Ngân hàng, bất động sản dẫn đầu nhóm có nguy cơ 'rửa tiền'

23/11/2024
Các cơ quan chức năng đánh giá, trong số 15 lĩnh vực có nguy cơ “rửa tiền” thì lĩnh vực ngân hàng, bất động sản ở mức cao.

Phó tổng Thanh tra Chính phủ - ông Bùi Ngọc Lam vừa ký Quyết định ban hành kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019-2020 và kế hoạch tổng thể cho đánh giá đa phương của Việt Nam về chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố.  Ngoài ra, TTCP cũng công khai Báo cáo tóm tắt đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2012-2017.

Tham ô tài sản, nhận hối lộ có nguy cơ rửa tiền cao

Theo báo cáo này, các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam đã đưa ra danh sách 17 loại tội phạm nguồn của tội rửa tiền vào đánh giá và đánh giá nguy cơ rửa tiền trong 15 lĩnh vực như: ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm, dịch vụ chuyển và thu đổi ngoại tệ, cầm đồ...

Báo cáo xác định, trong số 17 loại tội phạm nguồn chính của tội phạm rửa tiền thì tội phạm tham ô tài sản có nguy cơ rửa tiền cao. Trong nhóm tội phạm về tham nhũng, so với tội hối lộ và tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản thì số vụ án bị truy tố, xét xử về tội tham ô tài sản cao hơn, cụ thể: năm 2106 xét xử 80 vụ với 161 bị cáo, năm 2107 xét xử 18 vụ với 41 bị cáo. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã tiến hành điều tra, khởi tố 1 vụ án về tội rửa tiền có nguồn gốc từ tội tham ô.

Qua các vụ tham ô tham tài sản được xét xử cho thấy, các khoản tiền bị chiếm đoạt là rất lớn, có những vụ án lên đến hàng trăm tỷ đồng. Các khoản tiền bị chiếm đoạt này được các đối tượng sử dụng cho mục đích chi tiêu cá nhân, mua sắm bất động sản, tài sản có giá trị hoặc được “rửa tiền”.

Điển hình như vụ Giang Kim Đạt, nguyên quyền trưởng phòng Cty TNHH Một thành viên vận tải viễn dương Vinashin - Vinashinlines) đã chiếm đoạt 260 tỷ đồng hoa hồng của Vinashinlines. Số tiền này, Đạt đưa cho ông Trần Văn Liêm (nguyên tổng giám đốc Vinashinlines) 150.000 USD, còn lại chuyển vào 22 tài khoản của bố đẻ là Giang Văn Hiển để mua 40 bất động sản, mua đi bán lại 13 chiếc ôtô. Bố đẻ Giang Kim Đạt sau đó đã bị tuyên phạt 12 năm tù về tội “rửa tiền”.

Đối với tội nhận hối lộ, báo cáo cho biết thực tế hành vi hối lộ thường khó phát hiện nhưng những năm gần đây những vụ án hối lộ thường có giá trị lớn dẫn đến nguy cơ rửa tiền với tội phạm này ngày càng tăng cao. Số tiền phải thi hành án đối với tội hối lộ năm 2017 tăng gấp 3 lần so với năm 2016. Chính vì vậy, TTCP nhận định nguy cơ tiềm ẩn về rửa tiền đối với loại tội phạm này ở mức độ “Trung bình cao”.

Bên cạnh đó, TTCP cũng cho rằng, tội phạm lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản thuộc nhóm tội tham nhũng nên cần đặc biệt quan tâm theo dõi trong quá trình điều tra về tội rửa tiền. Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử loại tội phạm này đến nay cho thấy tội phạm chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản thuộc nhóm nguy cơ cao liên quan đến rửa tiền.

Tiền bẩn thành tiền sạch qua ngân hàng, bất động sản

Báo cáo cũng đánh giá nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng ở mức cao, chiếm gần 90% tổng số báo cáo giao dịch đáng ngờ (STR) gửi đến Cục Phòng chống rửa tiền.

“Mặc dù không phải tất cả các khoản tiền bất chính đều được tội phạm đưa vào chu trình tẩy rửa tiền, song điều này cũng chứng tỏ so với các lĩnh vực khác trong nền kinh tế, khả năng bọn tội phạm lựa chọn hệ thống ngân hàng nhằm hợp thức hóa các khoản thu bất chính để biến những đồng “tiền bẩn” trên thành “tiền sạch” là cao hơn” - báo cáo đánh giá do TTCP cung cấp nêu.

Vẫn theo TTCP, căn cứ vào những vụ đại án đã và đang bị điều tra về tội rửa tiền thời gian qua và các số liệu về STR của Cục phòng, chống rửa tiền có thấy nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng có thể liên quan chủ yếu đến việc rửa tiền có nguồn gốc từ tội phạm tham ô tài sản (tội phạm chủ yếu liên quan đến người có chức vụ, quyền hạn), đánh bạc và trốn thuế. Để che giấu nguồn tiền thu được, tội phạm thường sử dụng tài khoản ngân hàng dưới tên người khác để nhận và chuyển các khoản tiền có nguồn gốc bất hợp pháp.

Bên cạnh đó, lĩnh vực bất động sản cũng thu hút được nhiều nguồn tiền đầu tư có giá trị lớn, các giao dịch mua bán, chuyển nhượng có thể thực hiện bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản và không thông qua sàn giao dịch bất động sản nên rất khó cho các cơ quan chức năng kiểm tra, xác định nguồn gốc của tiền.

Ngoài ra, đối với các vụ đại án về tham ô tài sản xảy ra trong thời gian qua cũng như vụ đánh bạc nghìn tỷ đang bị điều tra về tội rửa tiền thì số các tài sản thu được từ các vụ án chủ yếu là bất động sản. Để rửa tiền, các đối tượng phạm tội thường nhờ người thân mua, chuyển nhượng, cho tặng bất động sản.

Thực hiện Nghị quyết số 1267 của Liên Hợp Quốc, Bộ Công an đã cập nhật danh sách 2.300 cá nhân, tổ chức khủng bố quốc tế, 4.500 phôi hộ chiếu bị mất cắp có thể bị đối tượng khủng bố lợi dụng. Qua kiểm soát nhập cảnh, Bộ Công an chưa phát hiện đối tượng khủng bố hoặc nghi khủng bố quốc tế hoặc cá nhân sử dụng phôi hộ chiếu bị mất cắp nhập cảnh vào Việt Nam. Đồng thời chưa phát hiện vụ vận chuyển tiền, vũ khí, vật liệu nổ liên quan đến khủng bố từ nước ngoài vào Việt Nam. Đến nay chưa xảy ra khủng bố do cá nhân, tổ chức khủng bố quốc tế thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam.



Nguồn: