Ngân hàng ồ ạt phát hành trái phiếu

15/12/2024
Chỉ trong tháng 4/2020 đã có tới hơn 8 nghìn tỷ đồng trái phiếu được các ngân hàng Việt tung ra thị trường, gấp khoảng 10 lần so với cả quý 1.

Mới đây, từ ngày 27-29/4 BIDV đã phát hành riêng lẻ thành công 3.702 tỷ đồng trái phiếu trung và dài hạn. Trong đó có 3.702 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 6 năm và 1.000 tỷ đồng trái phiếu 8 năm với lãi suất bằng lãi suất tham chiếu +0,6-1,25%/năm.

Loại trái phiếu phát hành là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được bảo đảm hoặc bảo lãnh. Trái phiếu được tính vào nợ thứ cấp của BIDV và thoả mãn các điều kiện để tính vào vốn cấp 2.

Trước đó, trong thời gian từ 20-23/4, BIDV đã phát hành thành công 2.202 tỷ đồng trái phiếu trung và dài hạn. Cụ thể, BIDV phát hành thành công 1.482 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 6 năm, 472 tỷ đồng trái phiếu 7 năm, 232 tỷ đồng trái phiếu 8 năm và 16 tỷ đồng trái phiếu 10 năm với lãi suất bằng lãi suất tham chiếu +0,6-1,2%/năm.

Như vậy, chỉ tính riêng 10 ngày cuối tháng 4, BIDV đã phát hành thành công gần 6 nghìn tỷ đồng trái phiếu trung và dài hạn. Cùng với đó, lãi suất lô trái phiếu sau có lãi suất cao hơn lô trái phiếu trước trong khi kỳ hạn ngắn hơn.

Tính theo khối ngân hàng thương mại nhà nước, ngày 27/4, HĐQT ngân hàng Vietinbank cũng đã ban hành Nghị quyết về việc phát hành riêng lẻ trái phiếu đợt 1 năm 2020 để tăng vốn số lượng 50 tỷ đồng với kỳ hạn 15 năm. Loại trái phiếu không chuyển đổi, không được đảm bảo bằng tài sản, thoả mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 của ngân hàng. Lãi suất bằng lãi suất tham chiếu +1,2%/năm. Thời gian phát hành dự kiến trong tháng 5/2020.

Trong tháng 4 cũng đã có 2 ngân hàng thương mại tư nhân phát hành thành công hơn 2 nghìn tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ.

Cụ thể, ngày 13/4 và 23/4, HDBank cũng phát hành thành công  1.050 tỷ đồng trái phiếu kì hạn 2 năm và 3 năm, với lãi suất dao động từ 5,8%/năm – 6,5%/năm trong 2 đợt phát hành.

Hội đồng quản trị HDBank cũng đã thông qua phương án phát hành trái phiếu huy động vốn năm 2020 với tổng mệnh giá phát hành tối đa 10.000 tỷ đồng.

Ngày 15/4 vừa qua, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) đã phát hành thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản bảo đảm và không phải nợ thức cấp. Lãi suất cố định 6,6%/năm.

Như vậy, chỉ trong vòng tháng 4 đã có hơn 8 nghìn tỷ đồng được các ngân hàng tung ra thị trường, gấp gần 10 lần so với con số trái phiếu phát hành trong cả quý 1/2020.

Nói về hiện tượng mang tính "đột biến" này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính, ngân hàng cho rằng, có thể lý giải hiện tượng này với 2 lý do chính. Một là tăng trưởng tín dụng quá thấp nên các ngân hàng phải huy động vốn bằng trái phiếu và mục đích thứ 2: Đây là loại trái phiếu được tính vào vốn cấp 2 hỗ trợ ngân hàng tuân thủ quy định Thông tư 41 và làm tăng sự an toàn của ngân hàng. Chính vì vậy, dù tín dụng tăng trưởng yếu nhưng ngân hàng vẫn ồ ạt phát hành trái phiếu.

Ngoài ra, theo ông Hiếu, do tình trạng vốn huy động thấp do tác động của dịch bệnh nhưng ngân hàng vẫn luôn cần vốn mới để bù đắp cho phần vốn thiếu hụt đáng lý phải trở lại ngân hàng qua kênh khách hàng trả nợ.

"Việc huy động vốn mới chỉ trông chờ vào tiền gửi của khách hàng chủ yếu là vốn ngắn hạn dễ dẫn tới tình trạng ngân hàng mất thanh khoản, nên việc ngân hàng phát hành trái phiếu trung, dài hạn cũng là để đảm bảo an toàn cho hoạt động của nhà băng trong thời gian tới", ông Hiếu nói.

Nhận định về xu hướng phát hành trái phiếu của hệ thống ngân hàng trong thời gian tới, ông Hiếu cho rằng, các ngân hàng chắc chắn muốn phát hành trái phiếu nhiều hơn nhưng liệu doanh nghiệp, nền kinh tế có hấp thụ được không lại là một vấn đề đáng phải bàn.

"Tính thanh khoản của ngân hàng đang có dấu hiệu căng thẳng, nhưng đây là tình trạng chung của cả nền kinh tế. Vì vậy, chắc chắn đợt tới các nhà băng sẽ có nhiều đợt phát hành vốn trung và dài hạn nhưng thị trường có hấp thụ được hay không thì chưa có gì đảm bảo", ông Hiếu nhấn mạnh.

Nguồn: