Ngân hàng đầu tiên triển khai cả ba trụ cột Basel II

25/01/2025
VIB là ngân hàng Việt đầu tiên triển khai được cả ba trụ cột của Basel II, sớm hơn một năm so với quy định tại Thông tư 41 và Thông tư 13.

Ngày 19/12, Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) cho biết đã hoàn tất trụ cột 2 về đánh giá nội bộ mức đủ vốn theo Basel II. Như vậy, đây là nhà băng đầu tiên hoàn tất việc áp dụng thành công cả ba trụ cột của Basel II sau khi đã triển khai trụ cột 1 về mức độ an toàn vốn tối thiểu, trụ cột 3 về kỷ thuật thị trường năm 2018.

Tính tại cuối tháng 9/2019, hệ số an toàn vốn (CAR) tính theo Thông tư 41 của ngân hàng là 9,66%. Tổng vốn Basel II của VIB là hơn 13.800 tỷ. Tài sản có rủi ro là hơn 143.000 tỷ, được phân theo 4 loại rủi ro tín dụng (129.800 tỷ), hoạt động (12.131 tỷ), đối tác (424 tỷ) và thị trường (696 tỷ).

Trụ cột 2 về đánh giá nội bộ mức độ đủ vốn là một nội dung quan trọng của Basel II. VIB đã phối hợp với công ty tư vấn PWC, tiếp cận các phương pháp tính toán ICAAP đã triển khai tại các ngân hàng có quy mô tương tự trong khu vực Đông Nam Á.

Ngân hàng cho biết sẽ tiếp tục phát triển Basel II theo phương pháp nâng cao và hướng tới áp dụng các chuẩn mực của Basel III vào công tác quản trị rủi ro. Dự kiến, ngân hàng sẽ mất khoảng chục năm từ lúc khởi động để hoàn thành áp dụng Basel II theo phương pháp đánh giá nội bộ nâng cao (AIRB) vào năm 2025.

Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB chia sẻ, nền tảng quản trị rủi ro của VIB được chuyển giao từ cổ đông chiến lược CommonWealth Bank of Australia (CBA). VIB đặt ra một lộ trình rõ ràng khi triển khai Basel II sớm hơn thời hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định và coi việc hoàn thành 3 trụ cột Basel II là một trong các đầu việc quan trọng nằm trong tầm nhìn dài hạn về quản trị rủi ro của ngân hàng.

Trước đó, VIB cũng là một trong hai ngân hàng đầu tiên (cùng với Vietcombank), triển khai thành công việc áp dụng Thông tư 41 để bắt đầu thực hiện Basel II.

Tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối tháng 11/2019 của VIB là 1,78%. Năm 2019, lợi nhuận của VIB dự kiến đạt trên 4.000 tỷ, vượt mục tiêu đề ra và tăng hơn 45% so với năm 2018. Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 27%.

Tại Việt Nam, chuẩn mực vốn Basel II được quy định một phần theo Thông tư 41 và Thông tư 13 (ban hành năm 2018) của Ngân hàng Nhà nước, trong đó, Thông tư 41 quy định về phần lớn nội dung của hai trong ba trụ cột Basel II là tỷ lệ an toàn vốn và công bố thông tin.

Đến nay, 18 cái tên đã công bố áp dụng Thông tư 41 sớm, nhưng chủ yếu ở hai trụ cột này, gồm MB, Techcombank, ACB, VIB, MSB, HDBank, OCB, VPBank, TPBank, VietBank, Viet Capital Bank, SeABank, ShinhanBank, LienVietPostBank, NamABank, Standard Chartered Việt Nam và BIDV.

Quỳnh Trang

Nguồn: