Ngân hàng TMCP Quân đội (MB – mã chứng khoán MBB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2020.
Lợi nhuận và chất lượng tài sản vẫn tăng dù Covid-19
Tính đến hết 30/9/2020, ngân hàng hợp nhất có tổng tài sản hơn 427 nghìn tỷ đồng, tăng 3,8% so với cuối năm 2019 và tăng 7,5% so với cùng kỳ. Dư nợ tín dụng đạt hơn 296 nghìn tỷ đồng, tăng 11,8% so với đầu năm và tăng 16,2% so với cùng kỳ, trong đó riêng cho vay khách hàng đạt gần 264 nghìn tỷ đồng, tăng 6,7% so với đầu năm.
Huy động vốn của ngân hàng hợp nhất trong 9 tháng đạt gần 298 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với đầu năm và tăng 9,6% so với cùng kỳ. Trong đó huy động vốn của riêng ngân hàng mẹ MB đạt hơn 301 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2% so với đầu năm và tăng 10,3% so với cùng kỳ. Trong cơ cấu tiền gửi, ngân hàng ghi nhận tiền gửi của tổ chức kinh tế giảm trong khi tiền gửi của cá nhân tăng mạnh 16% so với đầu năm. Ngân hàng cũng có lượng chứng chỉ tiền gửi tăng mạnh tới 45,8% so với đầu năm và 63,5% so với cùng kỳ.
Trong quý 3 ngân hàng ghi nhận thu thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 6,1% so với cùng kỳ đạt 6.735 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế tăng 10% đạt 3.015 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, thu thuần từ kinh doanh của MB đạt gần 19.650 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước với cả thu nhập lãi thuần và mảng dịch vụ đều tăng ấn tượng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 8.134 tỷ đồng, tăng 6,8%; riêng ngân hàng mẹ đạt 7.369 tỷ, tăng 4% so với cùng kỳ.
Như vậy dù dự trù kế hoạch lợi nhuận giảm 10% trong năm nay do ảnh hưởng của Covid-19 nhưng ngân hàng vẫn đang tăng trưởng tốt hơn dự kiến khi lợi nhuận của quý 2 và quý 3 đều tăng.
Về chất lượng tín dụng, tại thời điểm cuối quý 3, ngân hàng có tổng cộng 4.036 tỷ đồng nợ xấu, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, song nhờ tăng trưởng tín dụng cao nên tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 1,5% trong khi cùng kỳ là 1,54%.
Ngân hàng có quỹ dự phòng rủi ro gần 4.800 tỷ đồng, tăng 26,1% so với cùng kỳ. Như vậy tỷ lệ bao nợ xấu đạt tới 118,86%, trong khi cùng kỳ là 102,73% - nằm trong nhóm các ngân hàng có tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu cao nhất hệ thống.
Đẩy mạnh chuyển đổi số
MB là một trong những ngân hàng có bước chuyển dịch số nổi bật nhất tại Việt Nam – đó là nhận xét của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trong buổi làm việc với lãnh đạo cấp cao MB về chuyên đề Chuyển đổi số cuối tháng 9 vừa qua. Đáng chú ý với chính sách mời người dùng tải app mới và nhận số tài khoản đẹp miễn phí, số lượng khách hàng giao dịch qua App MBBank đã đạt trên 2,2 triệu users, có thời điểm App của ngân hàng này nằm trong top 1 những ứng dụng có lượt tải về nhiều nhất trên App Store.
Chia sẻ với truyền thông, ông Lê Hữu Đức, chủ tịch HĐQT MB cho biết, để nắm bắt những xu thế xã hội đang thay đổi nhanh chóng sau đại dịch nhu cầu mua sắm hàng hóa trực tuyến, học trực tuyến, các chương trình chăm sóc sức khỏe trực tuyến, họp trực tuyến, làm việc từ xa,…MB đã tăng tốc triển khai định hướng chiến lược chuyển dịch số đã được xác lập từ trước với việc ra mắt nền tảng và dịch vụ kỹ thuật số và mở rộng dịch vụ ngân hàng số sang các hệ sinh thái mới và tiềm năng, từng bước triển khai chiến lược dẫn đầu về chuyển đổi số.
MB là một trong những ngân hàng đầu tiên trong ứng dụng định danh trực tuyến (eKYC) cho phép khách hàng mở tài khoản trực tuyến mà không cần ra quầy để hoàn thiện các thủ tục định danh. Ngoài ra, ngân hàng này còn áp dụng trình ký điện tử và phê duyệt từ xa trong hoạt động thẩm định. Lãnh đạo ngân hàng cho biết, hiện nay, hầu hết các hoạt động nội bộ của MB được luân chuyển tự động và khoảng 80% giao dịch của MB được thực hiện trên kênh số.
Trong quý 3 vừa qua, MB cũng đã hoàn thiện việc chuyển về trụ sở mới ở phố Lê Văn Lương Hà Nội. Ngân hàng mới đây cũng đã chốt danh sách để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 15% để tăng vốn điều lệ lên gần 28.000 tỷ đồng. Hiện vốn chủ sở hữu của MB là 48.253 tỷ đồng trong đó vốn điều lệ 24.370 tỷ.
Nguồn: