Ngân hàng gia tăng “bộ đệm” dự phòng để phát triển bền vững trong bối cảnh covid-19

22/11/2024
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh, với những diễn biến khó lường của nền kinh tế tiếp tục chịu ảnh hướng bởi đại dịch Covid-19, ngành ngân hàng sẽ gặp phải những khó khăn "kép".

Khả năng nợ xấu toàn hệ thống sẽ tăng lên trong những tháng cuối năm. Do đó, cần sử dụng "công cụ" dự phòng rủi ro mang tính điều tiết để tăng trưởng hiệu quả và an toàn.

Giữa các thông tin không mấy tích cực của nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm 2020 do tác động từ covid-19, ông nhận định ra sao về kết quả hoạt động của các ngân hàng Việt Nam?

TS. Vũ Đình Ánh: Có thể thấy tăng trưởng kinh tế quý I/2020 giảm mạnh, còn 3,82%, do tác động của dịch bệnh và sang quý II/2020 thậm chí còn có 0,36% - mức tăng theo quý thấp nhất kể từ khi công bố chỉ số này đầu năm 2006. Việc GDP quý II/2020 tạo đáy mới trong bối cảnh dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp, triển vọng tăng trưởng hai quý còn lại cũng như cả năm 2020 vẫn còn nhiều khó khăn.

Điều đáng nói là trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, ngành ngân hàng đã chứng tỏ vai trò hiệu quả trong việc hỗ trợ nhà nước điều tiết tài chính-tiền tệ toàn diện và phát triển bền vững. Đặc biệt, các ngân hàng đã cung cấp các chương trình tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, tiêu biểu như các gói hỗ trợ lớn từ Vietcombank, Vietinbank hay Techcombank…

Tuy nhiên, với những diễn biến khó lường của nền kinh tế và ảnh hướng bởi đại dịch Covid-19, ngành ngân hàng có thể sẽ gặp phải "cú đá kép". Khả năng nợ xấu của hệ thống ngân hàng sẽ tăng lên trong những tháng cuối năm, trong lúc các hoạt động vay, cho vay bị giảm và sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Theo quan sát của tôi, ít ngân hàng chấp nhận hy sinh lợi nhuận trước mắt để gia tăng "bộ đệm" dự phòng nợ xấu. Chỉ có một vài ngân hàng như Vietcombank tăng 21% chi phí dự phòng, khiến lợi nhuận trước thuế giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái; MB tăng chi phí dự phòng trong nửa đầu năm lên tới 40%, khiến tăng trưởng lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 5%.

Việc tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu càng đảm bảo cho các ngân hàng chống chịu tốt trong "cơn bão nợ xấu" sắp tới, và trường hợp Techcombank là một điển hình. Chi phí dự phòng 6 tháng của nhà băng này tăng đột biến, gấp hơn 5 lần cùng kỳ. Việc Techcombank sử dụng hơn 1.700 tỷ đồng để xử lý rủi ro trong nửa đầu năm nay khiến tỷ lệ nợ xấu đến cuối quý II giảm xuống dưới 1%, riêng nợ nhóm 5 giảm 65% so với cuối năm 2019, còn hơn 900 tỷ đồng.

Điều đáng nói là dù có "bộ đệm vốn dự phòng" lớn, và tỉ lệ CAR luôn duy trì ở mức cao và đạt trên 16% tại thời điểm kết thúc quý 2, song lợi nhuận 6 tháng của Techcombank đạt hơn 6.700 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lý do nhiều tổ chức quốc tế đánh giá, Techcombank là ngân hàng sở hữu chất lượng tài sản và nền tảng vốn mạnh mẽ, khả năng sinh lời ổn định.

Ngân hàng gia tăng “bộ đệm” dự phòng để phát triển bền vững trong bối cảnh covid-19 - Ảnh 1.

TS. Vũ Đình Ánh

Thưa chuyên gia, dễ thấy, riêng với người dân thì ngành ngân hàng không dễ kích cầu. Trong khi, các doanh nghiệp mọi hoạt động vốn đang trong tình trạng mong manh nay gặp lại "cú sốc" này thì khó khăn lại chồng khó khăn. Trong bối cảnh đó, làm sao để các ngân hàng có thể tăng trưởng an toàn?

TS. Vũ Đình Ánh: Sự khác biệt lớn nhất như tôi phân tích ở trên, đó là việc các ngân hàng phải chấp nhận hy sinh tăng trưởng lợi nhuận để gia tăng "bộ đệm" dự phòng.

Bởi lẽ, 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng đến 33,6% so với cùng kỳ năm 2019, khoảng 2 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng tiềm ẩn rủi ro. Như vậy, ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn và đã làm gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn, gia tăng nợ xấu. Các dự báo cho thấy tỷ lệ nợ xấu cả năm 2020 sẽ quanh mức 4%.

Bên cạnh đó, khẩu vị lựa chọn khách hàng "ít nhưng tinh", tập trung vào những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, cũng như các khách hàng có nguồn thu tài chính bền vững, là cách mà những ngân hàng có kết quả tăng trưởng bền vững và an toàn như Vietcombank, BIDV hay Techcombank … đang làm.

Ví dụ, Techcombank đã thực hiện đa dạng hóa nguồn thu, trọng tâm là những thu nhập ngoài lãi, từ các loại phí chủ chốt như thẻ, bảo hiểm, hay phát hành trái phiếu cùng những dịch vụ ngân hàng giao dịch nói chung cho các doanh nghiệp. Vì vậy mà tăng trưởng doanh thu của Techcombank 6 tháng đầu năm 2020 đạt 30% so với cùng kỳ năm 2019, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng chung của ngành.

Thống kê cho thấy tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) suy giảm ở tất cả các ngân hàng với mức giảm trung bình từ 2 - 4%, do khách hàng có nhu cầu về thanh khoản. Ông đánh giá ra sao về xu hướng này?

TS. Vũ Đình Ánh: Tăng tỷ lệ CASA hay tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn cao sẽ dẫn tới chi phí vốn thấp và tăng tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM). Đây là xu hướng mà nhiều ngân hàng đang nhắm tới. Tuy nhiên, nhìn từ mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 của các ngân hàng có thể thấy hai đặc điểm: Nợ xấu tăng lên và tỉ lệ CASA suy yếu.

Một số dữ liệu thống kê cho thấy, Vietcombank, MB và Techcombank là 3 nhà băng có tỷ lệ CASA dẫn đầu trong 5 năm qua (2015-2019). Trong đó, MB duy trì tỷ lệ CASA đều trên mức 30%, và Vietcombank có tỷ lệ CASA trên 27% trong 5 năm qua.

Trong 6 tháng đầu năm, CASA tại nhóm "Big4" đều giảm, và tôi quan sát thấy Techcombank đang có cuộc "lội ngược dòng" với tỷ lệ CASA cuối Quý 2/2020 đạt 34,4%, MB đang giữ vững "phong độ", cùng chiếm 33% tiền gửi khách hàng. Những nhà băng tiếp theo là Vietcombank với 28%, MSB 20%...

Phải khẳng định rằng, cuộc đua CASA của các ngân hàng vẫn chưa có hồi kết, và những sự bứt phá như trường hợp Techcombank đến từ việc chú trọng đầu tư công nghệ và số hóa nền tảng.

Bởi lẽ, hoạt động thanh toán ngân hàng nhận được nhiều cơ hội từ ảnh hưởng của dịch Covid-19 như thay đổi nhận thức, thói quen và hành vi thanh toán không dùng tiền mặt của khách hàng. Kéo theo đó là số lượng và giá trị thanh toán qua thẻ, ngân hàng trực tuyến hay điện thoại di động đều tăng trưởng mạnh, cùng với đó nhiều sản phẩm mới với nhiều tiện ích được áp dụng…

Giới kinh doanh thường nói, muốn lợi nhuận cao thì phải chấp nhận rủi ro. Nhưng Techcombank lại lựa chọn mô hình kinh doanh "rủi ro thấp - lợi nhuận cao". Nghe có vẻ nghịch lý, thưa ông?

TS. Vũ Đình Ánh: Trong bối cảnh của sự suy thoái toàn cầu, câu chuyện của Techcombank đang là điển hình cho hành trình vượt thử thách. Sự thành công của ngân hàng này có sự đóng góp quan trọng từ chiến lược "Khách hàng là trọng tâm" và lựa chọn kinh doanh mang tên "Rủi ro thấp – Lợi nhuận cao".

Trước hết, lợi nhuận trước thuế (PBT) của Techcombank tiếp tục tăng trưởng ở mức cao (19% tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước), nối dài chuỗi tăng trưởng 19 quý liên tiếp, là cả một nỗ lực rất lớn. CASA của Techcombank lội ngược dòng lên 34,4%, vào thời điểm các ngân hàng khác đều giảm tỉ lệ CASA và cả nguồn tín dụng.

Một trong những vấn đề quan trọng nhất hiện nay để kiểm soát dòng tín dụng đạt mục tiêu là phải kiểm soát được dòng tiền, hiểu việc doanh nghiệp vay tiền để làm gì. Và số lượng khách hàng của Techcombank tiếp tục tăng cao, với thêm hơn 330.000 khách hàng mới trong 6 tháng đầu năm 2020.

Đặc biệt, tập khách hàng của ngân hàng chủ yếu là những người có thu nhập cao (với khách hàng cá nhân) và doanh nghiệp vốn hóa lớn, là những phân khúc có thể có nhiều dự trữ để vượt qua giai đoạn này.

Nhân sự; quản trị rủi ro và vận hành; dữ liệu là 3 nền tảng mà Techcombank đang tập trung triển khai để hoàn thành mục tiêu lấy khách hàng làm trọng tâm. Đáng chú ý, việc xây dựng dữ liệu xuất sắc giúp Techcombank am hiểu khách hàng, từ đó phát triển những dịch vụ, phương án phù hợp với từng phân khúc khách hàng trọng tâm, tạo điều kiện cho khách hàng chủ động nhận diện rủi ro và từ đó quản trị rủi ro cho ngân hàng tốt hơn. Với chiến lược này, chỉ số sức khỏe doanh nghiệp hay chỉ số gắn kết và hiệu quả của nhân viên Techcombank đều đạt mức cao.

Trân trọng cảm ơn chuyên gia về cuộc trao đổi.

Nguồn: