Mua tiền giả trên mạng dễ bị xử lý hình sự

25/11/2024
Tiền giả được bán công khai trên Facebook, Zalo... Kẻ buôn tiền thường để lại số điện thoại để tư vấn và giao dịch.

Mạng xã hội ngày càng phát triển mạnh, bên cạnh những tiện ích của nó đã có rất nhiều người lợi dụng mạng xã hội để thực hiện các hành vi phi pháp. Trong đó, mua bán, kinh doanh tiền giả đã và đang được rao bán hết sức công khai, đặc biệt là dịp cuối năm và giáp Tết.

Đăng nhập Facebook, chỉ cần gõ từ khóa “tiền giả” có thể cho hiển thị hàng trăm trang cá nhân có tên như: “Buôn bán tiền giả”, “Trao đổi tiền giả”, “Bán tiền giả”,  hay “Bán tiền giả như thật”… Mệnh giá tiền giả khá đa dạng, từ 5.000 đồng đến 500.000 đồng. Với lời quảng cáo, mời gọi đầy hấp dẫn như: giống tiền thật 100%, giá rẻ giật mình, tiêu xài thả ga không sợ bị phát hiện… những trang mạng này thu hút sự chú ý của rất nhiều kẻ hám lợi.

Mua tiền giả trên mạng dễ bị xử lý hình sự - Ảnh 1.

Tiền giả được rao bán công khai trên mạng xã hội.

Các đối tượng buôn bán tiền giả ngoài việc quảng cáo công khai trên Facebook, chúng thường để lại số điện thoại để tư vấn và giao dịch qua Zalo. Khi hai bên đã đạt được thỏa thuận mua-bán, người bán tiền giả sẽ chuyển hàng qua đường bưu điện, khi nhận được hàng thì người mua mới phải trả tiền qua bưu tá.

Mới đây, sau cuộc trao đổi với một chủ tài khoản chuyên bán tiền giả, khi PV VOV ngỏ ý muốn mua 10 triệu tiền giả, người này cho biết, “hàng” lúc nào cũng có sẵn, tỷ lệ đổi 1 triệu tiền thật lấy 14 triệu tiền giả.

Khi PV còn băn khoăn về cách thức giao hàng, người bán tiền giả cho hay, sẽ gửi “hàng” qua bưu điện và “ngụy trang” bằng cách ghi bên ngoài là “ví thời trang cao cấp”. Vì đây là mặt hàng nhạy cảm nên người nhận sẽ không được mở xem trước khi lấy hàng.

Khi PV hỏi, có phải đặt cọc trước không thì chủ tài khoản cho hay, “việc làm ăn” lấy chữ tín làm đầu nên không bắt phải đặt cọc, nhưng với điều kiện người nhận phải khẳng định chắc chắn là có nhận hàng.

Cũng với chiêu thức bán tiền giả, một số tài khoản khác đã lợi dụng việc này để lừa đảo khách hàng lấy tiền đặt cọc. Khi khách ngỏ ý có nhu cầu mua tiền giả, chúng buộc khách hàng phải đặt cọc trước 30% hay 50% số tiền thì mới giao hàng. Nhiều người vì lòng tham, vì lợi nhuận trước mắt đã chuyển tiền trước nhưng không nhận được hàng.

Theo luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), tiền giả là những loại tiền làm giống như tiền Việt Nam nhưng không phải do Ngân hàng Nhà nước phát hành. Buôn bán tiền giả là hành vi nguy hiểm cho xã hội, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có quy định về việc xử lý những người có hành vi này tại điều 207 đối với  tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả.

Cụ thể, người tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả sẽ bị phạt tù từ 3-7 năm; Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 5 - 12 năm; Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá từ 50.000.000 đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 10 - 20 năm hoặc tù chung thân; Người có hành vi chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt cải tạo không giam giữ khoảng 3 năm hoặc phạt tù từ 1-3 năm; Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Còn luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law cho hay, theo quy định của pháp luật, người mua và bán tiền giả đều bị xử lý hình sự với các mức phạt tù khác nhau mà không phụ thuộc vào mệnh giá, giá trị tiền để mua bán.

Theo các luật sư, sở dĩ vấn nạn buôn bán tiền giả bùng phát như hiện nay là do sự hiểu biết pháp luật của những đối tượng này còn hạn chế; do lợi ích từ việc mua bán tiền giả là rất lớn nên họ đã bất chấp để phạm pháp.

Hơn nữa, việc lập tài khoản trên mạng xã hội hiện nay khá dễ dàng. Các đối tượng thường dùng tên giả, giao dịch bằng cách gửi mã thẻ cào, chuyển phát nhanh... nên dễ dàng qua mặt cơ quan chức năng để hoạt động. Để hạn chế nạn mua bán tiền giả, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao sự hiểu biết pháp luật của người dân. Các đơn vị chủ quản mạng xã hội cần tăng cường kiểm duyệt chặt chẽ, gỡ bỏ kịp thời những nội dung đăng tải có dấu hiệu trái pháp luật của người dùng.

Nguồn: