Lương thưởng ngân hàng 'bay hơi' chục triệu, cho nghỉ việc hàng loạt

23/01/2025
Giảm mạnh nhất là lương thưởng nhân viên TPBank, trung bình mỗi người 'bay hơi' 10,59 triệu đồng/tháng, kế đến nhân viên VPBank cũng giảm 9,12 triệu đồng/tháng. Trong khi đó BIDV lại lội ngược với mức tăng thu nhập nhân viên 7 triệu đồng

Theo thống kê sơ bộ tại báo cáo tài chính quý 2/2020 của các ngân hàng hàng top đầu thị trường hiện nay, VPBank và TPBank là hai ngân hàng có mức sụt giảm thu nhập nhân viên mạnh nhất so với quý 1.

Theo đó, mức thu nhập bình quân của nhân viên ngân hàng TPBank sụt giảm mạnh 10,59 triệu đồng/tháng, trong khi thu nhập của nhân viên VPBank cũng giảm 9,12 triệu đồng/tháng.

Cụ thể, mức thu nhập bình quân tháng của nhân viên TPBank trong 3 tháng đầu năm là 31,5 triệu đồng/người/tháng, nhưng sang quý 2 chỉ còn 20,9 triệu đồng.

Còn tại VPBank, thu nhập bình quân của nhân viên trong quý 1 đạt 34,36 triệu đồng/người/tháng đã giảm xuống còn 25,24 triệu đồng trong quý 2.

Lương thưởng ngân hàng bay hơi chục triệu, cho nghỉ việc hàng loạt - Ảnh 1.

Thu nhập nhân viên ngân hàng biến động ra sao thời Covid?

Hai “ông lớn” quốc doanh là Vietcombank và Vietinbank dù đạt lợi nhuận khủng nhưng vẫn cắt giảm chi tiêu cho nhân viên. Theo đó, thu nhập bình quân mỗi tháng của nhân viên Vietcombank trong quý 1 là 34,13 triệu đồng/người/tháng, nhưng sang quý 2 đã giảm 1,21 triệu đồng xuống còn 32,92 triệu đồng/người/tháng. Mặc dù vậy, mức thu nhập của nhân viên Vietcombank vẫn là niềm mơ ước đối với nhân viên nhiều ngân hàng khác.

Trong khi đó, người lao động tại Vietinbank phải “thiệt đi một tí” khi thu nhập bình quân giảm nhẹ khoảng 200.000 đồng mỗi tháng, một mức giảm không đáng kể khi thu nhập bình quân quý 2 là 24,31 triệu đồng/người/tháng.

Trong báo cáo tài chính quý 2, Techcombank không công bố mức chi cụ thể cho nhân viên, nhưng nhà băng này cho biết thu nhập bình quân tháng/người của nhân viên trong 6 tháng đầu năm là 36 triệu đồng. Nếu không kể phụ cấp, mức lương cứng bình quân của mỗi nhân viên Techcombank là 31 triệu đồng/tháng, tăng 4 triệu đồng/người so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù vậy, dựa trên dữ liệu báo cáo tài chính quý 1, có thể thấy thu nhập của nhân viên nhà băng này đã giảm nhẹ khi thu nhập bình quân trong kỳ này lên tới 36,9 triệu đồng/người. Dẫu vậy, thu nhập của nhân viên Techcombank cũng đang thuộc top dẫn đầu thị trường hiện nay.

Trong 6 tháng đầu năm, Techcombank đã chi 2.291 tỷ đồng để chi lương và các khoản phụ cấp cho 10.592 cán bộ nhân viên. Đây là tổng số cán bộ, nhân viên tại ngày 30/06/2020, chỉ tăng vỏn vẹn 12 người so với thời điểm kết thúc quý 1.

Xét về lượng nhân sự, Vietcombank sau đợt tuyển dụng ồ ạt hồi tháng 4 đã trở thành ngân hàng tuyển dụng nhiều nhất trong quý 2 với lượng nhân viên tăng thêm 798 người so với quý 1. TPBank cũng có thêm 291 người trong giai đoạn này, trong khi các ngân hàng còn lại nếu có tăng cũng không đáng kể.

Trái lại, VPBank tiếp tục cho thấy là nơi có môi trường làm việc khắc nghiệt khi tiếp tục giảm 394 nhân viên trong 3 tháng vừa qua.

Yêu cầu ngân hàng cắt giảm lương, thưởng... để hạ lãi vay thực chất

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng vừa có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc và các tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài về việc triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.

Hiện nay, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường trên phạm vi toàn cầu; trong nước đang phải ứng phó với tình hình dịch tái phát, có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng tại nhiều địa phương… Những diễn biến này tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đến điều hành chính sách vĩ mô và điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động NH.

Hiện các đơn vị thuộc NHNN đang phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 15/2020/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (gói 62.000 tỉ đồng). Đồng thời, sửa đổi Thông tư 05/2020/TT-NHNN về tái cấp vốn cho NH Chính sách xã hội để thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch cho phù hợp…

Thống đốc NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng trong 6 tháng cuối năm tiếp tục tập trung giải pháp mở rộng tín dụng đối với lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực ưu tiên; giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân theo quy định. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là tín dụng đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, BOT, BT giao thông, cấp tín dụng để góp vốn, mua cổ phần và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp…

Đáng lưu ý, các tổ chức tín dụng được yêu cầu phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và NHNN về tiết giảm chi phí hoạt động; giảm lương, thưởng, lợi nhuận để tiếp tục giảm lãi suất cho vay thực chất đối với các khoản vay hiện hữu và các khoản cho vay mới. Từ đó, góp phần hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt khó, góp phần phục hồi sản xuất - kinh doanh sau dịch.

Nguồn: