Ngân hàng Nhà nước hút tiền về do tín dụng tăng kém

24/01/2025
Tín dụng trong 2 tháng đầu năm nay chỉ tăng 0,06%, tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước liên tục hút tiền về những tuần gần đây.

Theo báo cáo của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng 25.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu trong tuần 2-6/3. Kênh nghiệp vụ thị trường mở (OMO) tiếp tục không thực hiện hoạt động phát hành mới và không có lượng đáo hạn. 

"Tăng trưởng tín dụng thấp khiến thanh khoản hệ thống ngân hàng dư thừa, tạo điều kiện thuận lợi để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hút ròng tiền về qua kênh tín phiếu", nhóm phân tích BVSC đánh giá. Trong hai tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 0,06%, mức tăng thấp nhất trong 6 năm gần đây. Phần lớn dư nợ vào các ngành đều giảm. Một số ngân hàng lớn như BIDV thậm chí còn có tín dụng giảm trong hai tháng đầu năm (-2%). 

Giao dịch tại một ngân hàng thương mại trong TP HCM. Ảnh: Anh Tú 

Giao dịch tại một ngân hàng thương mại trong TP HCM. Ảnh: Anh Tú 

Theo đánh giá của SSI Research, xu hướng "hút tiền" thực tế đã được cơ quan quản lý triển khai từ tuần giáp Tết Nguyên đán. Số dư tín phiếu đến nay đã lên tới 120.000 tỷ đồng, là mức cao nhất kể từ 7/2018 đến nay.

Riêng trong tháng 2, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng gần 95.000 tỷ đồng, tương đương với lượng tiền đồng được bơm ra thị trường qua các giao dịch mua ngoại tệ trong tháng 1/2020. 

Một lý do khác của động thái hút tiền là thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng vẫn dồi dào. Lãi suất các kỳ hạn giảm mạnh trong tuần đầu và duy trì ở mức thấp trong cả tháng 2, chốt tháng ở mức 2,25% với kỳ hạn qua đêm và 2,53% với kỳ hạn 1 tuần.

"Với định hướng hiện tại, lãi suất trên liên ngân hàng nhiều khả năng vẫn dao động ở vùng hiện tại trong tháng 3", SSI Research bình luận.

Đối với tỷ giá, chịu áp lực từ diễn biến quốc tế, giá mua bán đồng bạc xanh đã bật tăng mạnh lên vùng giá mới ngay trong tháng 2. Tỷ giá trung tâm được điều chỉnh lên mức đỉnh 23.245 đồng, sau đó giảm về 23.224 đồng, tăng 28 đồng trong tháng. Giá đôla Mỹ trên thị trường ngân hàng cũng tăng 40 đồng, trong khi, tỷ giá tự do cũng tăng 50 đồng chiều mua vào và 70 đồng chiều bán ra.

Tuy nhiên, đến đầu tháng 3, tỷ giá VND/USD đã giảm mạnh trong bối cảnh đồng bạc xanh chịu áp lực mất giá khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất khẩn cấp. Chỉ số DXY trong tuần đầu tiên của tháng 3 đứng ở mức 95,95 điểm, giảm 2,22% so với tuần cuối tháng 2. Theo đó, tỷ giá trung tâm giảm 27 đồng xuống 23.197 đồng. Tỷ giá trên thị trường ngân hàng cũng giảm 25 đồng xuống mức 23.206 đồng ở chiều bán ra.

Theo SSI Research, tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá chỉ nhích nhẹ lên mức tiệm cận vùng giao dịch cuối năm 2018. "Tỷ giá về cơ bản chỉ đang hồi lại sau khi giảm trong năm 2019", nhóm phân tích cho biết.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, SSI cho rằng xuất khẩu có thể giảm nhưng nhập khẩu hàng hóa cho sản xuất và tiêu dùng cũng đang chậm lại. Cung cầu ngoại tệ trong nước vẫn ở trạng thái ổn định tuy nhiên tâm lý thận trọng gia tăng, thể hiện là chênh lệch tỷ giá mua vào và bán ra trên thị trường ngân hàng, biên độ tỷ giá tự do và tỷ giá ngân hàng đều giãn rộng. 

Minh Sơn

Nguồn: