Covid-19 khiến không ít doanh nghiệp trong nước lao đao, đứng trước nguy cơ phá sản. Nhiều công ty phải cắt giảm nhân sự, chi phí lương hay tạm thời không chia cổ tức... nhằm thích nghi với hoàn cảnh mới.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Dịch vụ xây dựng Bảo Yến (Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ từ sau Tết Nguyên đán, công ty gần như không có khoản thu bởi khách đặt tour đi du lịch hay khách thuê xe tự lái đều hủy. Vận tải đường dài hay xe buýt đều mất khách. "Trong khi đó chúng tôi vẫn phải duy trì các chi phí vận hành, chi phí nhân công cho hơn 1.500 cán bộ nhân viên. Ước tính, mấy tháng qua công ty thiệt hại khoảng 80 tỷ đồng", ông Tuấn nói.
Để giúp doanh nghiệp vượt "bão" Covid-19, Chính phủ ngày 27/3 thông báo sắp đưa ra gói hỗ trợ lớn hơn nhiều lần gói tài khoá 80.000 tỷ, giúp doanh nghiệp có thể vay không lãi suất để trả lương nhân viên. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết có khoảng 30 ngân hàng tham gia hỗ trợ doanh nghiệp với tổng số tiền khoảng 285.000 tỷ đồng.
Nhiều ngân hàng chủ động triển khai giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp. Theo Giám đốc Công ty Bảo Yến, TPBank đã cử nhân viên trực tiếp tới công ty ông khảo sát tình hình kinh doanh và cơ cấu lại nợ. "Giải pháp này giúp chúng tôi giảm bớt rất nhiều nỗi lo về tài chính", ông Tuấn nói.
Các giao dịch viên TPBank đeo khẩu trang, dụng cụ bảo hộ phòng lây nhiễm Covid-19. |
Ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc TPBank cho biết, từ tháng 2, ngân hàng này triển khai các hoạt động hỗ trợ khách hàng. "Khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch được cơ cấu lại nợ, giãn nợ, đồng thời chúng tôi đưa ra nhiều gói vay mới với lãi suất ưu đãi, giảm so với quy định từ 1,5 - 2,5% với tổng giá trị gói vay đến 12.000 tỷ đồng", ông Hưng nói thêm.
Ngân hàng triển khai đánh giá tình hình kinh doanh từng khách hàng, đưa ra biện pháp hỗ trợ kịp thời. Theo đó, khách hàng chịu ảnh hưởng nặng được xem xét ân hạn nợ, miễn hoặc giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới hoặc tái cấp hạn mức để ổn định sản xuất kinh doanh. Tổng mức dư nợ được xem xét khoảng 40 đến 50.000 tỷ đồng.
TPBank cũng xem xét giảm lãi suất cho vay với khách hàng doanh nghiệp và cá nhân hiện vay ngân hàng, mức giảm từ 0,5 đến 1% so với lãi suất trên hợp đồng. Tổng dư nợ dự kiến được giảm lãi khoảng 30.000 tỷ đồng.
Trong tháng 3, TPBank cho biết đã thực hiện cơ cấu nợ, giãn nợ cho gần 1.000 khách hàng với tổng dư nợ trên 3.000 tỷ đồng. Nhà băng này cũng sẽ tiếp tục triển khai việc này những tháng tới.
"Để chia sẻ và giảm bớt chi phí cho khách hàng, TPBank miễn toàn bộ phí giao dịch trong nước cho tất cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ, qua mọi kênh online hoặc tại quầy, VTM, ATM", Tổng giám đốc TPBank chia sẻ.
Ngoài biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, mới đây, nhà băng này ủng hộ 5 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch. Ngân hàng đẩy mạnh hoạt động ngân hàng trực tuyến, giảm rủi ro lây nhiễm Covid-19.
Mới đây nhất, TPBank đưa ra chương trình chung tay chống dịch Covid dành cho khách hàng gửi tiết kiệm online. Theo đó, mỗi khách hàng gửi tiết kiệm tại ứng dụng TPBank eBank có giá trị sổ tiết kiệm trên 50 triệu đồng, TPBank thay mặt khách hàng ủng hộ 111.999 đồng vào tài khoản của Mặt trận tổ quốc Việt Nam.
"Chúng tôi mong muốn đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp và cộng đồng, thể hiện trách nhiệm của ngân hàng với xã hội", đại diện ngân hàng nói.
Minh Hà