Một năm “rã đông” tiền gửi ngoại tệ

01/01/2025
Lượng ngoại tệ gửi tại nhiều ngân hàng sụt giảm, trong khi Ngân hàng Nhà nước hướng đến một năm kỷ mục mua vào.

Cập nhật mới nhất từ Tổng cục Hải quan, kỳ 1 tháng 12/2019 (từ 01 đến 15/12), cán cân thương mại của Việt Nam thâm hụt nhẹ 30 triệu USD. Dù vậy, 2019 đang hướng về một năm xuất siêu kỷ lục, với quy mô dự kiến quanh 11 tỷ USD, và là năm thứ tư liên tiếp có cân đối thuận lợi này.

Năm 2019, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), kiều hối về Việt Nam ước đạt 16,7 tỷ USD, tăng 4,6% so với 2018.

Đó là những dòng chảy, cân đối lớn tạo nguồn ngoại tệ cho nền kinh tế. Dù có đặc điểm chi phối lớn từ cấu phần liên quan đến vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, cũng như vốn đầu tư gián tiếp, chưa có con số cuối cùng về mức độ thặng dư của cán cân tổng thể, nhưng 2019 tiếp tục cho thấy nguồn ngoại tệ vào và về mạnh.

Điểm đến nổi bật: Ngân hàng Nhà nước có một năm kỷ lục mua ròng ngoại tệ, tiếp tục nâng quy mô dự trữ ngoại hối quốc gia lên mức cao nhất từ trước tới nay.

Theo ước tính của một số tổ chức đầu tư, nhiều khả năng dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện đã đạt trên 73 tỷ USD, thậm chí có thể đạt 75 tỷ USD trong năm nay. Điều này đồng nghĩa với khả năng Ngân hàng Nhà nước đã mua được tới hơn 15 tỷ USD, trong đó chỉ riêng quãng kỷ lục mua ròng 4 tháng đầu năm đã trên 8 tỷ USD.

Như trên, nguồn ngoại tệ mà nhà điều hành mua vào đến từ kết quả thặng dư các cân đối thương mại và đầu tư, từ kiều hối, từ những thương vụ M&A lớn trong năm…

Trong kỷ lục mua ròng đó, có một trong những yếu tố tác động mang tính định hướng của chính sách “rã đông” tiền gửi, găm giữ ngoại tệ thực hiện nhiều năm qua đến nay.

Ở khía cạnh đó, thực tế lượng tiền gửi ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại đến kỳ cập nhật gần đây nhất (tháng 9/2019) cho thấy đều đồng loạt sụt giảm so với cuối năm 2018.

Thông thường và như quy luật từ độ nở của nền kinh tế, quy mô tiền gửi trong hệ thống ngân hàng tăng qua các năm. Thế nhưng, việc sụt giảm của riêng tiền gửi ngoại tệ phản ánh tác động của chính sách và sự dịch chuyển của dòng vốn.

Nhìn vào “Big 4” Vietcombank, BIDV, Agribank và VietinBank - nhóm thành viên đang nắm trên dưới 45% thị phần tiền gửi toàn hệ thống - có thể thấy rõ xu hướng “rã đông” của tiền gửi ngoại tệ.

Đến cuối tháng 9/2019, tiền gửi bằng vàng và ngoại tệ tại VietinBank giảm hơn 2.000 tỷ đồng so với cuối 2018; tương tự tại BIDV giảm mạnh gần 5.300 tỷ đồng loại này; tại Agribank do báo cáo mới chỉ đến tháng 6/2019 cũng cho thấy giảm gần 1.000 tỷ đồng.

Riêng Vietcombank - thành viên có tổng tiền gửi bằng vàng và ngoại tệ lớn hơn cả ba thành viên trên cộng lại - mức giảm của tiền gửi loại này có kỳ hạn cũng lên tới gần 7.000 tỷ đồng so với cuối 2018.

Như trên, sự sụt giảm đồng loạt của tiền gửi ngoại tệ không có nghĩa dòng tiền rút ra khỏi ngân hàng, vì tổng tiền gửi vẫn tăng trưởng mạnh (đến cuối tháng 9/2019, tiền gửi của tổ chức kinh tế và dân cư toàn hệ thống đều tăng trên 9% so với cuối 2018 - số liệu của Ngân hàng Nhà nước). Nó phản ánh hướng dịch chuyển rõ nét từ tiền gửi ngoại tệ sang tiền gửi VND, và “điểm đến trung gian cuối cùng” là Ngân hàng Nhà nước đứng ra mua vào và hoán đổi.

Về tổng thể, diễn biến của các dòng tiền gửi sẽ phải chờ dữ liệu kết năm và phân nhánh của Ngân hàng Nhà nước. Còn xu hướng sụt giảm tiền gửi ngoại tệ tại “Big 4” với quy mô thị phần có tính đại diện trên là đáng để tham khảo.

Có những cơ sở thuận lợi về dòng chảy, về tạo nguồn như các cân đối lớn nói trên, để tạo kết quả Ngân hàng Nhà nước mua ròng kỷ lục ngoại tệ năm nay. Trong đó còn có định hướng và chính sách “rã đông” tiền gửi và găm giữ ngoại tệ. Năm 2019 càng trở nên nổi bật ở định hướng này.

Cụ thể nhất và tác động quan trọng nhất vẫn là chênh lệch lãi suất - lợi ích của các quyết định nắm giữ tài sản.

Năm 2019, cơ chế trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ 0% vẫn còn đó. Trong khi lãi suất huy động VND có những đợt tăng cao. Chênh lệch lãi suất gửi VND lên tới 7-8%, cá biệt có thể cao hơn, so với nắm và gửi USD. Chênh lệch lợi ích quá lớn này là một tác động tạo nên hướng dịch chuyển tiền gửi nói trên.

Trong khi đó, nếu nắm và gửi USD, năm nay nhiều khả năng có thể còn lỗ nhẹ, do tỷ giá USD/VND đang giảm so với đầu năm. Liên quan, nếu giữ USD đầu năm và gửi ngân hàng, cuối năm chuyển đổi sang VND còn có thể lỗ thêm do các ngân hàng thương mại đã rút sâu giá mua vào USD, chênh giá mua vào - bán ra năm nay đã doãng lên tới 120-150 VND thay vì chỉ 70-80 VND quen thuộc trước đây.

Như vậy, sự ổn định của tỷ giá USD/VND năm nay, thậm chí giảm như trên, cũng góp phần tạo thêm tác động “rã đông” tiền gửi ngoại tệ và tạo dịch chuyển. Điểm này có thể nhìn lại và tham khảo về phản ứng của dòng tiền, kỳ tháng 9/2015 (thời điểm tỷ giá tăng mạnh theo cú sốc Nhân dân tệ khi đó), chỉ riêng tại Vietcombank tiền gửi ngoại tệ đã tăng ngay hàng chục nghìn tỷ đồng so với cuối 2014.

Còn ở tầm nhìn của nhà điều hành, trong báo cáo mới đây gửi Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh ở điểm “rã đông” tâm lý thị trường rằng: “Thời gian qua, nhờ thực hiện các giải pháp hạn chế tình trạng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế và sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý thị trường, Bộ Công an, tâm lý găm giữ ngoại tệ và vàng giảm, quy mô hoạt động trên thị trường phi chính thức, thị trường ngoại tệ tự do đang ngày càng thu hẹp và bám sát tỷ giá liên ngân hàng”.

Quả thực, trên thị trường tự do, diễn biến suốt năm nay cũng “lạ đi”: giá USD thường xuyên nằm thấp hơn hẳn so với giá niêm yết của các ngân hàng thương mại.

Nguồn: