Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa thông tin về một số nội dung liên quan đến Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101 quy định về thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo NHNN, trong thời gian qua, Dự thảo Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP (đã sửa đổi, bổ sung) (sau đây gọi là Dự thảo Nghị định) đã nhận được sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân trong và nước ngoài.
Đến nay, NHNN đã nhận được ý kiến của hầu hết các Bộ, ngành có liên quan; các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; tổ chức trung gian thanh toán, các hiệp hội và tổ chức khác (với gần 80 ý kiến).
Tại Dự thảo Nghị định dự kiến đưa ra tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài là 49% chỉ áp dụng cho các hoạt động trung gian thanh toán (không phải tất cả các công ty Fintech) để đăng tải công khai và xin ý kiến của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Sau khi Dự thảo được đưa ra lấy ý kiến, NHNN đã nhận được ý kiến tham gia đối với quy định này. Trong đó, nhiều ý kiến đồng tình với Dự thảo Nghị định cho rằng mục tiêu của NHNN đưa ra là phù hợp và cần thiết.
Tuy nhiên, bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình, NHNN cũng nhận được các ý kiến khác xung quanh việc quy định giới hạn tỷ lệ vốn góp, do dịch vụ trung gian thanh toán là loại hình dịch vụ mới dựa trên nền tảng ứng dụng thành tựu của công nghệ nên đầu tư nước ngoài đóng vai trò khá quan trọng, nếu hạn chế có thể ảnh hưởng đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán nói riêng, Fintech nói chung. Ngoài ra, thực tế hiện nay có một số tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán lớn đã được cấp phép và có tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vượt mức 49% nên cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp này.
Đồng thời, trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, toàn diện các vấn đề, các ý kiến góp ý cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam có tham gia; phân tích, đánh giá các tác động của chính sách này mang lại trong bối cảnh hiện nay, NHNN dự kiến sẽ trình Chính phủ không đưa tỷ lệ giới hạn (49%) vào Dự thảo Nghị định.
Ngoài ra, để thực hiện các giải pháp được đề ra tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng như nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính trong nền kinh tế (Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 5/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ), một trong những chính sách mới được đề cập trong Dự thảo Nghị định đó là dự kiến quy định hoạt động đại lý thanh toán.
Theo Dự thảo, với mô hình giao đại lý, ngân hàng được giao cho bên đại lý cung ứng một phần các dịch vụ thanh toán như nộp/rút tiền mặt vào/ra tài khoản, thanh toán hóa đơn hàng hóa, dịch vụ,... Chính sách mới này nhằm mục tiêu hỗ trợ phổ cập tài chính sâu rộng hơn tới đông đảo người dân bằng việc tăng cường đưa dịch vụ tài chính tới những người dân vốn trước đây chưa có tài khoản ngân hàng, khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa,.. Bên cạnh đó, quy định này cũng giúp cho ngân hàng có thể tiếp cận khách hàng mà không phải mở rộng mạng lưới chi nhánh/phòng giao dịch, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Nguồn: