Vụ việc một cô gái bị người lạ chuyển nhầm số tiền 30 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng Vietcombank, sau đó không biết vì lý do gì người này lại có được số điện thoại cá nhân của chị để liên hệ nhờ hoàn trả đang gây xôn xao dư luận.
Rất nhiều người thắc mắc và tỏ ra bức xúc khi thông tin cá nhân (số điện thoại) lại dễ dàng bị rò rỉ để người lạ có được như thế.
Dù phía ngân hàng lên tiếng cho biết khách hàng chưa đưa ra cơ sở nào để chứng minh phía ngân hàng làm lộ thông tin cá nhân của họ nhưng một số ý kiến cho rằng, nhiều khả năng thông tin của khách hàng trên ngân hàng này đã bị lộ.
Trao đổi với PV Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng hiện nay thì thông tin cá nhân được nhiều người đặc biệt quan tâm và có ý thức bảo mật cao.
Một trong những thông tin mà nhiều người quan tâm và cần sự bảo mật tuyệt đối là thông tin trong mối quan hệ giữa khách hàng với các ngân hàng và các tổ chức tín dụng.
Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường.
Với sự việc cô gái chuyển nhầm 30 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng Vietcombank rồi truy số điện thoại để nhắn tin "đòi tiền" thì đầu tiên cần xác định những nội dung mà những người trong câu chuyện đăng tải, thông tin có đúng sự thật không, sau đó cần làm rõ ai là người tiết lộ thông tin của vị khách hàng Vietcombank này.
Nếu đây là sự thật, không phải câu chuyện bịa để đăng câu view hay các mục đích cá nhân khác,…thì có thể thấy vị khách hàng Vietcombank hoàn toàn có cơ sở để nghi ngờ cô gái chuyển nhầm tiền về việc lấy được các thông tin cá nhân của mình một cách bất hợp pháp.
Bởi lẽ theo quy trình thông thường thì nếu chuyển nhầm tiền, cá nhân phải ra trụ sở ngân hàng mà mình đã chuyển nhầm khai báo và nhờ phía ngân hàng trợ giúp liên hệ với bên nhận tiền để thỏa thuận về việc chuyển lại tiền nhầm.
Song trong trường hợp này người chuyển nhầm tiền lại bằng một cách nào đó có số điện thoại cá nhân của khách hàng Vietcombank và chủ động nhắn tin "đòi tiền" mà không cần thông qua ngân hàng.
Hơn thế người này còn nói rõ ràng, rành mạch các thông tin cá nhân khác của khách hàng Vietcombank. Như vậy, nếu chính khách hàng Vietcombank chưa bao giờ tiết lộ thông tin cá nhân của mình trên một trang mạng xã hội nào thì rõ ràng có người biết thông tin của người này và cung cấp cho cô gái lạ kia.
Vậy vấn đề ai là người tiết lộ thông tin, là ngân hàng hay cũng có thể là một người quen nào của cô gái. Nếu hai người này hoàn toàn xa lạ và không có một mối quan hệ quen thân sơ chung nào thì việc cô gái nghi ngờ nhân viên ngân hàng đã tiết lộ thông tin là có thể xảy ra.
Sự việc này thì cần làm việc với phía ngân hàng để rà soát lại để có cơ sở cụ thể về lỗi tiết lộ thông tin có xuất phát từ ngân hàng hay không.
Dưới góc độ pháp luật thì điều 6 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 cũng quy định: Người tiêu dùng được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
Chỉ được chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi có sự đồng ý của người tiêu dùng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Ngoài ra, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt nam 2010 và Luật các tổ chức tín dụng 2010 đều có quy định về nghĩa vụ bảo vệ bí mật bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng. Theo đó Điều 38 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt nam 2010 quy định về Bảo vệ bí mật thông tin như sau:
1. Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm lập danh mục, thay đổi độ mật, giải mật bí mật nhà nước về lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định; bảo vệ bí mật của Ngân hàng Nhà nước và của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
2. Ngân hàng Nhà nước được quyền từ chối yêu cầu của tổ chức, cá nhân về việc cung cấp thông tin mật về tiền tệ và ngân hàng, trừ trường hợp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
3. Cán bộ, công chức Ngân hàng Nhà nước phải giữ bí mật thông tin hoạt động nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước, của các tổ chức tín dụng và bí mật tiền gửi của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Điều 14 Luật các tổ chức tín dụng 2010 cũng quy định về Bảo mật thông tin, cụ thể:
1. Nhân viên, người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được tiết lộ bí mật kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.
Như vậy, trường hợp có căn cứ cho thấy ngân hàng hoặc nhân viên ngân hàng tự ý làm lộ thông tin cá nhân của khách hàng thì khách hàng có quyền khởi kiện.
Thủ tục khởi kiện dân sự được quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Theo đó người khởi kiện phải nêu rõ quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; kèm theo đơn khởi kiện thì phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm và gửi đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền.
Nguồn: