Lựa chọn kinh doanh “Rủi ro thấp – Lợi nhuận cao” của Techcombank dưới góc nhìn tài chính

24/11/2024
Techcombank được đánh giá là một ngân hàng sở hữu chất lượng tài sản và nền tảng vốn mạnh mẽ, khả năng sinh lời ổn định. Sự thành công của Techcombank có sự đóng góp quan trọng từ chiến lược “Khách hàng là trọng tâm” và lựa chọn kinh doanh mang tên “Rủi ro thấp – Lợi nhuận cao”.

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's vừa công bố xếp hạng tín nhiệm của Techcombank với đánh giá tín dụng cơ bản (BCA) ở mức ba3 giữa lúc thị trường gặp nhiều thách thức do tác động của COVID-19.

Tổ chức này cũng giữ nguyên mức tiền gửi nội tệ dài hạn và nhà phát hành nội, ngoại tệ dài hạn của Techcombank ở Ba3, mức xếp hạng tín nhiệm cao nhất ngang trần tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.

Theo Moody's, mức đánh giá tín dụng cơ bản ba3 phản ánh khả năng sinh lời vững chắc, chất lượng tài sản ổn định và nền tảng vốn mạnh mẽ của Techcombank.

Lợi nhuận cao đến từ đa dạng hóa nguồn thu

Trong báo cáo xếp hạng tín nhiệm, Moody's cho biết tỉ suất sinh lời trên tài sản hữu hình của Techcombank ở mức 2,6% trong quí I, cao nhất trong số các ngân hàng tại Việt Nam mà đơn vị này thực hiện đánh giá.

Tỉ lệ doanh thu trước dự phòng trên tài sản hữu hình tăng từ mức 3,4% của quí I/2019 lên 4,0 % tại quí I/2020, do được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng mạnh của thu nhập lãi thuần (tăng 23% so với cùng kì), và thu nhập từ phí (tăng 73%).

Theo tổ chức xếp hạng này, thu nhập từ phí đóng góp tới 14% tổng doanh thu của Techcombank trong quí I/2020, thông qua hoạt động bán bảo hiểm (bancassurance) và kinh doanh trái phiếu, bao gồm cả tư vấn phát hành trái phiếu cho khách hàng doanh nghiệp lớn và phân phối trái phiếu doanh nghiệp dưới hình thức quản lí tài sản cho khách hàng thu nhập cao.

"Techcombank tăng trưởng ổn định trên thị trường vốn nợ nhờ việc hỗ trợ các doanh nghiệp lớn phát hành trái phiếu, đáp ứng nhu cầu tài chính dài hạn của họ và sau đó phân phối trái phiếu cho các nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư nhỏ lẻ có giá trị tài sản ròng cao", Moody's đánh giá.

Theo lãnh đạo Techcombank, trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng doanh thu của Techcombank đạt 30%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng chung của ngành. Có được thành công này là do ngân hàng thực hiện đa dạng hóa nguồn thu, trọng tâm là những thu nhập ngoài lãi, từ các loại phí chủ chốt như từ thẻ, bảo hiểm, hay là về phát hành trái phiếu cùng những dịch vụ ngân hàng giao dịch nói chung cho các doanh nghiệp.

Nửa đầu năm 2020, lợi nhuận trước thuế Techcombank đạt 6.700 tỉ đồng và doanh thu ở mức 11.800 tỉ đồng, tăng lần lượt 19% và 30% so với cùng kì năm 2019 và tiếp tục duy trì được chuỗi tăng trưởng doanh thu 19 quí liên tiếp.

Với kết quả đạt được, Techcombank có đủ khả năng để hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 13.000 tỉ đồng trong năm nay, hướng tới vị trí "quán quân" lợi nhuận trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần.

Lựa chọn kinh doanh “Rủi ro thấp – Lợi nhuận cao” của Techcombank dưới góc nhìn tài chính - Ảnh 1.

Các chỉ tiêu tài chính của Techcombank. (Nguồn: Moody’s)

Rủi ro thấp nhờ cấu trúc vững vàng của nguồn vốn và tài sản

Moody's nhận định Techcombank sở hữu cấu trúc nguồn vốn vững chắc, trong khi các rủi ro liên quan đến hoạt động cho vay được đảm bảo bởi các tài sản có tính thanh khoản cao.

Báo cáo của Moody's cho biết Techcombank có tỉ lệ Vốn chủ sở hữu hữu hình/Tài sản có rủi ro (tỉ lệ TCE) cao nhất trong số các ngân hàng Việt Nam được tổ chức này đánh giá. Ngân hàng cũng không có kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2019, qua đó giúp tăng cường nguồn vốn chủ sở hữu.

Tính đến cuối năm 2019, tỉ lệ TCE của Techcombank theo Basel II đạt 13,8%, tăng từ mức 13,4% vào cuối năm trước. Trước đó, trong năm 2018, tăng trưởng vốn nội bộ của Techcombank cũng đạt 17% vượt xa mức tăng trưởng 11% của tài sản có rủi ro.

Tuy nhiên, Moody's dự báo tỉ lệ TCE của Techcombank sẽ ở mức thấp hơn trong hai năm tới do xu hướng tăng trưởng của hoạt động tín dụng và đầu tư của nhà băng này.

Lựa chọn kinh doanh “Rủi ro thấp – Lợi nhuận cao” của Techcombank dưới góc nhìn tài chính - Ảnh 2.

Một số chỉ tiêu an toàn vốn của Techcombank (Nguồn Moody's)

Số liệu của Moody's cho thấy đến cuối quí I/2020, tổng tiền gửi của Techcombank tăng 13% so với cùng kì năm trước và chủ yếu đến từ các khách hàng nhỏ lẻ (đóng góp 77%). Đồng thời, phần lớn tiền gửi của ngân hàng là các khoản tiền gửi có kì hạn, mặc dù tỉ trọng tiền gửi tiết kiệm và tiền gửi chi phí thấp vẫn tăng đều đặn từ mức 15% vào cuối năm 2013 lên 31% vào cuối tháng 3/2020. 

Cuối quí I, tài sản thanh khoản của ngân hàng ở mức 35% tổng tài sản có, tương đương cuối năm 2019. Trong đó, các loại tài sản thanh khoản chất lượng cao như tiền mặt, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước và trái phiếu chính phủ chiếm 11%.

Các tài sản thanh khoản khác nằm dưới dạng tiền gửi, cho vay trên thị liên ngân hàng và chứng khoán đầu tư được phát hành bởi các doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng trong nước.

Cùng thời điểm, các khoản cho vay có vấn đề của Techcombank chiếm 2,1% tổng dư nợ đã điều chỉnh, thấp hơn mức 2,3% vào cuối năm 2019.  Đồng thời, dư nợ có vấn đề của Techcombank đã giảm 6% trong quí I/2020 do ngân hàng thực hiện xóa 693 tỉ đồng nợ xấu. Theo định nghĩa của Moody's, các khoản vay có vấn đề bao gồm nợ xấu (NPL), nợ cần chú ý và trái phiếu do VAMC phát hành.

Mới đây, Techcombank cũng đã công bố báo cáo tài chính quí II với tỉ lệ nợ xấu tại thời điểm 30/6 đã giảm về mức 0,9%, thấp hơn mức 1,1% tại 31/03/2020 và 1,8% tại 30/6/2019. Đồng thời, tỉ lệ bao phủ nợ xấu tại thời điểm cuối quí II đã lên tới 108,6%.

Nguồn: