Miễn, giảm phí, khuyến khích khách hàng giao dịch online
Ngày 11/2/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành văn bản số 727/NHNN – TT về việc áp dụng chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán.
Theo nội dung của văn bản trên, nhằm triển khai các giải pháp về phát triển TTKDTM và đẩy mạnh thanh toán điện tử đối với dịch vụ công theo Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ, Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã xây dựng Chương trình miễn, giảm phí dịch vụ, gồm: Miễn phí chuyển mạch đối với các giao dịch thanh toán trực truyến (online) các dịch vụ công (dự kiến áp dụng đến hết tháng 12/2020); Giảm phí chuyển mạch đối với các giao dịch chuyển tiền nhanh liên ngân hàng có giá trị nhỏ (từ 500.000 đồng/giao dịch trở xuống) từ 1.800 đồng/giao dịch xuống 500 đồng/giao dịch (dự kiến áp dụng từ ngày 25/2/2020).
Để thúc đẩy phát triển TTKDTM theo chủ trương của Chính phủ, NHNN đề nghị các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán khẩn trương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch áp dụng các chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ, phù hợp với Chương trình miễn, giảm phí của NAPAS; đồng thời khuyến khích các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện mức phí giảm lớn hơn mức phí giảm của NAPAS nhằm hỗ trợ thị trường, thực hiện tốt Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ.
Đây là một trong những giải pháp của ngành ngân hàng nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp TTKDTM, giảm thanh toán bằng tiền mặt, do tiền mặt được nhận định là tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan vi khuẩn, virus.
Bên cạnh đó, NHNN cũng đã, đang và tiếp tục đẩy mạnh truyền thông nhằm thúc đẩy TTKDTM, với những chương trình truyền thông, giáo dục tài chính như "Tiền khéo tiền khôn", "Đồng tiền thông thái"…nhằm thay đổi nhận thức, hành vi, thói quen của người dân trong sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, qua đó thúc đẩy TTKDTM và nâng cao khả năng tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ngân hàng cho công chúng.
Trước khi có chỉ đạo từ NHNN tại văn bản số 727, các NHTM cũng đã đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán điện tử và chính sách miễn giảm phí nhằm khuyến khích khách hàng giao dịch online.
Chẳng hạn, tại BIDV, các kênh ngân hàng điện tử hỗ trợ thực hiện nhiều giao dịch như tra cứu số dư, chuyển tiền, nạp tiền hoặc thanh toán các loại hóa đơn gia đình (điện, nước, Internet, truyền hình...), mua vé máy bay, đóng học phí, vé tàu xe. Đồng thời khách hàng có thể tiếp cận các dịch vụ tài chính như gửi tiết kiệm, vay tiền online. Hiện nhà băng này duy trì chính sách không thu phí đăng ký và phí duy trì dịch vụ BIDV online, BIDV SmartBanking. Khách còn được nhận thêm 0,2% lãi suất một năm khi gửi tiết kiệm online với mọi kỳ hạn từ 14/2 đến 30/4.
Ngoài ra, ngân hàng còn triển khai thẻ thanh toán BIDV Visa Platinum Cashback. So với thẻ ATM thông thường, loại thẻ mới cho phép người dùng không cần đưa thẻ vào đầu đọc thẻ chip hoặc quẹt thẻ vào thiết bị POS như phương thức đọc thẻ truyền thống. Với loại thẻ mới, khách hàng không cần ký tên trên hóa đơn với giao dịch dưới 1 triệu đồng. Hiện mạng lưới chấp nhận thẻ này gồm nhiều cửa hàng tiện lợi, nhà hàng, các siêu thị, trung tâm mua sắm như KFC, CGV, Circle K, Coopmart...
Các NHTM khác như Nam A Bank cũng có văn bản yêu cầu nhân viên giới thiệu, hướng dẫn khách hàng sử dụng các sản phẩm ngân hàng điện tử như Internet Banking, Open Banking… để kiểm tra số dư, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, thanh toán thẻ, gửi tiết kiệm mà không phải đến ngân hàng.
TPBank cũng khuyến khích khách hàng nên chuyển sang giao dịch online nhằm hạn chế và phòng tránh tối đa các nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh. Đại diện TPBank cho biết, về mặt công nghệ, khi việc đẩy mạnh ngân hàng tự động, dùng Internet Banking cũng giúp giảm thiểu chuyện lây lan, hạn chế việc tiếp xúc đông người, hạn chế việc tiếp xúc vật lý với những nguồn lây nhiễm virus. Đó là những cách thức ngân hàng đang ứng dụng.
SCB ra thông tin về chương trình tặng quà khi gửi tiết kiệm online. Đây là ngân hàng đầu tiên trên thị trường cấp sổ tiết kiệm online tích hợp mã QR qua email vừa an toàn vừa ưu đãi với lãi suất lên đến 8,76%/năm, đồng thời thực hiện hàng loạt các ưu đãi khi sử dụng dịch vụ Internet Banking và Mobile Banking của SCB như miễn phí thường niên dịch vụ eBanking và SMS biến động số dư; miễn phí chuyển tiền online liên ngân hàng với số tiền giao dịch lên đến 3 tỷ đồng/ngày; và miễn phí chuyển tiền nhanh 24/7, thanh toán hóa đơn và thanh toán các tiện ích khác.
Không chỉ có các ngân hàng, một số ví điện tử cũng khuyến cáo khách hàng hạn chế sử dụng tiền mặt, ưu tiên chọn lựa các phương thức, các kênh thanh toán điện tử để hạn chế tối đa các nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh, phòng chống dịch virus corona.
Giảm lãi vay cho khách hàng bị thiệt hại do dịch Covid-19
Trước đó, ngày 04/2, Thống đốc NHNN đã có văn bản số 541/NHNN-TD chỉ đạo toàn hệ thống có biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tiếp đó, ngày 06/02, NHNN cũng đã họp với các ngân hàng thương mại (NHTM) bàn các giải pháp cụ thể, tính toán thiệt hại để có phương án tín dụng phù hợp đặc biệt là những ngành nghề bị ảnh hưởng trực tiếp. Đây là nỗ lực của ngành ngân hàng chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khi gặp khó khăn.
Tại Hội nghị, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú đã yêu cầu mỗi TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xây dựng chương trình, kịch bản hành động với các giải pháp cụ thể để hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn, giảm thiểu thiệt hại, như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn/giảm lãi vay theo hợp đồng tín dụng đã ký kết và xem xét cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục, duy trì sản xuất, kinh doanh; tích cực giảm lãi suất đối với các khoản vay mới thuộc các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng do dịch nCoV, đồng thời khuyến khích người dân, doanh nghiệp TTKDTM.
Ngay sau khi có chỉ đạo của NHNN, hệ thống ngân hàng đã vào cuộc quyết liệt với nhiều giải pháp thể hiện sự đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng người dân, doanh nghiệp, trách nhiệm với cộng đồng. Nhiều NHTM đã công bố giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Chẳng hạn Vietcombank cho biết từ ngày 11/2 đến hết 30/4 sẽ giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại do dịch viêm đường hô hấp cấp bởi virus corona gây ra. Cụ thể các khách hàng kinh doanh thuộc những lĩnh vực vận tải, dịch vụ, du lịch, nhà hàng, khách sạn, xuất nhập khẩu, nhất là các khách hàng nhập khẩu nguyên liệu sản xuất ngành da giày, dệt may… từ Trung Quốc. Đối với khách vay hiện hữu...được giảm lãi 1%/năm đối với khoản vay ngắn hạn, còn khoản vay trung dài hạn 1,5%/năm với đồng Việt Nam. Với các khoản vay USD, lãi suất cho vay đối với ngắn hạn được giảm là 0,5%/năm, còn khoản vay trung và dài hạn giảm 0,75%/ năm. Ngoài ra, với các khoản vay mới, Vietcombank sẽ giảm 1%/năm bằng đồng Việt Nam và 0,5%/năm bằng USD.
VPBank thì đánh giá trước mắt có 1.000 doanh nghiệp bị thiệt hại lớn do dịch bệnh chủ yếu thuộc lĩnh vực vận tải, du lịch, nhà hàng, xuất khẩu nông sản... và quyết định giảm lãi suất cho vay 1,5%/năm đối với các khoản vay không có tài sản bảo đảm và 1%/năm đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm. Điều kiện để được giảm lãi suất cho vay là doanh nghiệp xếp hạng tín dụng tốt, tình hình tài chính ổn định, minh bạch trước dịch, có lịch sử vay trả đúng hạn,…
KienLongBank giảm lãi suất cho vay 3%/năm đối với các khách vay trồng thanh long, dưa hấu, sầu riêng, mít, xoài, chôm chôm, chuối, thời gian áp dụng từ ngày 1-2 đến 30-4.
Agribank cũng vừa cho hay đang rà soát và nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh do virus corona gây ra để có hỗ trợ kịp thời như giảm lãi suất, giãn nợ.
Với các giải pháp trên, ngành ngân hàng đang thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với cộng đồng xã hội, luôn đồng hành, chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp và người dân.
Nguồn: