Cụ thể, đồn đoán về khả năng Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco) của ông Trần Bá Dương sẽ mua gần 176 triệu cổ phiếu STB (gần 10% cổ phiếu đang lưu hành) từ Ngân hàng Kiên Long (Kienlongbank) nổi lên đầu tuần này.
Giao dịch tại STB cùng thời điểm đã bùng nổ, với quy mô lên tới 45,7 triệu đơn vị và giá kịch trần trong phiên 22/9 vừa qua.
Tuy nhiên, ngay sau đó, thông tin các bên phủ nhận giao dịch dự kiến trên được đưa ra thị trường.
Tin đồn trên được chú ý, trước hết có điểm xuất phát là nguồn cung. Kienlongbank đã nhiều lần chào bán lượng lớn cổ phiếu STB nói trên để xử lý nợ.
Tại STB, đây cũng không phải là lần đầu giả thiết về giao dịch lớn tiềm năng được giới đầu tư nhìn đến.
Trước đó, vào giữa năm nay, thị trường cũng xuất hiện đồn đoán về khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ xúc tiến kế hoạch thoái khoảng 53% cổ phần đang nhận ủy quyền tại Sacombank (qua đầu mối Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam - VAMC).
Tính thời sự của đồn đoán đó được đại diện lãnh đạo cấp cao của Sacombank từng đặt ra tại một cuộc tiếp xúc báo chí tại cùng thời điểm. Thông tin từ vị lãnh đạo này cho biết, phía Sacombank cũng có đề xuất với Ngân hàng Nhà nước về hướng thoái vốn này, tuy nhiên lộ trình và tính khả thi chưa thể nói trước.
Tính khả thi được chú ý. Bởi vì, với quy mô khoảng 53% cổ phần Sacombank, quy mô nguồn tiền để giao dịch đối ứng khá lớn, chỉ tính riêng theo mệnh giá. Nguồn tiền này, theo quy định phải là "tiền tươi", không vay mượn.
Nhưng, quan trọng hơn, đó là tỷ lệ sở hữu quá bán và ảnh hưởng lớn đến cơ cấu cổ đông tại Sacombank. Tương tự, nếu có giao dịch thành công toàn bộ lượng cổ phiếu Kienlongbank chào bán thời gian qua, cơ cấu đó cũng thay đổi so với hiện nay. Và ngoài ra, Eximbank cũng có lượng lớn cổ phiếu STB có thể xử lý để thu hồi nợ…
Như vậy, dù chỉ là những đồn đoán, cũng như đã có thông tin các bên phủ nhận, nhưng khả năng có những cuộc thoái vốn hoặc giao dịch lớn trong tương lai tại Sacombank là không loại trừ. Khi đó, ngoài vấn đề tiền tươi và việc xử lý nợ của các bên liên quan, cơ cấu cổ đông tại Sacombank thay đổi theo sẽ là điểm được chú ý.
Nếu những giao dịch lớn nói trên diễn ra, cơ cấu và vai trò cổ đông lớn sẽ thay đổi. Và đây là điểm có ảnh hưởng, thậm chí quyết định đến tương lai và triển vọng của ngân hàng.
Nhìn lại cơ cấu hiện tại, ngoài phần Ngân hàng Nhà nước nhận ủy quyền, cổ đông nội bộ và các thành viên trong Hội đồng Quản trị, Ban điều hành Sacombank chỉ có ông Dương Công Minh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị - là cá nhân có tỷ lệ sở hữu lớn nhất (hơn 62,5 triệu cổ phiếu tính đến cuối tháng 6/2020, ứng với tỷ lệ 3,31%).
Cùng với việc có tỷ lệ sở hữu 3,31%, ông Dương Công Minh đã đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank từ tháng 6/2017, là người trực tiếp dẫn dắt ngân hàng bắt đầu quá trình tự tái cơ cấu từ đó đến nay.
Sau hơn ba năm tái cơ cấu, kết quả kinh doanh của Sacombank đều lần lượt vượt xa kế hoạch đề ra hàng năm, cũng như từng bước xử lý được lượng lớn nợ xấu…
Đến nay, phía sau những tin đồn vừa qua, cũng như sau một quá trình tái cơ cấu nói trên, nếu những giao dịch tiềm năng lớn đó diễn ra, thay đổi lớn về cơ cấu sở hữu, thì cơ cấu quản trị, điều hành Sacombank trong tương lai có thay đổi theo hay không? Quan trọng hơn, nếu có thay đổi thì sẽ tốt hơn cho Sacombank hay ngược lại?
Đó hẳn là những câu hỏi mà nhiều bên đang cân nhắc, đặc biệt là với Ngân hàng Nhà nước - đầu mối đang nhận ủy quyền tỷ lệ sở hữu có tính quyết định.
Nguồn: