng thu ngoài lãi, tương đương 351 tỷ đồng nhờ tăng trưởng mạnh hoạt động bảo hiểm Bancas, thu từ phí thẻ và các hoạt động tư vấn khác. Với những kết quả khả quan từ hoạt động đầu tư và kinh doanh chứng khoán, trong nửa đầu 2021, mảng này duy trì đóng góp 57% thu ngoài lãi, tương đương 827 tỷ đồng. Với những kết quả khả quan trên, nguồn thu của OCB được đa dạng hóa và tỷ lệ thu thuần ngoài lãi trên tổng thu thuần đạt 34,1%.
Về hiệu quả hoạt động, trong nửa đầu năm 2021, tỉ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của OCB thuộc trong nhóm thấp nhất toàn ngành khi giảm còn 28,1% từ mức xấp xỉ 30% trong cùng kỳ năm ngoái nhờ năng suất lao động được tối ưu hóa do tăng cường đầu tư công nghệ. Từ đó, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng tăng trưởng 42,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2.661 tỉ đồng và tương đương 48% kế hoạch năm.
Về quy mô hoạt động, tính đến thời điểm 30/6/2021, tổng tài sản OCB đạt 167.142 tỷ đồng, tăng 9,6% so với đầu năm. Trong đó, tập trung vào danh mục sản phẩm cho vay phù hợp với phân khúc bán lẻ, tổng dư nợ thị trường 1 (bao gồm TPDN) tiếp tục tăng trưởng hơn 6% so với đầu năm, thích ứng tốt trước tình hình diễn biến dịch bệnh hiện tại.
Tổng huy động vốn từ thị trường 1 của OCB đạt 118.395 tỉ đồng, tăng 9,2% so với đầu năm. Trong đó, huy động từ tiền gửi khách hàng đạt 96.215 tỉ đồng, tăng 10,4% so với đầu năm. Với chất lượng tài sản tốt, OCB chủ động tận dụng nguồn vốn dài hạn chất lượng với chi phí vốn thấp hơn từ ủy thác đầu tư và phát hành giấy tờ có giá với đóng góp xấp xỉ 19% trên tổng huy động thị trường 1, hài hòa cấu trúc huy động và góp phần giảm chi phí vốn đáng kể.
Song song với hoạt động kinh doanh hiệu quả trong giai đoạn nhiều thách thức, OCB tiếp tục kiểm soát tốt các chỉ số an toàn theo quy định của NHNN. Tỉ lệ nợ xấu tiếp tục được kiểm soát và giảm về mức 1,53% trong 6 tháng đầu năm; Tỉ lệ an toàn vốn CAR hợp nhất đạt 12,8% cao hơn nhiều so với quy định của NHNN; Tỉ lệ bao phủ nợ xấu đạt 70%, tiếp tục tăng so với mức 62% đầu năm 2021.
Thanh toán online bùng nổ trong giai đoạn này, đặc biệt sau khi OCB triển khai định danh điện tử (eKYC). Số liệu cho thấy, tỷ lệ giao dịch thanh toán online tăng lên hơn 30% trong 6 tháng đầu năm 2021, đánh dấu hiệu quả trong triển khai ngân hàng số của OCB thời gian qua. Theo đại diện OCB, với sự ra đời của eKYC, khách hàng ngày càng trở nên quen thuộc hơn với việc sử dụng ứng dụng di động để mở tài khoản ngân hàng và thực hiện các giao dịch ngân hàng qua kênh online.
OCB cũng tập trung đẩy mạnh các sản phẩm dịch vụ trên kênh online, gia tăng các tiện ích và các ưu đãi cho khách hàng giao dịch trực tuyến, triển khai các chương trình khuyến mãi hấp dẫn như hoàn tiền, ưu đãi giá, quay số trúng thưởng…
Những nỗ lực của ngân hàng đã được ghi nhận khi OCB liên tục được vinh danh trong các bảng xếp hạng đánh giá tín nhiệm và giải thưởng uy tín trong, ngoài nước như: Tổ chức Moody’s khẳng định xếp hạng tín nhiệm với triển vọng "tích cực"; Top 10 ngân hàng TMCP tư nhân uy tín năm 2021, Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất và Top 50 Doanh nghiệp tăng trưởng xuất sắc nhất năm 2021 do Vietnam Report xếp hạng; Ứng dụng Ngân hàng số tốt nhất Việt Nam năm 2021 do Tạp chí tài chính quốc tế International Finance Magazine (IFM) trao tặng…
Năm 2021, OCB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 25%, lợi nhuận trước thuế đạt 5.500 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2020. Mục tiêu đưa OCB vào trong Top 5 các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tại Việt Nam.
Nguồn: