Ngân hàng cạn 'room' tín dụng

31/12/2024
Một số ngân hàng đang phải hạn chế cho vay, bởi tăng trưởng tín dụng đã chạm ngưỡng trần cho phép từ Ngân hàng Nhà nước.

Tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm nay của toàn ngành chỉ đạt 8,4%, thấp hơn cùng kỳ nhiều năm và cách xa kế hoạch tăng 14% của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, đến giữa tháng 11, vẫn có những nhà băng đã dùng hết "quota" tín dụng.

Một số khách hàng mới đây phản ánh gặp khó khăn trong việc vay vốn từ một ngân hàng thương mại. Lý do nhân viên tín dụng đưa ra là nhận được chỉ thị  dừng giải ngân vì nhà băng đã chạm trần tăng trưởng tín dụng. "Nhân viên tín dụng tư vấn mua thêm hai gói bảo hiểm gần 50 triệu đồng để được giải ngân nhanh, nhưng sau đó lại cho biết đến cuối tuần sau mới trả lời có thể cho vay hay không", anh Nam (Cầu Giấy, Hà Nội), một khách hàng đang làm hồ sơ vay 500 triệu để mua ôtô tại đây, cho biết.

Giao dịch tiền mặt tại quầy một ngân hàng thương mại. Ảnh: Anh Tú

Giao dịch tiền mặt tại quầy một ngân hàng thương mại. Ảnh: Anh Tú

Nói với VnExpress, đại diện nhà băng này cho biết, việc cho vay trở lại bình thường sẽ phụ thuộc vào hạn mức tín dụng cấp thêm từ Ngân hàng Nhà nước, có thể sẽ có trong tuần này. Do định mức cho vay còn phụ thuộc vào việc các khách hàng cũ trả nợ nên ngân hàng vẫn còn dư địa để hoạt động, dù không nhiều.

"Việc chậm giải ngân cho một số khách hàng là do có độ vênh giữa thời điểm ngân hàng chạm trần tăng trưởng và việc cấp thêm hạn mức từ Ngân hàng Nhà nước. Trong thời gian này, ngân hàng sẽ chủ động co kéo theo thứ tự ưu tiên của từng nhóm khách hàng", đại diện nhà băng nói.

Theo ông Phạm Chí Quang, Phó vụ trưởng Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), việc rà soát hạn mức tăng trưởng tín dụng từng ngân hàng không phải công việc định kỳ mà được nhà điều hành tiến hành chủ động, thường xuyên, căn cứ đề xuất từng ngân hàng. "Ngân hàng nào có khả năng sẽ được xem xét cấp thêm hạn mức và ngược lại, thậm chí có thể bị cắt 'room' tín dụng, căn cứ vào chất lượng tín dụng và việc phân bổ phù hợp với định hướng hay không", ông Quang cho biết.

Tuy nhiên, việc một số nhà băng hết "quota" tăng trưởng tín dụng trái ngược với các dự báo cho rằng, tăng trưởng tín dụng cả năm có thể dưới mục tiêu 14% của Ngân hàng Nhà nước.

Trong báo cáo triển vọng 6 tháng cuối năm, nhóm phân tích Công ty chứng khoán BIDV (BSC) dự báo tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống có thể chỉ đạt 12-13%. Trong khi đó, báo cáo phân tích mới đây của Công ty chứng khoán MB (MBS) dự báo tín dụng tăng dưới 12,5%, so với mức hơn 13% năm 2018 và kế hoạch tăng 14% được Ngân hàng Nhà nước định hướng từ đầu năm.

Báo cáo tài chính riêng lẻ quý III cũng cho thấy những nhà băng có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hầu hết chỉ tập trung ở nhóm giữa. Techcombank và VIB là hai ngân hàng đứng đầu với tỷ lệ tăng trưởng cho vay đều trên 28%, TPBank tăng trưởng tín dụng trên 20% còn VPBank và HDBank đều tăng trên 14%.

Trong khi đó, những ngân hàng quốc doanh trong top đầu, với dư nợ cho vay khách hàng gấp 3-4 lần so với các ngân hàng tầm trung, lại duy trì mức tăng thấp. VietinBank đến cuối quý III tăng trưởng tín dụng chỉ hơn 4%, BIDV tăng chứ tới 9% còn Vietcombank đứng đầu cả nhóm với mức tăng khoảng 12%. 

Theo nhóm nghiên cứu BSC, dự báo tín dụng tăng thấp trong năm 2019 chủ yếu do nhu cầu giảm ở nhiều ngành nghề đang gặp khó khăn (như bất động sản, xây dựng, thép) và tín dụng mảng khách hàng cá nhân. Bên cạnh đó, một lý do khác là sự bùng nổ của kênh trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp bất động sản, cũng phần nào giảm bớt nhu cầu tín dụng ngân hàng vào hoạt động này, vốn là lĩnh vực "hút vốn" mạnh trong những năm trước.

Minh Sơn

Nguồn: