Đặc biệt khách hàng gửi càng nhiều tiền và chọn hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến thì lãi suất càng cao. Với kì hạn 6 tháng trở lên, chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng lên tới 2-3%.
Khách hàng gửi càng nhiều tiền và chọn hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến thì lãi suất càng cao
Cụ thể, lãi suất ngân hàng cao nhất trên thị trường thời điểm này thuộc về SHB với mức 9% cho kì hạn 13 tháng với số tiền gửi tối thiểu 500 tỉ đồng.
Mức lãi suất tiết kiệm cao tiếp theo là 8,9%/năm, được áp dụng cho tiền gửi kì hạn 16 tháng tại Ngân hàng Việt Á (VietABank) và 8,6%/năm được áp dụng tại TPBank (số tiền gửi từ 100 tỉ đồng).
Tiếp đến là ngân hàng Nam A Bank niêm yết 8,7% cho kì hạn 36 tháng, hình thức gửi tiết kiệm Online.
SCB, Viet Captial Bank và TPBank đều niêm yết mức 8,6% cho kì hạn dài nhưng với các điều kiện khác nhau: SCB chỉ áp dụng đối với khách hàng gửi kì hạn 13 tháng và hình thức gửi tiền online; TPBank áp dụng lãi suất 8,6% cho khách hàng gửi trên 100 tỉ đồng, kì hạn 24 tháng và cam kết không rút trước hạn;
VietCapitalBank áp dụng lãi suất này cho kì hạn 36 tháng. Đáng chú ý, các ngân hàng tập trung phát triển mạnh hình thức gửi tiền tiết kiệm trực tuyến nên lãi suất tiết kiệm online cao hơn từ 0,5-1%/năm và không đưa ra hạn mức tiền gửi để thu hút khách hàng.
Với kì hạn 1 tháng, các ngân hàng niêm yết lãi suất huy động dao động từ 4,5% đến 5,5%. Có tới 11 ngân hàng niêm yết lãi suất ở mức cao nhất 5,5% là MSB, PvcomBank, VPBank, VietBank, SCB, Eximbank, Bao Viet Bank, VIB, BAC A Bank, ACB và ABBANK. Trong khi đó BIG 4 cùng niêm yết mức lãi suất ở mức thấp 4,5%.
Ở kì hạn 3 tháng, không có nhiều khác biệt về mức lãi suất huy động. Đa số các ngân hàng thương mại đều niêm yết mức lãi suất huy động từ 5% - 5,5%.
Ở kì hạn 6 tháng, mức độ cạnh tranh lãi suất của các ngân hàng bắt đầu thấy rõ, dao động từ 5,5% -8,21%.
Ngân hàng công bố lãi suất kì hạn 6 tháng cao nhất trong tháng 10.2019 là SCB ở mức 8,21%. Xếp ở vị trí thứ 2 là VPBank và Nam A Bank cùng ở mức 8%. Xếp chót bảng lãi suất kì hạn 6 tháng là “bộ tứ quyền lực” Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV với mức 5,5%.
Từ kì hạn 12 tháng trở lên, sự phân hoá cạnh tranh lãi suất ngày càng gay gắt hơn. Có tới 11 ngân hàng niêm yết mức lãi suất huy động trên 8%/năm. Đứng đầu danh sách lãi suất ngân hàng cao nhất kì hạn 12 tháng là SHB với mức 8,9% (áp dụng cho khách hàng gửi kì hạn 12 tháng với số tiền gửi 500 tỉ đồng trở lên). Bám sát theo sau là SCB với lãi suất ở mức 8,66% áp dụng cho khách hàng có số tiền gửi tối thiểu 10 tỉ đồng, hình thức gửi tiết kiệm Online.
ABBANK niêm yết lãi suất kì hạn 12 tháng ở mức 8,5% và xếp ở vị trí thứ 3.
Bốn “ông lớn” nhà nước gồm Agribank, VietinBank, BIDV, Vietcombank tiếp tục duy trì lãi suất thấp nhất trên thị trường và không có biến động so với tháng trước.
Cụ thể, tại ngân hàng Vietcombank, lãi suất tiết kiệm cao nhất là 6,8%/năm được áp dụng với khoản tiền gửi có kì hạn dài từ 12 tháng trở lên. Lãi suất tiền gửi kì hạn 1 tháng, 2 tháng cùng ở mức 4,5%/năm; lãi suất kì hạn 3 tháng là 5%/năm; lãi suất tiền gửi kì hạn 6 tháng, 9 tháng là 5,5%/năm.
Lãi suất tiết kiệm tại ngân hàng Agribank cao nhất là 6,8%, áp dụng cho các khoản tiền gửi kì hạn 12 tháng, 18 tháng, 24 tháng. Kì hạn 1 tháng và 2 tháng cùng có mức lãi suất tiết kiệm 4,5%/năm. Lãi suất tiết kiệm kì hạn 3-5 tháng là 5%. Lãi suất tiết kiệm 6 tháng là 5,5%. Lãi suất tiết kiệm kì hạn 9-11 tháng ở mức 5,6%. Các khoản tiền gửi không kì hạn, tiền gửi thanh toán có lãi suất là 0,2%/năm.
Lãi suất tiết kiệm tại ngân hàng BIDV hiện nay cao nhất ở mức 7%, áp dụng cho các kỳ hạn 12 tháng, 24 tháng, 36 tháng. Lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng chỉ ở mức 4,3%. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng 5,5%. Còn kỳ hạn 15 tháng, 18 tháng, lãi suất tiết kiệm là 6,8%.
Còn tại Vietinbank lãi suất tiết kiệm tháng 10 cao nhất là 7% ở kỳ hạn trên 36 tháng. Ở kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng, lãi suất tiết kiệm cùng ở mức 4,5%. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng, 4 tháng là 5%. Còn kỳ hạn 5 tháng, 6 tháng, 7 tháng, 8 tháng, 9 tháng cùng ở mức 5,5%. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng là 6,8%; 18 tháng là 6,7%.
Đầu năm 2019, mức chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng thương mại nhà nước với các ngân hàng thương mại cổ phần từ 1-1,5%/năm, tuy nhiên càng về cuối năm, chênh lệch lãi suất lại càng tăng, lên tới 2-3%.