'Lớp vỏ' cơ cấu lại nợ sẽ mang tới lợi nhuận 'ảo' cho ngành ngân hàng 2020

15/12/2024
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, cổ đông các ngân hàng nên thận trọng với con số lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2020 vì đó có thể chỉ là con số ảo được bao bọc bởi lớp vỏ cơ cấu lại nợ theo Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước.

Ngày 13/3/2020, trước lo ngại về nợ xấu sẽ ảnh hưởng tới hoạt động tín dụng của ngân hàng và doanh nghiệp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 01 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Thông tư 01 nêu rõ TCTD, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài được giữ nguyên nhóm nợ như đã phân loại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm gần nhất trước ngày 23/01/2020.

Sau đó, tháng 5/2020, NHNN lại đưa dự thảo thông tư lấy ý kiến, bổ sung quy định cho phép các TCTD được áp dụng quy định tại Thông tư 01 cho các khoản giải ngân từ ngày 23/1/2020 cho đến trước ngày 25/4/2020 và có lịch trả nợ gốc và/hoặc lãi phát sinh trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 31/12/2020.

Điều đó có nghĩa là đối với các khoản giải ngân sau ngày 24/4/2020, thì TCTD, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài cần căn cứ vào đặc điểm của khách hàng để thống nhất với khách hàng lịch trả nợ phù hợp mà không được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, trong các hội nghị tiếp xúc với doanh nghiệp tỉnh, thành phố, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, "Để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp NHNN sẽ sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 theo hướng kéo dài thời gian hỗ trợ có thể đến hết năm 2020 hoặc lâu hơn nữa tùy theo diễn biến và ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19".

Có thể thấy, NHNN đang hết sức nỗ lực để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Tuy nhiên, đi cùng với yêu cầu cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp của NHNN là nỗi lo "nợ xấu bị che đậy" và hệ lụy trong tương lai với ngành ngân hàng là không hề nhỏ.

Một bức tranh nợ xấu thiếu trung thực - lợi nhuận ảo

Một trong những điểm được cho là tích cực mà Thông tư 01 mang lại cho ngành ngân hàng hiện tại là giảm áp lực nợ xấu, giảm trích lập dự phòng cho các TCTD. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu lại có quan điểm ngược chiều rằng, Thông tư 01 thực chất chỉ như "quét toàn bộ rác xuống dưới tấm thảm đẹp" chứ không giải quyết được thực chất vấn đề mà hệ thống ngân hàng và nền kinh tế đang phải đối mặt.

Lớp vỏ cơ cấu lại nợ sẽ mang tới lợi nhuận ảo cho ngành ngân hàng 2020 - Ảnh 1.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính ngân hàng


"Nợ xấu vẫn đang lớn lên từng ngày. Tuy nhiên, Thông tư 01 cho phép nợ xấu và nợ tiềm ẩn nợ xấu được giữ nguyên trạng, che đậy để thành khoản nợ bình thường. Điều này rất nguy hiểm, khiến các ngân hàng chủ quan, lơ là thu hồi nợ", ông Hiếu nói.

Hiện nhiều cá nhân, doanh nghiệp đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng những khoản nợ đáng lý là nợ xấu lại được giữ nguyên nhóm để doanh nghiệp có thể tiếp tục vay vốn ngân hàng.

"Điều này không giải quyết được nợ xấu, mà chỉ to son điểm phấn lên tài sản có của ngân hàng, còn thực chất nợ xấu vẫn đấy, làm tăng nguy cơ cho ngân hàng vì nợ xấu không được quan tâm đúng mực", ông Hiếu lưu ý.

Nói thêm về tác động của Thông tư 01/2020-NHNN, ông Hiếu cho rằng, "Thông tư 01 không tốt".

"Thông tư 01 chỉ tốt ở chỗ giúp 1 số doanh nghiệp không bị chuyển nhóm nợ để thành nợ xấu, doanh nghiệp có thể tiếp tục vay tiền ngân hàng. Nhưng lại đẩy rủi ro về phía ngân hàng".

Theo đó, ông Hiếu cho rằng, ngân hàng nào thận trọng thì cần có những dự phòng cần thiết cho những khoản nợ xấu bị cơ cấu lại. "Ngân hàng nên có một quyển sổ dự phòng ngoài sổ sách, dự phòng kín để biết hiện tại chi phí nợ xấu là bao nhiêu, như thế nào, chứ không nên tin tưởng vào bảng cân đối kế toán. Lợi nhuận năm 2020 có thể chỉ là ảo nếu không dự phòng nợ xấu một cách đúng mực".

Ông Hiếu cho rằng, các cổ đông ngân hàng nên sớm lo ngại về lợi nhuận năm 2020 của ngành ngân hàng. "Vì rất có thể đó chỉ là những con số "ảo" do không phải trích lập dự phòng những khoản nợ đáng ra đã là nợ xấu".

"Dù tỷ lệ nợ xấu có thể vẫn thấp, nhưng đó là do nhiều khoản nợ xấu đã được tái cơ cấu, còn thực chất nợ xấu vẫn ở đó, không mất đi, tạo ra bức tranh lợi nhuận lệch lạc", ông Hiếu nói.

Để ứng xử với những vấn đề nêu trên, ông Hiếu hiến kế, các ngân hàng cần thận trọng hơn trong cho vay. Việc cơ cấu lại nợ là chẳng đặng đừng, các ngân hàng nên chọn những trường hợp dịch bệnh gây thiệt hại lớn cho cả doanh nghiệp và cả ngân hàng để cơ cấu lại nợ. Việc cơ cấu lại nợ cũng cần có báo cáo riêng để bộ phận quản lý nợ xấu nắm được và theo dõi sát những khoản nợ đáng lý ra đã thành nợ xấu.

"Ngân hàng cần thận trọng với cả 2 loại nợ là nợ được cơ cấu lại và cả những khoản nợ mới cho vay. Đặc biệt, cần quan tâm hơn cả là những khoản nợ xấu được bao bọc bởi lớp vỏ cơ cấu lại nợ", ông Hiếu nhấn mạnh.

Nguồn: