Mới đây, Ngân hàng VietinBank liên tiếp thông báo bán các khoản nợ vay tiêu dùng của các khách hàng cá nhân do ngân hàng không còn khả năng thu hồi.
Theo đó, các khoản vay tiêu dùng này bao gồm 105 hợp đồng của 105 khách hàng cá nhân. Trong lần thông báo đầu tiên, VietinBank thông báo tổng giá trị ghi sổ là 2,847 tỷ đồng, các khoản nợ có giá trị từ 1,8 – 88 triệu đồng (bao gồm nợ gốc, nợ lãi, lãi phạt chậm trả).
Tuy nhiên, chỉ hai ngày sau đó, ngân hàng tiếp tục thông báo bán đấu giá các khoản nợ trên với tổng trị giá được giảm xuống còn 2,587 tỷ đồng.
Đáng chú ý, đây đều là các khoản vay tín chấp nên không có tài sản đảm bảo, trong khi ngân hàng mong muốn số tiền thu về bằng đúng tổng giá trị ghi sổ của gói nợ. Theo đó, người mua có thể mua lẻ từng khoản nợ với giá trị từ 1,9 – 81 triệu đồng, hoặc cũng có thể mua toàn bộ 105 khoản nợ trên.
Khoản nợ cho vay tiêu dùng được VietinBank rao bán. |
Đây là lần đầu tiên có một ngân hàng công khai rao bán cùng lúc cả trăm khoản nợ vay tiêu dùng của các khách hàng cá nhân. Tuy nhiên, khả năng thành công được đánh giá là không cao bởi đây là các khoản nợ không có tài sản đảm bảo, hơn nữa mức giá khởi điểm lại ngang bằng với giá trị khoản nợ, bao gồm nợ gốc, nợ lãi, và lãi phạt.
“VietinBank sẽ bán từng khoản nợ, một số khoản nợ hoặc tất cả các khoản nợ. VietinBank sẽ lựa chọn người mua trả giá cao nhất và ít nhất bằng giá khởi điểm từng khoản nợ”, VietinBank khẳng định trong thông báo bán nợ.
VietinBank vốn không có công ty tài chính chuyên cho vay tiêu dùng như một số ngân hàng khác, nhưng ngân hàng này vẫn cung cấp gói tín dụng cho vay tiêu dùng gồm vay mua ô tô, vay sửa chữa nhà,… và cả những khoản vay nhỏ lẻ không có tài sản đảm bảo nói trên.
Hiện nay, một số ngân hàng khuyến khích khách trả nợ vay tiêu dùng bằng cách thanh toán khoản vay/dư nợ thẻ thông qua các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, giống như cách đóng tiền điện nước vẫn được các điểm này thu hộ.
Tuy nhiên, một thực tế là cho vay tiêu dùng thông qua vay tín chấp luôn chứa đựng nhiều rủi ro đối với các tổ chức tín dụng do đa phần người vay là những đối tượng không đủ điều kiện tiếp cận gói vay thông thường (có tài sản đảm bảo, lãi suất thấp,…). Nhất là trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, nhiều người lao động mất việc làm hoặc bị giảm thu nhập, nên ngày càng có nhiều người không còn khả năng trả nợ.
Trên thực tế không ít cá nhân, đa phần là người trẻ lợi dụng dịch bệnh để chây ì không trả nợ. Thậm chí, trên mạng xã hội đang tồn tại không ít các hội nhóm quy tụ các con nợ với mục đích chia sẻ nhau cách “bùng” nợ, nhất là nợ vay các công ty tài chính và các app cho vay.
Tại một diễn đàn quy tụ gần 50.000 thành viên do một người có nick name “N.T” làm quản trị, người này công khai mời chào các thành viên tham gia vào việc qua mặt các công ty tài chính, các app cho vay để “bùng” nợ. Tất nhiên, không cần biết có trót lọt hay không, con nợ tham gia sẽ phải cắt “phế” để cảm ơn người này dù biết đó là hành vi vi phạm pháp luật.
Cũng theo thành viên Đ.Đ, để được các công ty này giải ngân, chỉ cần cung cấp CMND hoặc sổ hộ khẩu là có thể dễ dàng vay online tại các công ty tài chính. Với mỗi bài đăng như thế này, có hàng chục, thậm chí hàng trăm người tham gia bình luận hỏi nhau cách đối phó khi bị đòi nợ.Đ.Đ, một thành viên trong nhóm cho hay, hiện thành viên này đang vay nợ cùng lúc tại 3 công ty tài chính gồm Easy Credit (thời hạn 15 tháng), Mirae Asset (24 tháng), và Mcredit (24 tháng). Trong đó, hiện mới chỉ trả được lần lượt 3 tháng cho Mirae Asset và 14 tháng cho Mcredit. Thành viên này cho biết, vì đã đăng ký số điện thoại người thân cho khoản vay 20 triệu đồng tại Mcredit nên cố gắng trả nợ, trong khi đang có ý định “bùng” hai công ty còn lại.
Mỗi tháng, Đ.Đ phải lo trả nợ cùng lúc cho 3 công ty tài chính về các khoản vay tiêu dùng của MCredit |
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có không ít các đối tượng nhân cơ hội mời chào các gói “dịch vụ” chỉ cách “cày app” cho những con nợ sẵn có ý định hưởng thụ, cũng như nhiều đối tượng cho vay tín dụng đen mời chào các gói vay khiến cho bất kỳ ai tham gia vào những hội nhóm này đều có cảm giác một khi đã rơi vào bẫy nợ sẽ không có cách để thoát ra.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật ANVI, mọi quan hệ dân sự giữa người vay và tổ chức tín dụng đều phải tuân thủ theo pháp luật, khi đã chậm trả nợ thì tổ chức tín dụng có quyền tính lãi quá hạn và đòi nợ.
Có không ít các nhóm kín được lập ra để quy tụ những người có ý đồ "bùng" nợ nhưng thực chất lại là những cái bẫy nợ được giăng ra. |
“Tổ chức tín dụng được quyền tính lãi quá hạn và đòi nợ khi khách hàng chậm trả, đòi không được thì có quyền khởi kiện. Đương nhiên sau khi kiện ra tòa thì các bên sẽ phải thi hành án, nếu bên vay vẫn không thể thi hành án thì tổ chức tín dụng sẽ…. mất vốn.
Đó là rủi ro thấy rõ trong cho vay tiêu dùng nhưng lại là một điều bình thường vì nó không hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, nếu bên cho vay phát hiện bên vay có dấu hiệu tội phạm thì hoàn toàn có thể tố giác để xử lý hình sự”, Luật sư Trương Thanh Đức nói.
Nguồn: