Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cuối năm 2020 của Techcombank (TCB) ở mức cao kỷ lục trong ngành ngân hàng 46,1%. Trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020, Techcombank kỳ vọng tỷ lệ CASA sẽ đạt 55% trong 5 năm tới.
Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, với sự thành công từ năm 2020, Techcombank có thể đạt tỷ lệ CASA trên 50% trong năm nay.
Cụ thể, việc hợp tác với Masan sẽ giúp CASA Techcombank tăng mạnh. Mới đây, Vinmart+ đã kết hợp với Techcombank, Kiosk Phúc Long triển khai mô hình sản phẩm mới tích hợp tiêu dùng thiêu yết, dịch vụ tài chính ngân hàng và phục vụ đồ uống ngay tại chỗ cho khách hàng. Theo kế hoạch, trong 12 tháng tiếp theo, hệ thống này sẽ được mở rộng 1.000 kiosk.
‘’Chúng tôi tin rằng mô hình mới này sẽ thu hút một lượng khách hàng mới cũng như tăng tỷ lệ CASA cho Techcombank", MBS cho biết.
MBS cũng kỳ vọng sự phát triển của thị trường chứng khoán và TCBS sẽ hỗ trợ tăng trưởng CASA của Techcombank. Cụ thể. Mô hình liên kết tài khoản giữa TCBS và Techcombank được dự đoán sẽ góp phần vào sự tăng trưởng của tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng năm nay.
Theo hiệp định EVFTA, các ngân hàng Châu Âu sẽ được nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại 2 ngân hàng Việt Nam lên tối đa 49% mà không phải chờ quyết định nới room chung. Hiện tại, có 4 ngân hàng TMCP đáp ứng đủ các tiêu chí và hết room ngoại là Techcombank, VPBank, ACB và TPBank. Do đó, việc nới room ngoại của Techcombank được đánh giá khả quan trong tương lai.
MBS ước tính doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2021 của Techcombank là hơn 32.000 tỷ đồng và gần 20.000 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 19% và 26% so với năm 2020.
Dù vậy, nhóm phân tích cũng lưu ý một số rủi ro. Trong đó, khách hàng cho vay cá nhân đang chiếm 40% tổng dư nợ năm 2020. MBS lo ngại ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19 có thể khiến cho khả năng trả nợ đúng hạn của nhóm khách hàng này bị ảnh hưởng trong tương lai.
MBS cũng cho rằng ngân hàng có khả năng sẽ trích lập dự phòng sớm hơn dự kiến của MBS theo Thông tư 03-NHNN để tạo nền tăng trưởng lợi nhuận cho các năm sau. Trong trường hợp nền kinh tế hồi phục nhanh hơn dự kiến, NHNN có thể tăng lãi suất điều hành trong nửa cuối năm để kiểm soát lạm phát. Do đó, NIM của Techcombank có thể chịu tác động kém tích cực.
Quý 1/2021, lợi nhuận sau thuế của Techcombank đạt hơn 4.400 tỷ đồng (tăng 79% so với cùng kỳ năm 2020), tương đương với 28% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận thuần tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập ngoài lãi tăng 54% so với cùng kỳ chủ yếu đến từ các hoạt động dịch vụ.
Tín dụng đến cuối quý 1 tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 6,7% so với cuối năm 2020. MBS dự báo cả năm 2021, tăng trưởng tín dụng sẽ đạt khoảng 14%.
Nguồn: