Ngân hàng có thực sự “lãi khủng”?

15/12/2024
Theo TS. Cấn Văn Lực, hiện các báo cáo lợi nhuận của các tổ chức tín dụng là chưa đầy đủ, lợi nhuận sẽ được phản ánh vào cuối năm khi ngân hàng trích lập đủ dự phòng rủi ro.

Mới đây, tại phiên họp mở rộng của Ủy ban Kinh tế Quốc hội về thẩm tra sơ bộ báo cáo kinh tế, xã hội 5 tháng đầu năm 2021 và giải pháp cho 6 tháng cuối năm, nhiều đại biểu Quốc hội đã chỉ ra các vấn đề đáng lo lắng. Trong đó, việc số doanh nghiệp rời bỏ thị trường và số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao, lần lượt tăng 20,7% và 23%. Nhiều Đại biểu Quốc hội đã đặt ra câu hỏi, cả năm 2019, 2020 và đầu 2021, một số ngân hàng lãi rất lớn, đặc biệt là Vietcombank, VietinBank, trong khi doanh nghiệp phá sản, nền kinh tế đang trì trệ?

Ngân hàng có thực sự “lãi khủng”? - Ảnh 1.

Công thức tạo ra lợi nhuận của ngân hàng bao gồm đa dạng hoá nguồn thu, linh hoạt trong chi phí và kéo giãn biên lãi ròng

Có thể thấy, trên các báo cáo kinh doanh đã công bố, nguyên nhân lãi lớn của các ngân hàng chủ yếu đến từ việc áp dụng công thức tạo lợi nhuận gồm: kéo giãn biên lãi ròng (NIM), đa dạng hóa nguồn thu và linh hoạt trong chi phí vào thời điểm hiện tại. Cùng với đó, mặt bằng lãi suất giảm với xu hướng lãi cho vay giảm chậm hơn lãi huy động đã giúp ngân hàng lãi đậm năm qua nhờ biên lãi ròng được cải thiện.

Mặc dù tín dụng luôn là hoạt động kinh doanh cốt lõi của ngành ngân hàng, chiếm tới khoảng 90% tổng doanh thu và lợi nhuận; tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh, kinh tế trì trệ, việc tăng trưởng tín dụng cũng đính kèm những rủi ro về nợ xấu hơn với ngân hàng. Chính vậy, đa dạng hoá nguồn thu đã được nhiều ngân hàng áp dụng như giảm tỷ trọng mảng cho vay xuống còn thấp hơn dưới 70-80%. Tăng thu dịch vụ và thu nhập khác được xác định đây không chỉ là chiến lược phát triển trong tương lai.

Theo dự báo của FiinGroup, năm 2021, lợi nhuận kế toán của 12/26 ngân hàng niêm yết (chiếm 86,3% vốn hóa của khối ngân hàng) sẽ tăng cao hơn so với năm 2020 (18,2% so với 14,9%). Triển vọng tích cực này được dự báo đến từ cả hoạt động tín dụng cũng như tiếp tục câu chuyện về doanh thu dịch vụ; trong đó, bán chéo bảo hiểm (bancassurance) của nhiều ngân hàng, bao gồm VCB, CTG, ACB, MSB và HDB được kỳ vọng cao.

Công ty chứng khoán VBSC phân tích, nhóm ngân hàng cổ phần năng động như ACB, MBB, TCB, VPB, VIB, TPB là nhóm có tốc độ tăng trưởng cao hơn về tín dụng do có nguồn lực tốt hơn (hệ số CAR cao, nguồn vốn từ lợi nhuận giữ lại dồi dào) và quy mô nhỏ. Ngoài ra, áp lực giảm lãi suất đầu ra thấp hơn nhóm ngân hàng lớn giúp cho nhóm này giữ được biên lãi ròng NIM cao và tiếp tục ghi nhận tăng trưởng khả quan từ thu nhập lãi thuần.

"Các ngân hàng đã thực hiện trích lập mạnh mẽ trong năm 2020 cho các khoản nợ xấu có thể phát sinh trong tương lai nên sẽ ít phải chịu áp lực tăng trích lập trong năm 2021. Mặt khác, nợ xấu tăng lên sẽ tác động lên chi phí trích lập của các ngân hàng dần dần trong 2 năm 2021 và 2022 do dư nợ vẫn có quy trình 360 ngày chậm trả, tính từ hạn trả nợ mới để chuyển từ nợ nhóm 1 sang nợ nhóm 5", VBSC phân tích.

Ngân hàng có thực sự “lãi khủng”? - Ảnh 2.

TS. Cấn Văn Lực

Trao đổi với phóng viên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, hiện các báo cáo lợi nhuận của các ngân hàng là chưa đầy đủ, lợi nhuận sẽ được phản ánh vào cuối năm khi các ngân hàng trích lập đủ dự phòng rủi ro.

"Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đã thống nhất sửa thông tư 03, yêu cầu các TCTD trích lập dự phòng rủi ro theo lộ trình năm nay là 30%, tức sẽ trích lập khoảng 40.000-44.000 tỷ đồng cho khoản nợ cơ cấu lại 357.000 tỷ đồng (vẫn giữ nguyên nhóm nợ nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn). Như vậy, số tiền này sẽ trừ đi từ lợi nhuận của hệ thống ngân hàng, nên các ngân hàng sẽ không còn mức lãi khủng mà tối đa chỉ có thể lãi 15%", TS Cấn Văn Lực nói.

Cùng quan điểm đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính ngân hàng cũng chỉ ra, Ngân hàng Nhà nước đã có những văn bản về đánh giá nhóm nợ cùng việc gia hạn nợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 khiến cho tình trạng nợ xấu của các ngân hàng chưa được đánh giá chính xác trên các báo cáo tài chính gần nhất.

Để tăng trưởng tín dụng hiệu quả cần đẩy mạnh kích cầu hơn nữa, bởi hiện nay nhu cầu vốn đã tăng, song vẫn còn nhiều doanh nghiệp ở những lĩnh vực du lịch, khách sạn, hàng không... tạm dừng hoạt động; Các ngân hàng khi cho vay phải kiểm soát được nguồn trả nợ của khách hàng để vẫn đạt được chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng mà chất lượng tài sản, chất lượng tín dụng cũng được đảm bảo.

"Kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng vẫn ghi nhận khả quan là nhờ cắt giảm chi phí và đa dạng hóa nguồn thu, không quá phụ thuộc quá mức vào nghiệp vụ tín dụng. Tuy nhiên, một khi con số nợ xấu bị lộ rõ, các khoản chi phí dự phòng tăng mạnh sẽ ăn mòn lợi nhuận ngân hàng trong thời gian tới", chuyên gia nhấn mạnh.

Nguồn: