Ngân hàng nào nắm giữ trái phiếu của TCTD khác nhiều nhất?

27/11/2024
Trong khi nhiều ngân hàng "đua nhau" ôm trọn các lô trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản thì Vietcombank, BIDV, MSB,...lại thích mua chứng khoán nợ (bao gồm trái phiếu) của các TCTD khác dù lãi suất trái phiếu TCTD rất thấp.

Cùng với việc mua nhiều trái phiếu doanh nghiệp BĐS, nhiều ngân hàng còn có xu hướng đẩy mạnh mua trái phiếu của các TCTD khác trong 6 tháng đầu năm 2019. Theo thống kê của chứng khoán SSI tại 18 ngân hàng niêm yết, trong nửa đầu năm, lượng trái phiếu của các TCTD mà các ngân hàng thương mại nắm giữ đã tăng thêm tới hơn 56 nghìn tỷ.

Trong khi đó, theo thống kê của chúng tôi tại hơn 20 ngân hàng, giá trị chứng khoán nợ của các TCTD (thường bao gồm trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi) do những nhà băng này nắm giữ đạt hơn 270 nghìn tỷ đồng tại ngày 30/6/2019, tăng gần 55.000 tỷ, tức tăng 24% so với hồi đầu năm.

Vietcombank là ngân hàng sở hữu giá trị chứng khoán nợ của các TCTD khác lớn nhất, và cũng là một trong những ngân hàng tăng nhanh nhất trong 6 tháng đầu năm. Cuối tháng 6/2019, giá trị đầu tư chứng khoán nợ của các TCTD khác tại Vietcombank lên tới 57.774 tỷ đồng, tăng 61% so với hồi đầu năm. Trong đó, chứng khoán nợ của các TCTD sẵn sàng để bán là 20.157 tỷ, tăng 53%; chứng khoán nợ của các TCTD giữ đến đáo hạn tăng tới 66% lên 37.617 tỷ đồng.

Trong khi gia tăng đầu tư vào chứng khoán nợ của các TCTD khác, Vietcombank lại không "mặn mà" với việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành ở Vietcombank chỉ đạt hơn 7.000 tỷ đồng, thậm chí giảm 600 tỷ so với hồi đầu năm.

Cuối tháng 6, có 5 ngân hàng khác nắm giữ chứng khoán nợ của các TCTD trên 20.000 tỷ đồng lần lượt là MBBank (27.664 tỷ), VietinBank (26.853 tỷ), Techcombank (22.726 tỷ), Agribank (22.437 tỷ), BIDV (21.460 tỷ); cả 5 ngân hàng này đều tăng trong nửa đầu năm. Trong đó, BIDV là ngân hàng tăng mạnh nhất. Giá trị đầu tư chứng khoán nợ của các TCTD khác tại BIDV tại ngày 30/6 là 21.460 tỷ đồng, tăng hơn 12.300 tỷ tương đương tăng 136% so với hồi đầu năm.

Ngoài ra, các ngân hàng nắm giữ lượng đáng kể chứng khoán nợ của các TCTD còn có VPBank với gần 16.000 tỷ đồng, LienVietPostBank (15.200 tỷ), HDBank (12.673 tỷ), VIB (12.222 tỷ), MSB (11.037 tỷ), SHB (11.027 tỷ),…

Ở nhóm này, MSB và VIB có giá trị đầu tư chứng khoán nợ TCTD khác tăng mạnh nhất, lần lượt tăng 71% và 45% so với hồi đầu năm. Cũng tương tự như Vietcombank và BIDV, MSB và VIB cũng nắm giữ rất ít trái phiếu của doanh nghiệp, thậm chí đều giảm trong 6 tháng đầu năm. Điều này có thể do khẩu vị đầu tư của từng ngân hàng khác nhau. Trên thực tế, trái phiếu của các TCTD tuy có lãi suất thấp hơn nhiều so với trái phiếu doanh nghiệp nhưng cũng luôn được xem là an toàn và dễ dàng chuyển nhượng hơn. 

Trước đó, theo phân tích của chứng khoán SSI, lượng trái phiếu của các TCTD mà các ngân hàng nắm giữ tăng thêm là khoảng 56.000 tỷ, khá tương đương với lượng trái phiếu mà các ngân hàng thương mại đã phát hành. Và với mức lãi suất trung bình khá thấp, chỉ tương đương với lãi suất huy động của các NHTM lớn – nhóm có lãi suất huy động thấp nhất nên trái phiếu của ngân hàng kém hấp dẫn nhà đầu tư, theo đó, khả năng lớn số trái phiếu mà các ngân hàng phát hành đã được những ngân hàng khác mua vào. 

Nguồn: