Luật sư khẳng định đanh thép về ý kiến "khách hàng có thể thoả thuận với ngân hàng thêm bớt nội dung sao kê"

15/01/2025
Những ý kiến cho rằng, khách hàng có thể thoả thuận với ngân hàng để "thêm bớt" nội dung sao kê là không thể xảy ra, gây ảnh hưởng đến uy tín của chính ngân hàng. Ngân hàng có thể kiện các trường hợp gây thiệt hại đến uy tín, kinh doanh.

Chiều 17/9, ca sĩ Thuỷ Tiên đã đến ngân hàng làm thủ tục sao kê 18.000 trang liên quan đến hoạt động từ thiện miền Trung. Tuy nhiên, nhiều ý kiến dư luận vẫn tỏ ra nghi ngờ cho rằng, khách hàng có thể thoả thuận với ngân hàng để chỉnh sửa (như: thêm, bớt ngày, thay đổi thông tin trong 1 kỳ sao kê). Theo đánh giá của luật sư và nhân viên ngân hàng, việc này là không thể xảy ra.

Cụ thể, thông tin với phóng viên, Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc công ty luật ANVI cho biết, trước hết, phải khẳng định dữ liệu sao kê là của ngân hàng, không phải của khách hàng.

Do đó, dữ liệu được ngân hàng lưu giữ, không một ai có quyền thêm bớt chỉnh sửa. Khi sao kê được ngân hàng đưa ra chỉ có chính xác, không có chuyện thoả thuận để thêm bớt trước khi tung ra.

Bên cạnh đó, đây là những vụ việc thu hút sự chú ý rất lớn từ dư luận, có thể liên quan đến công tác điều tra nên không ngân hàng nào "dại dột" chỉnh sửa thông tin cho khách hàng.

Vị luật sư nhấn mạnh: "Những ý kiến cho rằng, có thể 'chế biến' nội dung sao kê là không thể xảy ra, gây ảnh hưởng đến uy tín của chính ngân hàng. Ngân hàng có thể kiện các trường hợp gây thiệt hại đến uy tín, kinh doanh của ngân hàng".

Luật sư khẳng định đanh thép về ý kiến khách hàng có thể thoả thuận với ngân hàng thêm bớt nội dung sao kê - Ảnh 1.

Luật sư Trương Thanh Đức

Thông tin thêm với phóng viên, cán bộ chi nhánh của 1 ngân hàng lớn làm việc tại Hà Nội cho biết, bản sao kê của ngân hàng cung cấp sẽ chính xác tuyệt đối. Khách hàng yêu cầu cung cấp dữ liệu của 1 kỳ sao kê, ngân hàng sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về kỳ sao kê đó, không có chuyện sửa đổi.

"Nếu sửa đổi thì chỉ khi khách hàng mang về nhà tự sửa nếu ngân hàng cung cấp qua bản excel. Còn với bản có dấu giáp lai thì không thể sửa vì sẽ để lại dấu vết. Việc chỉnh sửa sẽ không có ý nghĩa trong trường hợp cơ quan điều tra làm việc để lấy dữ liệu từ ngân hàng", vị cán bộ cho hay.

Luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng Chính Pháp) cho biết thêm, thực tế sao kê tài khoản ngân hàng chỉ thể hiện thông tin về các khoản tiền chuyển đến, các khoản tiền chuyển đi hay rút ra, cũng như tổng số tiền đã tiếp nhận trong một khoảng thời gian.

Khi tiền do ngân hàng quản lý, muốn rút ra, chuyển đi hay để lại đều có chứng cứ, để lại dấu vết qua sao kê tài khoản. Vì thế, việc công khai sao kê chứng minh được một phần sự minh bạch trong giai đoạn nhận và rút tiền từ ngân hàng.

"Vì thế, khả năng thất thoát tiền từ thiện thông qua chứng cứ sao kê là ít khả năng xảy ra. Chỉ khi số tiền mặt được rút ra, lúc đó tự họ quản lý và thiếu sự giám sát thì có thể phát sinh tiêu cực, khó phát hiện", luật sư Cường nêu ý kiến.

Tốn kém không cần thiết

"Thay vì phải in tới hơn 18.000 trang sao kê, Thuỷ Tiên có thể in 1 trang A4 có thông tin về Thuỷ Tiên; nội dung tiền vào, tiền ra; từ ngày nào đến ngày nào là đủ. Việc in trên 18.000 trang sao kê là tốn kém (tiền in và giấy in) không cần thiết. Nếu máy móc không hiện đại thì có khi cháy cả máy in", luật sư Trương Thanh Đức nêu ý kiến.

Về chi phí với khách sao kê, luật sư Đức cho hay, ngân hàng có quy định riêng về chí phí sao kê tài khoản, có thể là miễn phí đến vài chục nghìn đồng/lần hoặc tính theo số trang sao kê.

Nếu khách hàng tự sao kê tài khoản của mình từ tài khoản điện tử sẽ không mất phí. Chi phí in sao kê phụ thuộc vào quy định của từng ngân hàng, thường phổ biến 2.000 - 5.000 đồng/trang. Ngoài ra có thể thoả thuận giữa 2 bên hoặc miễn phí cho khách VIP.

Nguồn: