Ngân hàng Nhà nước mới đây đã ban hành Thông tư 18/2019/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 43/2016/TT-NHNN về quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.
Trong đó, mục đích của Thông tư mới chủ yếu hướng đến giảm dần tỷ trọng dư nợ giải ngân trực tiếp cho khách hàng so với tổng dư nợ cho vay xuống mức 30%.
Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng cho khách hàng có tổng dư nợ cho vay giải ngân trực tiếp trên 20 triệu đồng.
Đồng thời, lộ trình giảm được kéo dài trong khoảng thời gian 4 năm từ 2021 đến 2024. Cụ thể, từ 1/1/2021 đến 31/12/2021 giảm xuống 70%; từ 1/1/2022 đến 31/12/2022 là 60%; từ ngày 1/1/2023 đến 31/12/2023 là 50% và từ 1/1/2024 còn 30%.
Thông tư cũng quy định các biện pháp liên quan đến việc thu hồi nợ, trong đó không cho phép biên pháp đe dọa đối với khách hàng. Số lần nhắc nợ giữa công ty tài chính và bên vay tối đa không quá 5 lần/ngày.
Ngoài ra, hình thức và thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng, nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7:00 đến 21:00. Các công ty tài chính tiêu dùng không nhắc nợ, đòi nợ hoặc gửi thông tin về việc thu hồi nợ cho các tổ chức và cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, hoặc các trường hợp không thích đáng khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán SSI, tác động của Thông tư đối với hoạt động cho vay của các công ty tài chính nhẹ nhàng hơn nhiều so với bản dự thảo trước đó, khi đã đưa ra một lộ trình để các công ty này tái cấu trúc danh mục cho vay, tránh ảnh hưởng đột ngột đến NIM và lợi nhuận.
Hiện có 3 ngân hàng niêm yết đang có công ty con hoặc công ty liên kết là công ty tài chính tiêu dùng gồm bao gồm VPB (100% sở hữu FeCredit), HDB (50% sở hữu HDSaison) và MBB (50% sở hữu MCredit). Thị phần của ba công ty tài chính này vào cuối quý 2 lần lượt là 55%, 17% và 7%.
FeCredit vẫn là công ty chịu ảnh hưởng nhiều nhất do có cơ cấu cho vay tập trung nhiều vào các khoản vay tiền mặt. Cơ cấu sản phẩm bao gồm 76% cho vay tiền mặt, 8% cho vay mua xe máy, 4,7% cho vay điện máy và 11,4% cho vay thẻ tín dụng. Tuy nhiên, tỷ lệ cho vay tiền mặt đối với khách hàng có tổng dư nợ trên 20 triệu đồng hiện dưới 70%.
"Do đó, trong hai năm tới (2020 và 2021), tác động sẽ chỉ ở mức thấp do lộ trình chưa ảnh hưởng sâu đến hoạt động kinh doanh của FeCredit. Từ năm 2022-2024, FeCredit có thể phải hy sinh phần nào hệ số NIM để đạt được cơ cấu danh mục cho vay cân đối hơn", nhóm nghiên cứu tại SSI đánh giá.
Mặt khác, SSI cho rằng HDSaison sẽ ít chịu ảnh hưởng nhất do cơ cấu cho vay bao gồm cho vay tiền mặt (33%), xe máy (43%), điện máy (24%). Còn với MCredit, mặc dù các khoản vay tiền mặt trong tổng dư nợ cho vay là khoảng 70%, nhưng việc tái cấu trúc danh mục sản phẩm có thể dễ dàng hơn do quy mô vẫn còn khiêm tốn.
Được biết, Thông tư định nghĩa giải ngân trực tiếp cho khách hàng là việc công ty tài chính giải ngân cho vay tiêu dùng trực tiếp cho khách hàng bằng tiền mặt hoặc thông qua việc sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt theo thỏa thuận tại hợp đồng cho vay tiêu dùng, đảm bảo kiểm tra, giám sát mục đích sử dụng vốn vay theo quy định của pháp luật.
Nguồn: