'Nặng' như cổ phiếu ngân hàng

23/11/2024
Giá cổ phiếu vua đi xuống đồng pha với quá trình chia cổ tức khủng, pha loãng. Từ nay tới cuối năm sẽ có thêm 5 tỷ cổ phiếu ngân hàng tiếp tục được bơm vào thị trường.

Chốt phiên ngày 10/11, VN-Index đạt đỉnh mới, tăng 3,52 điểm lên 1.465,02 điểm. Dòng tiền tiếp tục đi vào nhóm cổ phiếu có vốn hoá vừa và nhỏ. Trong khi đó, VN30-Index giảm 3,34 điểm xuống mức 1.523,79 điểm.

Theo số liệu thống kê từ HOSE và HNX cho thấy, tính đến hết ngày 10/11/2021, số cổ phiếu lưu hành của 27 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM đạt hơn 46,6 tỷ đơn vị, chiếm hơn 1/4 tổng lượng cổ phiếu lưu hành toàn thị trường.

Sau 6 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh mẽ, nhóm cổ phiếu ngân hàng từ đầu tháng 7 rơi vào trạng thái điều chỉnh sâu và có sự phân hóa rõ rệt kể từ đó đến nay. Thay vì dẫn sóng thì cổ phiếu ngân hàng trở thành lực cản với thị trường chung.

Nặng như cổ phiếu ngân hàng - Ảnh 1.

Có thể thấy, cho tới thời điểm hiện tại dù thị trường chung đã lập đỉnh mới 1.460 thì vẫn có nhiều mã ngân hàng vẫn có mức chiết khấu cao so với đỉnh VN-Index cuối tháng 6. Giảm sâu nhất vẫn là VIB, CTG - khoảng 24%. Một số mã khác giảm mạnh trên 10% là LPB, VCB, EIB, MBB, BAB.

Sau giai đoạn giảm sâu, cổ phiếu ngân hàng rơi vào trạng thái sieway đi ngang, với một số mã có tốc độ phục hồi khá cao, tuy nhiên nhìn chung vẫn mang gam màu ảm đạm, khi các nhà đầu tư "đu đỉnh" chưa hẹn ngày "về bờ".

Phiên thanh khoản kỷ lục 3/11 chứng kiến một loạt cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh, cùng với sự bán tháo ở nhóm bất động sản, đã mang tới kỳ vọng về một sự xoay chiều của cổ phiếu vua một thời.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, cổ phiếu ngân hàng lại tiếp tục rơi vào trạng thái sideway, với nhiều mã bluechip suy giảm.

Bên cạnh những khó khăn vĩ mô, thì một nguyên nhân quan trọng khiến cổ phiếu ngân hàng bị dòng tiền xa lánh, đó là cung vượt cầu.

Thực tế, việc giảm mạnh và kéo dài của các cổ phiếu bank nửa cuối năm diễn ra đồng pha với quá trình chia tách, pha loãng với quy mô lớn của nhóm này. Theo thống kê, năm 2021, các ngân hàng đã đưa thêm vào thị trường gần 10,3 tỷ cổ phiếu thông qua việc niêm yết mới, đăng ký giao dịch trên UPCoM và phát hành thêm.

Ngoài việc, ba nhà băng mới gia nhập thị trường chứng khoán trong năm nay là OCB đưa gần 1,1 tỷ cổ phần lên sàn HOSE, SeABank niêm yết hơn 1,2 tỷ cổ phần tại HOSE, và VietABank đăng ký giao dịch 445 triệu cổ phần ở thị trường UPCoM, thì đã có gần 7 tỷ cổ phiếu mà các ngân hàng chia cổ tức, phát hành cho cổ đông hiện hữu, ESOP được đưa vào thị trường. Tuy nhiên, so với kế hoạch các ngân hàng đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 thì mới đạt khoảng 60% kế hoạch. Điều này có nghĩa là, nếu thực hiện đúng kế hoạch, từ nay tời cuối năm sẽ có thêm 5 tỷ cổ phiếu nữa được các ngân hàng đưa vào lưu hành trên thị trường chứng khoán.

Việc ồ ạt đưa hàng tỷ cổ phiếu vào lưu hành khiến nhóm ngân hàng đối mặt với áp lực pha loãng giá. Nhiều cổ phiếu ngân hàng đã sự lao dốc mạnh sau khi chốt quyền chia cổ tức. Điển hình như VIB, cổ phiếu này đã liên tục giảm giá kể từ ngày chốt quyền nhận cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 40%. Tính đến nay, VIB đã mất gần 27% giá trị sau 4 tháng chia cổ tức. Tương tự, CTG cũng giảm sâu sau khi chốt quyền trả cổ tức hơn 29% bằng cổ phiếu vào ngày 8/7.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, giá cổ phiếu ngân hàng đã trải qua giai đoạn tăng trưởng khá nóng vào đầu năm. Với việc pha loãng mạnh mẽ, cần khoảng thời gian dài để thị trường hấp thụ hàng tỷ cổ phiếu phát hành mới. Trong thời gian tới, nhóm cổ phiếu ngân hàng muốn tăng phải đi kèm hai yếu tố là dòng tiền thực sự lớn để đẩy giá nhóm này lên và kết quả kinh doanh để làm bệ đỡ.

Theo ông Hoàng Công Tuấn - Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS), mặc dù là nguyên nhân phụ nhưng không thể phủ nhận ảnh hưởng của việc pha loãng cổ phiếu với tỷ lệ cao đã tác động tiêu cực tới giá cổ phiếu ngân hàng.

"Khi nguồn cung quá nhiều và về dồn dập trong một thời gian ngắn, chắc chắn giá cổ phiếu và tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng", ông Tuấn nhận định.

Nguồn: