Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho phép khoảng 10 ngân hàng áp dụng mở tài khoản eKYC. Đến thời điểm hiện tại là ngày 17/7 có 2 ngân hàng công bố chính thức cho khách hàng mở tài khoản không tiếp xúc đó là VPBank và Viet Capital Bank. Sau khi mở tài khoản, khách hàng có thể trải nghiệm ngay các dịch vụ cơ bản của ngân hàng như chuyển khoản, thanh toán hóa đơn, nạp tiền dịch vụ, liên kết với các ví điện tử…Và tới đây, các ngân hàng cũng sẽ cho phép giao dịch gửi tiền và vay tiền qua tài khoản eKYC.
Một số ngân hàng cũng đã triển khai nhưng chưa công bố rộng rãi với truyền thông. Điều này cho thấy hệ thống ngân hàng Việt đã sẵn sàng với những bước tiến mới trong ứng dụng công nghệ số trong bối cảnh số hóa trở thành xu hướng tất yếu.
Tuy nhiên theo các chuyên gia công nghệ thông tin trong ngành, việc các ngân hàng thực hiện eKYC còn chưa thống nhất, mỗi nhà băng lại có một cách thức triển khai khác nhau, trong đó khác biệt nhất là sự tuân thủ theo đúng quy định của luật. "Chẳng hạn luật quy định mở tài khoản phải đáp ứng 2 điều kiện bao gồm: một là có đầy đủ thông tin khách hàng, hai là gặp mặt và lấy được chữ ký khách hàng. Hiện nay có ngân hàng xác minh thông tin được nhưng việc lấy chữ ký thì lại tiến hành qua OTP, điều đó chỉ đúng về mặt công nghệ còn về phía luật lại chưa chính xác. Có ngân hàng thì thực hiện được lấy chữ ký qua đơn vị thứ ba – đơn vị này sẽ liên hệ với khách hàng sau khi mở tài khoản để xác minh" – một chuyên gia cho biết. Cũng theo vị này, với việc xác minh chữ ký điện tử cũng như tuân thủ 100% các quy định về mở tài khoản trực tuyến thì VPBank là ngân hàng đầu tiên làm được.
Liên hệ với đại diện của VPBank, ông Nguyễn Hồng Trung, Giám đốc Trung tâm số hóa đồng thời là người phụ trách trực tiếp dự án eKYC ở ngân hàng này cho chúng tôi biết, ở VPBank hiện sử dụng đồng thời 4 công nghệ cho việc mở tài khoản trực tuyến. Đó là công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI); công nghệ OCR bóc tách và so sánh những thông tin trên chứng minh nhân dân ra bên ngoài; công nghệ biometrics để so sánh xem ảnh đang chụp với chứng minh nhân dân có đúng là 1 người hay không; và chữ ký điện tử (eSignature).
"Thẳng thắn mà nói nó chưa giải quyết được toàn vẹn các yêu cầu bởi bản thân quy định liên quan đến chữ ký số còn có nhiều vấn đề song chúng tôi đã giải quyết được hơn 90% các quy định và tình huống rủi ro phát sinh trong tương lai. Bởi vậy chúng tôi tự tin là mình đã đáp ứng được các vấn đề cơ bản của luật và là ngân hàng đầu tiên làm được điều đó" – ông Trung nói.
Giám đốc Trung tâm số hóa của VPBank cũng cho biết, ngân hàng đã có 5 năm thực hiện chuyển đổi số nên có nền tảng về công nghệ khá vững vàng, luôn chuẩn bị sẵn để đón đầu xu hướng thị trường. Đối với eKYC, VPBank bắt đầu đưa vào chạy thử nghiệm từ đầu tháng 4 – khi đồng thời vừa xin phép NHNN, vừa tiến hành thử nghiệm trên tệp khách hàng nhỏ. Đầu tháng 7, khi NHNN có một số thông tin "mở rào" (tức là cho phép thí điểm áp dụng) thì ngân hàng này bắt đầu áp dụng chính thức với toàn bộ khách hàng.
"Trong 3 tháng thử nghiệm chúng tôi tiến hành ngay với các khách hàng đã từ chối sử dụng dịch vụ trước đó, kết quả bất ngờ là có khoảng 50% trong số đó mở tài khoản, và trong đó gần 50% thực hiện giao dịch. Với những khách hàng khó tính như vậy mà vẫn thu được kết quả tốt chính là một trong những nền tảng để chúng tôi tự tin mình sẽ làm tốt sau này" – ông Trung nói và chia sẻ thêm rằng ngân hàng dự tính trong năm nay sẽ có khoảng 300 nghìn tài khoản eKYC được mở mới, góp phần tích cực vào hoạt động kinh doanh của ngân hàng đang có doanh thu cao nhất hệ thống hiện nay.
Nói về những thách thức trong quá trình thực hiện thử nghiệm, người phụ trách trực tiếp dự án eKYC ở VPBank cho biết, vấn đề mà ngân hàng phải tập trung giải quyết đó là chống giả hồ sơ. Chẳng hạn có trường hợp một khách hàng, rất có thể là cũng làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin hoặc ngân hàng, đã dùng chứng minh nhân dân và photoshop để thay 12 khuôn mặt khác nhau trên chứng minh nhân dân, song đến lần thứ 2 thì ngân hàng đã phát hiện được. Đến thời điểm hiện tại, theo ông Trung, ngân hàng tự tin có thể kiểm soát và phát hiện được giả mạo thông tin với tỷ lệ 100%.
Giám đốc Trung tâm số hóa của VPBank cho biết vấn đề bảo mật thông tin khách hàng là nhiệm vụ quan trọng của ngân hàng khi thực hiện eKYC. Để mở tài khoản, khách hàng phải cung cấp hình chụp chứng minh nhân dân, số điện thoại, địa chỉ và thông tin sinh trắc học. Còn chữ ký số sẽ được một bên thứ ba, hiện là FPT sẽ gọi điện thoại để xác minh đối với chủ tài khoản. "Tổng hợp lại thì khách hàng sẽ có 2 thông tin gồm nhân thân và sinh trắc học. Cả hai loại thông tin này ngân hàng đều đảm bảo bảo mật an toàn theo quy định của NHNN, từ việc mã hoá thông tin, bảo mật 3 lớp…nên khách hàng có thể hoàn toàn yên tâm", ông Trung nói. Bên cạnh đó, quy trình mở tài khoản chỉ mất tổng cộng vài phút, kể từ lúc bắt đầu khai thông tin cho đến khi giao dịch được.
Về phía ngân hàng, ông Trung cho biết NHNN cho phép các ngân hàng thương mại thử nghiệm eKYC với yêu cầu các ngân hàng phải đảm bảo an toàn rủi ro, khi có tình huống xảy ra thì các ngân hàng thương mại phải tự chịu trách nhiệm. Bởi vậy việc quản lý rủi ro luôn được ngân hàng chú trọng, đó cũng là lý do VPBank đưa ra hạn mức giao dịch cho mỗi tài khoản eKYC với cả vòng đời sử dụng là 300 triệu đồng. Điều này có nghĩa là người dùng chỉ có thể tự nạp tiền và nhận chuyển tiền từ tài khoản khác tối đa lên đến 300 triệu đồng và thực hiện các giao dịch chuyển khoản cũng như giao dịch thanh toán trong hạn mức này. Nếu muốn nâng hạn mức sử dụng thì chủ tài khoản cần phải đến các phòng giao dịch của VPBank để đăng ký nâng hạn mức theo quy định của ngân hàng.
"Mặc dù quy định hạn mức sẽ hạn chế một phần kỳ vọng của khách hàng với sản phẩm mới, nhưng trong giai đoạn này tốt nhất chúng ta phải làm như vậy để đo lường các vấn đề của thị trường, bởi các vấn đề sẽ không xuất hiện ngay mà thường phát sinh sau khoảng 3 tháng hoạt động" – ông Trung lý giải thêm, và cho biết sau khi đo lường được các phát sinh thì hạn mức giao dịch có thể được ngân hàng tăng lên.
VPBank có riêng một Trung tâm nghiên cứu số hóa
Ngoài sự chủ động về quản trị rủi vo và bảo mật cho khách hàng, phụ trách trực tiếp eKYC của VPBank còn cho biết cũng có những hạn chế nhất định trong việc triển khai eKYC ở thời điểm hiện tại. Chẳng hạn từ thời điểm ngày 09/7/2020 khi VPBank được phép thí điểm dịch vụ này thì chỉ cung cấp các tính năng chuyển tiền hay thanh toán các hóa đơn, dịch vụ nhưng thời gian sau mới có thể triển khai tính năng gửi tiết kiệm, vay vốn trên tài khoản eKYC dù rằng hiện tại nền tảng công nghệ thông tin đã sẵn sàng.
"Sau 5 năm triển khai và nghiên cứu chúng tôi thấy rằng khách hàng sẽ không có nhu cầu thay đổi thói quen sử dụng ngân hàng điện tử sang kênh truyền thống, mà họ có thể dùng luôn các sản phẩm dịch vụ trên môi trường số. Bởi vậy chúng tôi đã xây dựng luôn các sản phẩm dịch vụ trên môi trường mới để đảm bảo khách hàng không phải mất thời gian di chuyển nhiều. Hiện tại chúng tôi đang chờ thêm các quy định từ NHNN và ban lãnh đạo để bung ra các sản phẩm đa dạng hơn trên tài khoản eKYC".
Theo ông Phùng Duy Khương, Phó Tổng giám đốc VPBank, giải pháp eKYC có tiềm năng tiết kiệm tối đa chi phí vận hành cho ngân hàng, và quan trọng hơn sẽ tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng khách hàng mới, khai mở khả năng sáng tạo và sức cạnh tranh của toàn bộ hoạt động ngành ngân hàng.
Tuy nhiên công cuộc cạnh tranh sẽ không hề dễ dàng. "Từ giờ cho đến hết năm sau chắc chắn khái niệm chuyển đổi số sẽ được dùng rất nhiều. Ngân hàng nào cũng nói sẽ làm mạnh ngân hàng số, ứng dụng ngân hàng số nhưng chuyển đổi số cần quá trình lâu dài, đầu tư nhiều và kiên trì, liên quan đến tất cả các chính sách, con người, quy trình, sản phẩm…. Liệu rằng một ngân hàng đóng vai trò chủ đạo trong định hướng có chịu rủi ro và thay đổi nội tại để thay đổi hay không? Tôi không tin thị trường có nhiều ngân hàng làm được như vậy!" – ông Khương nói.
Nhưng Phó Tổng giám đốc phụ trách về khách hàng cá nhân của VPBank tự tin rằng ngân hàng này đã đi trước, tiên phong về chuyển đổi số và có nhiều kinh nghiệm được rút ra sau 5 năm triển khai – điều mà không phải bất cứ nhà băng nào cũng làm được bởi kinh nghiệm và những va vấp chỉ hiện khi bắt tay vào làm thực tế - thì sẽ làm tốt trong việc mở tài khoản không tiếp xúc cũng như các dịch vụ khác liên quan đến eKYC trong tương lai.
Nguồn: