Nên cấm đòi nợ thuê vì gây nhiều hệ luỵ

25/11/2024
Chiêu trò của các nhóm đòi nợ thuê là sử dụng xã hội đen, xăm trổ, lực lưỡng rầm rầm đến nhà con nợ. Con nợ chỉ nhìn thấy thôi đã sợ chứ chưa cần thiết phải đe dọa hay hành hung. Thậm chí họ còn sử dụng các chiêu khác như đe dọa người thân hay nắm bắt các bí mật rồi đe dọa công khai nêu không trả nợ.

Thảo luận tại tổ về Luật Đầu tư (sửa đổi), đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cho rằng dịch dụ đòi nợ thuê mặc dù đã được thể chế trong Nghị định 104 của Chính phủ nhưng đã có nhiều biến tướng, sử dụng xã hội đen để đòi nợ, gây mất an ninh trật tự. 

Các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê sử dụng xã hội đen, xăm trổ, rầm rầm đến nhà con nợ. 

Nên cấm đòi nợ thuê vì gây nhiều hệ luỵ - Ảnh 1.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung nhấn mạnh hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê đã biến tướng, gây nhiều hệ lụy. "Qua đánh giá gần đây của các địa bàn nở rộ loại dịch vụ này như Hà Nội, TP HCM, Bình Dương thì diễn biến rất phức tạp"- đại biểu Dung cho hay.

Theo phân tích của đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, đối với những khoản nợ không tuân thủ quy định pháp luật giữa người dân với nhau, giữa doanh nghiệp với nhau... chủ nợ thường không tìm đến cơ quan pháp lý để được hỗ trợ, giải quyết, không đi theo con đường tố tụng vì không đủ cơ sở, thậm chí lo ngại chậm giải quyết. Bởi vậy, chủ nợ thường tìm đến các dịch vụ đòi nợ thuê, thậm chí bán nợ cho các công ty này với tỉ lệ rất cao, trên 50%, nhưng đổi lại họ sẽ đòi được nợ. 

Chính vì vậy, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cho rằng các công ty đòi nợ dẫn đến nhiều hệ luỵ vì dịch vụ này có tính chất xã hội đen và đề nghị nên cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ thuê. "Chiêu trò của các nhóm đòi nợ này là sử dụng xã hội đen, xăm trổ, lực lưỡng, rầm rầm đến nhà con nợ. Con nợ chỉ nhìn thấy thôi đã sợ chứ chưa cần thiết phải đe dọa hay hành hung. Thậm chí họ còn sử dụng các chiêu khác như đe dọa người thân hay nắm bắt các bí mật rồi đe dọa công khai nêu không trả nợ"- đại biểu Phan Thị Mỹ Dung nói.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cũng cho biết "nhiều địa phương rất đồng lòng cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ, bản thân tôi cũng thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc cấm loại dịch vụ này".

Cùng quan điểm này, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng bản chất những loại hình này là cho vay nặng lãi, có hoặc không có giấy tờ cũng được cầm đồ, cho vay tài chính… Mặc dù nhiều tên gọi khác nhau song về bản chất, đại biểu cho rằng đây là kinh doanh cho vay nặng lãi, mà đằng sau đó là hoạt động của xã hội đen, là mầm mống của nhiều tội phạm. Khi cho vay, trên giấy tờ có thể ghi cho vay 10 triệu nhưng thực chất người vay chỉ được cầm 7 triệu đồng, không nói gì đến lãi. Do đó, cơ quan chức năng cho rằng khó xử lý được nếu căn cứ vào hợp đồng, giấy tờ.

Nên cấm đòi nợ thuê vì gây nhiều hệ luỵ - Ảnh 2.

Đại biểu Bùi Văn Phương

Đại biểu Bùi Văn Phương đề nghị cần phải có đánh giá kỹ về hiệu quả kinh tế - xã hội, về trật tự an ninh đối với hai loại hình kinh doanh đòi nợ và dịch vụ cho vay tài chính, để từ đó có chính sách quản lý phù hợp. "Nên so sánh cái được (chẳng hạn về việc làm, thu nhập, ngân sách) với những hậu quả để lại về xã hội, an ninh trật tự… Nếu các loại hình kinh doanh này đem lại hậu quả nhiều hơn hiệu quả thì nên cấm" - đại biểu đề nghị. Ủng hộ việc cấm kinh doanh đòi nợ, đại biểu cũng đề nghị đánh giá kỹ loại hình cho vay tài chính, cầm đồ trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện để nếu cần phải siết chặt quản lý hơn nữa.

Thay mặt Chính phủ giải trình, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận đang còn nhiều ý kiến khác nhau việc này. Theo ông, nhu cầu thực tế là có, nhưng vừa qua xảy ra nhiều biến tướng đòi nợ thuê khiến tình hình xã hội rất phức tạp. Vì thế, Bộ Công an đề nghị đưa loại hình kinh doanh đòi nợ vào danh mục cấm, tránh phức tạp xã hội. Chính phủ trước mắt đề nghị Quốc hội bổ sung ngành nghề đòi nợ thuê vào danh mục cấm đầu tư kinh doanh.

Nguồn: