Mua trái phiếu doanh nghiệp như chơi với... lửa

27/11/2024
Trái phiếu doanh nghiệp là một loại chứng khoán có rủi ro, chứ không phải tiền gửi ngân hàng như không ít nhà đầu tư cá nhân lầm tưởng.

Bởi vậy, nhà đầu tư nhất định phải đánh giá được khả năng quản trị, tài chính, dòng tiền, đặc biệt là khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành.

Chủ yếu để đảo nợ?

“Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay, có những lúc việc phát hành trái phiếu không phải thực sự là phát hành, mà đảo nợ. Trái phiếu 1 năm mà lãi suất 14% thì chết rồi”, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) nói với PV Báo Giao thông trước hiện tượng “nóng” lên bất thường của thị trường trái phiếu doanh nghiệp mà Báo Giao thông đã phản ánh.

Cách đây ít ngày, nhận thấy rủi ro, Ngân hàng Nhà nước cũng đã phát đi thông báo gửi các ngân hàng thương mại về việc rà soát và kiểm soát hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước nghiêm cấm hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ.

“Khi ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp, so với việc ngân hàng cho vay trực tiếp doanh nghiệp là như nhau và phải cộng dư nợ này vào tăng tưởng tín dụng của ngân hàng. Nếu ngân hàng chỉ tính trái phiếu là tài sản đầu tư, không thống kê vào chỉ tiêu tín dụng để tránh nợ xấu thì không chịu tác động giới hạn tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của Ngân hàng Nhà nước và như vậy là lách luật”, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nói.

Giám đốc một ngân hàng TMCP ngoài quốc doanh tầm trung gần như không tham gia đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cho biết: Việc ngân hàng mua trái phiếu của doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước quy định rõ và rất nghiêm ngặt để tránh câu chuyện lách quy định và tạo vòng luẩn quẩn của nợ xấu.

Dù nhìn nhận vấn đề theo hướng tích cực rằng hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhằm giảm phụ thuộc vào vốn ngân hàng, chi phí lãi vay (9-10%/năm) thấp hơn lãi vay ngân hàng (12-13%/năm)… nhưng ông cũng cho rằng xét về tổng thể thì khi ngân hàng tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp bản chất cũng là hoạt động bơm vốn ra nền kinh tế.

Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành 6 tháng đầu năm đạt 116.085 tỷ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ. Tháng 7/2019, số vốn hút được qua trái phiếu doanh nghiệp thêm tới 6.764 tỷ đồng và 300 triệu USD. Tiếp đến tháng 8, theo số liệu của Công ty Chứng khoán SSI, ước tính tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là 117.142 tỷ đồng. Riêng các ngân hàng mua vào 7.410 tỷ đồng trái phiếu bất động sản, 3.750 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp lĩnh vực khác.

“Bảo lãnh phát hành” không có nghĩa bảo lãnh thanh toán

Hiện nay, theo quy định, doanh nghiệp chỉ cần có thời gian hoạt động tối thiểu từ 1 năm, có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán; có phương án phát hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chấp thuận; thanh toán đầy đủ cả gốc và lãi trong 3 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu (nếu có)… là được phát hành trái phiếu.

Quy định này đã tạo điều kiện cho những doanh nghiệp nhỏ khó vay vốn ngân hàng có thể huy động vốn hoạt động, phát triển sản xuất. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay của Việt Nam nhà đầu tư tham gia sẽ chịu nhiều rủi ro nhất là với nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ.

Chủ tịch Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) Nguyễn Thị Kim Oanh xác nhận: Với các nhà đầu tư cá nhân, có một bộ phận biết phân tích và chấp nhận rủi ro cao, tương ứng là lãi suất cao khi lựa chọn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư cá nhân còn nhầm lẫn rằng, một công ty chứng khoán đứng ra bảo lãnh phát hành thì trái phiếu đó là của công ty chứng khoán phát hành và ngân hàng mẹ đứng ra bảo lãnh.

Trên thực tế, ông Nguyễn Xuân Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Chứng khoán Kỹ thương - (TCBS) cho biết, khái niệm “bảo lãnh phát hành” được hiểu là công ty chứng khoán bảo lãnh nỗ lực tối đa việc phát hành, song không có nghĩa cam kết không phát hành được thì sẽ đứng ra mua hết; cũng không có nghĩa sẽ “bảo lãnh thanh toán” cho nhà đầu tư mua trái phiếu.

“Vậy trong các hợp đồng bảo lãnh phát hành, trách nhiệm của công ty chứng khoán ở đâu?”. Trả lời câu hỏi này, ông Minh cho biết: Công ty chứng khoán thẩm định hồ sơ phát hành và phải chịu trách nhiệm toàn bộ tính chính xác của các thông tin đó như: Chiến lược kinh doanh, tình hình tài chính, phương án sử dụng vốn trái phiếu, phương án trả nợ…

“Báo cáo tài chính chỉ đại diện 20-30% tổng thể cần đánh giá. Phải xem, nếu xây dựng nhà máy mới: Tiến độ lắp đặt thế nào, máy về đúng không, vận hành ra sao... Thậm chí, có những doanh nghiệp không còn trái phiếu nào nữa nhưng chúng tôi vẫn theo dõi. Hoặc có những doanh nghiệp đã quan hệ rất thân thiết rồi nhưng khi họ phát hành vẫn phải đánh giá lại lần nữa”, ông Minh nhấn mạnh.

Đối phó với yêu cầu giảm tỷ trọng vốn ngắn hạn?

Theo Bản tin chứng khoán tháng 8 vừa được SSI phát hành, số liệu trên bảng cân đối kế toán ngày 30/6/2019 của 18 ngân hàng niêm yết thì tổng số trái phiếu doanh nghiệp các ngân hàng đang nắm giữ là gần 230.500 tỷ đồng, tăng thêm 65.000 tỷ đồng so với cuối năm 2018. Ngân hàng nắm giữ nhiều trái phiếu doanh nghiệp nhất là Techcombank với số dư là 60.663 tỷ đồng.

Bên cạnh trái phiếu doanh nghiệp, các ngân hàng cũng nắm giữ lượng lớn trái phiếu của các tổ chức tín dụng, tới 56.400 tỷ đồng. Đáng chú ý, đối tượng mua chủ yếu là các công ty chứng khoán thuộc ngân hàng nên rất có thể các ngân hàng đã sở hữu chéo các trái phiếu của nhau, mục đích là để gia tăng nguồn huy động và nâng cao tỷ trọng vốn trung và dài hạn, đối phó với yêu cầu giảm tỷ trọng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của Ngân hàng Nhà nước.

Có rủi ro chứ không phải gửi tiền ngân hàng

Chủ tịch VBMA Nguyễn Thị Kim Oanh đã nhấn mạnh như vậy khi PV đặt vấn đề, hiệp hội có khuyến nghị gì với nhà đầu tư trái phiếu. Theo bà Oanh, nhà đầu tư chuyên nghiệp hay cá nhân thì cũng phải phân tích đầy đủ kỹ lưỡng, tham vấn đơn vị phát hành và tư vấn phát hành để nhận định đúng, đủ rủi ro, trên cơ sở đó mới quyết định đầu tư không, chứ không phải chỉ nhìn lãi suất cao rồi lựa chọn.

Tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân rót tiền vào trái phiếu hiện chiếm khoảng hơn 6% (còn lại là nhà đầu tư tổ chức, chuyên nghiệp). Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, với những đợt phát hành riêng lẻ, doanh nghiệp chỉ cần mở hội nghị phát hành tại một khách sạn để thu hút nhà đầu tư. Hay gần đây, rất nhiều ngân hàng, công ty chứng khoán chỉ đứng ra làm “đại lý” mua lô lớn rồi xé lẻ lô trái phiếu để phát hành cho nhà đầu tư cá nhân với số tiền mua tối thiểu chỉ 10 triệu đồng.

“Đây chỉ là giấy nợ thôi. Khi nhà đầu tư mua thì nó là giao dịch dân sự. Nếu phát hành riêng lẻ thì không thông qua Ủy ban Chứng khoán và Ủy ban Chứng khoán cũng không kiểm soát được nên rủi ro sẽ cao hơn”, ông Hiếu nói và phân tích, rủi ro ở đây là không có đơn vị hay một số liệu nào chấm điểm tín dụng trái phiếu hay doanh nghiệp phát hành trái phiếu đó. Trong trường hợp doanh nghiệp sử dụng vốn sai mục đích, hay kinh doanh thua lỗ dẫn tới phá sản thì các trái chủ là người thiệt hại.

“Làm thế nào để kiểm soát rủi ro cho nhà đầu tư, thúc đẩy thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh, trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế?”.

Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch VBMA cho biết: Hiệp hội đã và sẽ tiếp tục chấn chỉnh các công ty phát hành, tư vấn phát hành phải tuân thủ quy định của pháp luật. Thậm chí ngay cả trong trường hợp pháp luật chưa đủ chín muồi, VBMA cũng quan tâm học hỏi thị trường nước ngoài, từ việc lựa chọn, thẩm định đơn vị phát hành; tư vấn điều kiện ra được trái phiếu; công bố thông tin nhà đầu tư; bảo đảm uy tín, xây dựng lành mạnh...

Thời gian tới, VBMA sẽ tiếp tục làm việc với cơ quan quản lý, tham gia sửa đổi Luật Chứng khoán, các văn bản pháp luật để thị trường chuẩn mực, minh bạch hơn. Đồng thời, sẽ nỗ lực làm cầu nối với các đơn vị xếp hạng tín nhiệm nước ngoài để xúc tiến sớm thành lập công ty xếp hạng tín nhiệm, góp phần thiết lập trật tự trên thị trường.

Nguồn: