Ngày 13/9, Ngân hàng Nhà nước công bố Quyết định số 1870/QĐ-NHNN về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng.
Theo đó, giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,25%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,25%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng từ 7,25%/năm xuống 7,0%/năm.
Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước giảm cả lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm.
Quyết định sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 16/9 tới.
Lý giải về quyết định này, Nhà điều hành cho biết, giai đoạn trước đây, trong bối cảnh lãi suất quốc tế gia tăng, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành đồng bộ các giải pháp chính sách tiền tệ nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng hợp lý.
Tuy nhiên, giai đoạn gần đây, kinh tế thế giới diễn biến kém thuận lợi hơn, nhiều ngân hàng trung ương các nước trong đó có Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã giảm lãi suất điều hành; trong nước kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, thị trường tiền tệ, ngoại hối diễn biến ổn định.
Xoay quanh sự kiện này, BizLIVE giới thiệu nhận định từ một số chuyên gia tài chính.
ĐIỀU CHỈNH LINH HOẠT TRONG THẬN TRỌNG
TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới giảm tốc, có rất nhiều rủi ro, bất định, nhiều nước bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ, thì Việt Nam, với một nền kinh tế mở cũng khó có thể ngoại lệ.
Việc Ngân hàng Nhà nước tiến hành cắt giảm lãi suất điều hành là phản ánh xu thế, nhằm giảm thiểu những bất lợi của suy giảm tăng trưởng kinh tế từ bên ngoài, cũng như phần nào hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế.
Tuy nhiên, câu chuyện chính sách tiền tệ không chỉ hỗ trợ tăng trưởng mà nó vẫn phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.
Đây thời điểm khá phức tạp, hơn nữa chúng ta còn có những vấn đề phải ứng xử, thuyết minh, làm rõ liên quan đến câu chuyện thặng dư thương mại lớn, Hoa Kỳ vẫn đặt Việt Nam trong danh sách theo dõi các nước thao túng tiền tệ.
Chính vì vậy, chúng ta vẫn cần rất thận trọng. Mức độ điều chỉnh vừa rồi của Ngân hàng Nhà nước cũng phải ánh sự thận trọng đó trong khi vẫn linh hoạt theo tình hình thực tế.
MỨC GIẢM CÒN KHÁ KHIÊM TỐN
TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia
Tôi cho rằng động thái vừa qua của Ngân hàng Nhà nước là phù hợp với xu thế chung của các ngân hàng trung ương trên thế giới đang giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Tại Việt Nam, lạm phát đang thấp cũng là cơ hội để giảm lãi suất.
Bên cạnh đó, cung cầu tín dụng đang có dấu hiệu căng thẳng khi cầu tín dụng khá lớn nhưng cung tín dụng hẹp hơn. Việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất, nới lỏng tiền tệ là cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế để ít nhất có thể đạt được mức tăng trưởng mà Quốc hội giao.
Ngoài ra, xu thế giảm lãi suất trên thế giới có thể sẽ còn kéo dài vì kinh tế toàn cầu có thể đang rơi vào thời kỳ suy giảm có tính chu kỳ, tăng trưởng thương mại toàn cầu đang rất thấp, do đó ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Do vậy, động thái của Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ các ngân hàng mở rộng cho vay.
Tuy nhiên, tôi cho rằng mức giảm như vậy vẫn khá khiêm tốn. Có lẽ từ nay đến cuối năm cơ quan quản lý có thể xem xét giảm thêm mới có giá trị thực sự trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
SẼ GIÚP ỔN ĐỊNH LÃI SUẤT CHO VAY
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia
Tôi cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm lãi suất điều hành là phù hợp, với ba lý do chính.
Thứ nhất, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn và rủi ro, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã và đang giảm lãi suất. Trong đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng cũng sẽ tiếp tục giảm lãi suất thời gian tới.
Còn qua thống kê của chúng tôi, tới thời điểm hiện tại đã có khoảng 40 ngân hàng trung ương các quốc gia mới nổi đã tiến hành giảm lãi suất.
Thứ hai, hiện lạm phát của Việt Nam được kiểm soát ở mức tương đối thấp, CPI 8 tháng đầu năm đang ở mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Theo đó, việc tăng lãi suất điều hành không gây áp lực nhiều với lạm phát.
Thứ ba, việc giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ giúp ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, trong bối cảnh lãi suất huy động tăng nhẹ trong thời gian vừa qua và Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên trì mục tiêu ổn định lãi suất đầu ra.
Việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành 0,25 điểm phần trăm là phù hợp, với 3 lý do.
Thứ nhất, lãi suất hiện nay không phải là điểm nghẽn đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Thứ hai, mức lãi suất này tương đối thấp và phù hợp.
Thứ ba, nếu giảm lãi suất quá mạnh sẽ gây áp lực lên lạm phát và đồng thời, không phải ánh đúng bản chất của thị trường hiện nay, khi lãi suất đầu vào đang tăng.
Về cơ bản, đợt điều chỉnh này sẽ không có tác động đáng kể lên lạm phát và tỷ giá do lãi suất này chỉ áp dụng với các khoản vay tái cấp vốn và một số khoản vay khác của các tổ chức tín dụng vay từ Ngân hàng Nhà nước với khối lượng không lớn. Thứ hai là còn có độ trễ chính sách.
Nguồn: