Ngân hàng Nhà nước đã lần thứ 3 giảm lãi suất điều hành chỉ trong vòng 9 tháng đầu năm 2020. Với mức giảm lãi suất tổng cộng 3 lần từ 1,5-2 điểm phần trăm. Đây là mức giảm cần thiết từng được các chuyên gia tài chính khuyến nghị và cũng là một động thái quyết liệt từ phía cơ quan điều hành chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế, thúc đầy tăng trưởng năm 2020.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (TCTK), GDP trong 9 tháng đầu năm ước tính tăng 2,12% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Nếu nhìn vào mức tăng trưởng GDP của quý 3/2020 (2,62%), cho thấy tín hiệu về một sự hồi phục trong sản xuất, đặc biệt là ngành nông nghiệp, tiêu dùng nội địa và hoạt động xuất nhập khẩu.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân trong 9 tháng đầu năm ước tính tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính riêng theo quý 3, chỉ số này đã có dấu hiệu hạ nhiệt xuống chỉ còn 3,18%.
NHNN lần 3 giảm lãi suất điều hành cho thấy sự nỗ lực để hỗ trợ nền kinh tế năm 2020
Thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2020 dồi dào, với mức chênh lệch phần tăng thêm M2 và tín dụng duy trì ở mức cao. Diễn biến này chủ yếu do dịch bệnh khiến cầu tín dụng yếu đi rõ rệt khi các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh. Tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 22/9 chỉ đạt 5,12% so với đầu năm, thấp hơn nhiều so với mức hơn 8,51% cùng kỳ năm 2019.
NHNN cũng đã thực hiện nghiệp vụ mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối với ước tính đạt gần 10 tỷ USD, tương đương với bơm ra thị trường hơn 23 nghìn tỷ đồng. Thanh khoản dư thừa đã khiến lãi suất liên ngân hàng và suất trái phiếu chính phủ duy trì ở mức thấp kể từ tháng 5/2020.
Huy động tiếp tục tăng trưởng khá, tín dụng tăng trưởng yếu, sản xuất dần hồi phục, lạm phát không quá nóng là những tín hiệu tốt để NHNN tiếp tục giảm lãi suất điều hành với kỳ vọng một làn sóng giảm lãi suất cho vay tại các hệ thống ngân hàng trong những tháng cuối năm.
Trên thực tế, mặt bằng lãi suất huy động đã liên tục giảm mạnh kể từ sau lần cắt giảm lãi suất điều hành vào tháng 5/2020. Lãi suất huy động ở mức thấp và trong xu hướng giảm xuất phát từ hai nguyên nhân chính: (1) Thanh khoản hệ thống duy trì ở trạng thái dư thừa khi mà nguồn cung dồi dào (NHNN mua vào ngoại tệ, huy động vốn 9 tháng tăng khá ở mức 7,7%); (2) Áp lực giảm lãi suất huy động để duy trì tỷ lệ NIM phù hợp trong bối cảnh các ngân hàng phải cắt giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng trong dịch COVID-19.
Một điểm rất đáng chú ý là dù lãi suất hạ, nhưng người tiêu dùng thậm chí còn tiết kiệm hơn. Đây là một điểm mới, thay đổi trong tâm lý chi tiêu của người tiêu dùng Việt Nam. Họ chi tiêu ít đi và tiết kiệm nhiều hơn trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19. Báo cáo mới đây của Nielsen Viet Nam, cập nhật tình hình về chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam quý 2/2020 cho biết, Việt Nam là quốc gia vượt lên vị trí đứng đầu với việc có nhiều người tiêu dùng tiết kiệm nhất thế giới với mức độ tăng nhẹ (69%-72%), theo sau là Hồng Kông (68%) và Singapore (65%).
Chia sẻ về xu hướng lãi suất tại NHTM từ thời điểm hạ lãi suất điều hành lần 3 của NHNN đến cuối năm 2020, lãnh đạo một NHTM Việt Nam cho rằng, các ngân hàng đang tích cực giảm lãi suất để đẩy tín dụng ra nền kinh tế. "Nếu không đẩy mạnh tín dụng về cuối năm để đạt được những mục tiêu cơ bản, rất có thể sang năm ngân hàng sẽ bị NHNN cắt room tín dụng. Và điều này thì không ngân hàng nào muốn".
Các chuyên gia kinh tế dự báo xu hướng giảm lãi suất có thể sẽ tiếp tục trong tháng 10. Tuy nhiên, mức giảm cũng không quá sâu vì lạm phát vẫn duy trì ở mức khá cao nên lãi suất huy động buộc phải giữ ở mức đủ hấp dẫn để "giữ tiền trong ngân hàng" thay vì chạy sang các kênh đầu tư khác.
Nguồn: