Cách sinh lời từ tiết kiệm ngoại tệ 0%
Mới đây nhân viên NH S. trụ sở tại quận 1, TPHCM, gọi điện thoại cho chị V. mời chào vay cầm cố sổ tiết kiệm ngoại tệ cho vay VNĐ, với lãi suất 5,7%/năm cho kỳ hạn 6 tháng. Khi chị V. nói không có nhu cầu vay, nhân viên NH tiếp tục tư vấn chị có thể vay với lãi suất thấp, sau đó đem tiền vay VNĐ này gửi tại các NHTM khác có lãi suất huy động cao để hưởng chênh lệch.
Với phương thức này, giả sử khoản tiết kiệm 200.000USD đang gửi trong NH S. với lãi suất 0%/năm, nếu cầm cố khách hàng sẽ vay được khoảng 2 tỷ đồng, lãi suất 5,7%/năm kỳ hạn 6 tháng. Số tiền 2 tỷ đồng nếu gửi tiết kiệm tại NH khác với lãi suất 8,5%/năm cùng kỳ hạn 6 tháng, khách hàng được hưởng chênh lệch gần 3%. Như vậy, chỉ sau 6 tháng, sổ tiết kiệm 200.000USD có lãi suất 0%/năm đem cầm cố vay, sau đó gửi lại VNĐ sẽ lãi khoảng 85 triệu đồng.
Thực ra không chỉ NH S., nhiều NH nước ngoài khác trên địa bàn TPHCM cũng đang khuyến khích khách hàng cầm cố sổ tiết kiệm ngoại tệ vay VNĐ. NH C. có trụ sở quận Phú Nhuận đang thực hiện chính sách này, nhân viên của NH liên hệ với rất nhiều khách hàng VIP để kêu gọi vay. Một nhân viên NH này nói với hình thức này khách hàng có thêm thu nhập trong bối cảnh lãi suất huy động tiền đồng tăng cao và lãi suất ngoại tệ gần như bằng 0.
Hiện nhiều người đang nhận ngoại tệ của người thân từ nước ngoài gửi về, đa số đều gửi tại NH để dùng khi cần hoặc chờ giá tăng mới bán. Việc NH triển khai cầm cố sổ tiết kiệm ngoại tệ để vay VNĐ sau đó đem gửi nơi khác với lãi suất cao hơn, đã đánh trúng tâm lý khách hàng vừa được hưởng lãi suất trong thời gian chờ giá ngoại tệ tăng.
Nhiều rủi ro cho khách hàng
Chỉ những nhà đầu tư và buôn tiền chuyên nghiệp mới tính toán được làm sao để “tiền đẻ ra tiền”, vì họ có thể biết chính xác tỷ lệ phần trăm kiếm được trong khoảng thời gian xác định, không phải gửi và vay lòng vòng như cách NH tư vấn cho khách hàng.
Về lý thuyết, việc các NH nước ngoài khuyến khích khách hàng gửi ngoại tệ vay cầm cố lấy tiền đồng là cách rất linh hoạt, vừa có lợi cho NH lẫn người gửi. Với khách hàng sẽ được hưởng lãi suất như đã phân tích ở trên. Với NH không lo rủi ro vì đã giữ tài sản đảm bảo là sổ tiết kiệm ngoại tệ, trong khi lại có nguồn ngoại tệ dồi dào để cho doanh nghiệp vay, cũng như tạo được niềm tin trong lòng cho khách hàng nội địa khi cho vay VNĐ lãi suất ưu đãi.
Đặc biệt, với những khoản vay được cầm cố, thế chấp bằng sổ tiết kiệm (có tính an toàn cao), lãi suất cho vay tiền đồng tại các NH này tương đối mềm, chỉ khoảng 5-6%. Còn với khách hàng giữ ngoại tệ mà không có nhu cầu giao dịch thường xuyên, việc hưởng lãi suất ngoại tệ thấp cũng là một thiệt thòi khi nhiều NH đang chạy đua hút vốn nên đã liên tục tăng lãi suất, có nơi lên gần 9%/năm. Đồng thời huy động USD chỉ 0%, nhưng NH đang cho vay ngoại tệ với lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8-4,7%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,5-6%/năm.
Theo một lãnh đạo NHTMCP tại TPHCM, xu hướng cạnh tranh lãi suất huy động vẫn tăng cao ở nhiều NH vừa và nhỏ. Do vậy, chỉ cần khách hàng gửi số tiền lớn là có quyền được thương lượng lãi suất ưu đãi phù hợp với yêu cầu người gửi. Đối với hình thức cầm cố sổ ngoại tệ tại các NH nước ngoài để nhận VNĐ gửi NH trong nước là nhu cầu thực của mỗi người.
Bản thân NH cho vay hay NH huy động cũng đạt được thỏa thuận giữa các bên. Có điều hình thức này chỉ phù hợp với một số người có ngoại tệ nhàn rỗi và xu hướng hưởng lợi cũng chỉ thực hiện được trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, khi tham gia hình thức này, rủi ro có thể xảy ra với người gửi tiền bằng hình thức cầm cố, vì chính sách lãi suất huy động có thể thay đổi bất cứ lúc nào, và số NH áp dụng lãi suất kỳ hạn 6 tháng trên 8%/năm hiện cũng ít. Đa số NH trong nước huy động lãi suất trên 8% cho kỳ hạn từ 13 tháng trở lên, ngoại trừ một số khách hàng có thỏa thuận.
Trong khi đó, các NH nước ngoài lại cho vay lãi suất thấp nhưng chỉ áp dụng trong 1-3 tháng đầu tiên. Do đó, khoản tiền gửi có giá trị rất lớn, chênh lệch lãi suất khách hàng nhận được mới đáng kể. Ngược lại, khách hàng có số tiền nhỏ có thể không nhận được lợi ích nếu không đọc kỹ các quy định trong hợp đồng vay vốn.
Mặt khác, hiện NHNN vẫn khuyến khích người dân không tích trữ ngoại tệ khi không có nhu cầu. Vì vậy, việc gửi ngoại tệ sau đó đem cầm cố lấy VNĐ gửi NH hưởng lãi suất sẽ gặp rủi ro nếu bị đưa vào kiểm soát. Hoặc trong trường hợp các NH nước ngoài có những thay đổi về chính sách, người vay tiền sẽ gặp phải rủi ro về thanh khoản, vì bị kẹt giữa khoản vay và khoản gửi trước đó.
Yếu tố nữa cũng cần xem xét về giá trị chuyển tiếp. Khi cầm cố sổ tiền gửi USD, NH sẽ áp hạn mức cho vay luôn dưới 100% giá trị VNĐ quy đổi. Trong trường hợp này, cơ sở số dư tiền gửi VNĐ chuyển tiếp để gửi lấy lãi suất 8%/năm đã hao hụt, mức độ kiếm lời không còn nguyên vẹn như cách tính toán khá đơn giản về chênh lệch lãi suất nói trên.
Nguồn: