Ngân hàng đua mở rộng mạng lưới tăng tiếp cận khách hàng

23/11/2024
LienVietPostBank, HDBank, UOB... liên tục mở mới điểm giao dịch trong 2 năm qua, thể hiện nỗ lực hút khách, khai thác tiềm năng thị trường.

Trong 6 tháng đầu năm nay, việc mở mới chi nhánh, phòng giao dịch, nhất là tại các ngân hàng nhỏ vẫn giữ đà tăng nhanh. Tháng 6 vừa qua, Viet A Bank thành lập chi nhánh mới tại Hà Nội. Dự kiến trong thời gian tới, ngân hàng này sẽ lập thêm 6 chi nhánh và phòng giao dịch. VietBank cũng mạnh tay mở rộng mạng lưới sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận mở mới 5 chi nhánh và 13 phòng giao dịch.

Mới đây nhất vào ngày 22/8, ở nhóm ngân hàng ngoại, Ngân hàng United Overseas Bank Limited Việt Nam (UOB Việt Nam) khai trương chi nhánh tại Hà Nội - chi nhánh đầu tiên nằm ngoài trụ sở chính ở TP HCM. Việc mở rộng diễn ra một năm sau khi UOB thành lập ngân hàng 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Trước đó, trong năm 2018, HDBank mở mới 5 chi nhánh và 40 phòng giao dịch. LienVietPostBank tăng thêm 161 điểm giao dịch. Nam A Bank cũng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho mở rộng 30 phòng giao dịch và 5 chi nhánh. BIDV, Kienlongbank đều mở thêm 17 điểm, Sacombank khai trương 14 điểm...

UOB khai trương chi nhánh tại Ba Đình, Hà Nội vào ngày 22/8.

UOB khai trương chi nhánh tại Ba Đình, Hà Nội vào ngày 22/8.

Giới chuyên gia tài chính nhận định việc mở thêm chi nhánh trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước siết hoạt động mở rộng mạng lưới thể hiện nỗ lực tiếp cận khách hàng của các đơn vị. Mỗi ngân hàng muốn mở thêm điểm giao dịch đều phải tuân thủ đầy đủ các quy định về quy mô vốn, hệ số đảm bảo an toàn hoạt động, hiệu quả kinh doanh cao, tỷ lệ nợ xấu, đồng thời phải có hệ thống quản trị, kiểm soát nội bộ hiệu quả.

Đổi lại việc mở rộng mạng lưới sẽ giúp các ngân hàng dễ dàng tiếp cận khách hàng. Ông Wee Ee Cheong - Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc UOB cho biết động thái mở rộng mạng lưới chính là một phần trong cam kết phát triển lâu dài tại Việt Nam của ngân hàng. Trước đó, vào năm 1993, UOB là ngân hàng Singapore đầu tiên thành lập văn phòng đại diện tại TP HCM và xuyên suốt quá trình hoạt động, UOB đã không ngừng tăng cường sự hiện diện của mình tại thị trường Việt Nam.

"Chúng tôi muốn mở rộng mạng lưới khách hàng ở cả miền Bắc lẫn miền Nam, kết nối với các doanh nghiệp và cá nhân tại đây, qua đó tăng cường khả năng tiếp cận những cơ hội trong ASEAN và xa hơn nữa cho các doanh nghiệp Việt Nam", ông Wee Ee Cheong nói.

Ông Harry Loh - Tổng giám đốc UOB Việt Nam chia sẻ, Hà Nội là cửa ngõ quan trọng để các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội kinh doanh tại miền Bắc. Do đó UOB Hà Nội sẽ hỗ trợ trụ sở chính tại TP HCM cung cấp các giải pháp tài chính thiết yếu trong từng giai đoạn phát triển và kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Mặt khác, theo nhận định của giới quan sát, động thái gia tăng mạng lưới còn nhằm tranh thủ tiềm năng của thị trường tài chính Việt Nam, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang leo thang.

Theo báo cáo của UOB Việt Nam, Việt Nam đang trở thành điểm sáng của châu Á. Nhờ sự bùng nổ của nhu cầu trong nước và nguồn vốn FDI, Việt Nam được dự báo đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm nay và là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Báo cáo cũng chỉ ra xu hướng các công ty đa quốc gia di dời cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam nhằm tận dụng những lợi thế về mức thuế, chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài và chi phí sản xuất. Trong năm 2019, dự báo vốn FDI vào Việt Nam vượt mức 20 tỷ USD với mức tăng trưởng 4,7%.

Nam Anh

Nguồn: