Ngân hàng đua phát hành trái phiếu, huy động được hơn 41.000 tỷ đồng trong 7 tháng đầu năm

23/11/2024
Ngành ngân hàng tiếp tục dẫn đầu về lượng phát hành trái phiếu. 8/11 doanh nghiệp top đầu về lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là các ngân hàng. Trong đó, có ngân hàng phát hành tới hơn 300 triệu USD trái phiếu quốc tế.

Theo thống kê của chứng khoán MBS, trong 7 tháng đầu năm, ngành ngân hàng dẫn đầu về lượng trái phiếu phát hành: 8/11 doanh nghiệp top đầu về lượng TPDN phát hành là các ngân hàng.

Trong tháng 7, VPBank đã phát hành thành công 300 triệu USD (tương đương với 7 nghìn tỷ đồng) trái phiếu quốc tế tại Singapore, với kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định 6,25%/năm, trả lãi 6 tháng/lần, sử dụng USD là loại tiền tệ phát hành và thanh toán. Đợt phát hành thành công này đã nâng giá trị trái phiếu VPB phát hành từ đầu năm đến nay lên gần 13.000 tỷ đồng, đứng đầu thị trường.

Một số ngân hàng khác như TPBank cũng đã thông báo kế hoạch phát hành 200 triệu USD trái phiếu quốc tế để tăng vốn cấp II trong năm 2019, SHB vừa công bố lấy ý kiến cổ đông kế hoạch tăng vốn thông qua phương án chào bán trái phiếu quốc tế.

Trong 7 tháng đầu năm cũng có nhiều ngân hàng phát hành trái phiếu trong nước để huy động vốn, kỳ hạn chủ yếu là 2-3 năm, khối lượng do từng ngân hàng phát hành từ 2.000-5.000 tỷ đồng.

Chẳng hạn, theo thống kê của MBS, ngân hàng ACB phát hành 7.850 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, lãi suất 6,7-6,8%/năm.  VIB phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 3-5 năm, lãi suất 6,3-6,8%/năm,…LienVietPostBank phát hành 4.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2-10 năm, lãi suất 6,7-7,5%/năm,…

Tính toán sơ bộ của chúng tôi, số trái phiếu mà các ngân hàng phát hành trong 7 tháng đầu năm đã đạt hơn 41.000 tỷ đồng.

Lãi suất mà các ngân hàng phát hành trái phiếu phổ biến quanh mức 6,5-7%/năm. Trong khi đó, lãi suất trái phiếu mà các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng phát hành ở mức nhỉnh hơn, từ 10-12%/năm, có nơi lên tới hơn 14%/năm.

Có thể thấy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang ngày càng sôi nổi hơn. Theo thông tin được đại diện Bộ Tài chính đưa ra tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 mới đây, tính đến 24/6/2019, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 10,5% GDP, tăng 19,2% so với cuối 2018.

Lãi suất của trái phiếu doanh nghiệp 7 tháng năm 2019 cao hơn so với năm 2018, nguyên nhân do mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của Ngân hàng thương mại đều tăng trong năm 2019. Trong đó, lãi suất trái phiếu của doanh nghiệp ngành bất động sản trong 7 tháng đầu năm 2019 ở mức trên 10% (phổ biến ở mức 12%). Riêng đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp Công ty cổ phần Bất động sản Phát Đạt có mức lãi suất khá cao, 12-14,5%, đây là 1 trong những doanh nghiệp có mức cao nhất.

Việc áp dụng chính sách thắt chặt tín dụng với ngành bất động sản cũng là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp bất động sản phải huy động vốn trên thị trường với mức lãi suất cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái và so với các ngành khác.

Qua rà soát và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã rà soát đánh giá mức huy động lãi suất như vậy chưa có xu hướng biến động đáng ngại. Bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết Bộ Tài chính vẫn sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá phân tích thường xuyên, nếu có bất thường liên quan đến thị trường tài chính, ảnh hưởng sẽ có giải pháp phù hợp.

Nguồn: