Ngân hàng ráo riết thu hồi nợ xấu

05/01/2025
Các ngân hàng thời gian gần đây liên tục đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu, trong đó có nhà băng một tháng phát vài chục thông báo đấu giá tài sản.

Sacombank, SHB, VietinBank, BIDV... là những ngân hàng có nợ khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) đứng đầu hệ thống, thời gian qua đã tích cực công bố thu hồi, thanh lý tài sản đảm bảo và các khoản nợ.

Với BIDV, hiện nhà băng có 10.492 tỷ đồng nợ nhóm 5, chiếm gần 50% tổng nợ xấu của ngân hàng, tương đương 0,98% tổng dư nợ. Tính riêng trong tháng 9, các chi nhánh của BIDV đã phát hơn 40 thông báo về lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản đảm bảo. Còn tháng 10 và 11, nhà băng này cũng phát đi gần 20 chục thông báo phát mãi tài sản...

VietinBank là ngân hàng đứng thứ 2 về giá trị nợ có khả năng mất vốn với 7.521 tỷ đồng, chiếm 0,84% dư nợ. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng ở mức 1,47%, giảm 11 điểm cơ bản. Đây cũng là ngân hàng liên tục công bố thanh lý tài sản đảm bảo, trong đó phần lớn là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Tính từ đầu năm, VietinBank đã có gần 70 thông báo thu hồi, bán và xử lý tài sản đảm bảo.

Ngân hàng đẩy mạnh xử lý nợ xấu. Ảnh: QH

Ngân hàng đẩy mạnh xử lý nợ xấu. Ảnh: QH

SHB đứng thứ 3 về giá trị nợ có khả năng mất vốn với gần 5.000 tỷ đồng, chiếm 2,07% tổng dư nợ của ngân hàng. Tính từ đầu năm, ngân hàng này đã có gần 60 thông báo thu giữ tài sản đảm bảo.

Còn riêng với Sacombank, thời gian gần đây thường xuyên thanh lý các bất động sản có giá hàng nghìn tỷ đồng.

Động thái trên của các ngân hàng diễn ra sau khi Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu chính thức được Quốc hội thông qua vào giữa tháng 8/2017, nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng đã đẩy mạnh việc thu hồi và thanh lý tài sản đảm bảo.

Số liệu được Thống đốc Lê Minh Hưng cập nhật tại báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết về hoạt động chất vấn của Quốc hội mới đây cho thấy, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 8/2019, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được gần 970.000 tỷ đồng nợ xấu.

Riêng về kết quả xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42, lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 8/2019, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được hơn 236.000 tỷ đồng (không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro và khoản nợ bán cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt).

Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng đạt 137.000 tỷ đồng; xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết 42 là gần 48.000 tỷ đồng; xử lý các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 51.000 tỷ đồng.

Như vậy, tính trung bình, mỗi tháng toàn hệ thống xử lý được khoảng 9.600 tỷ đồng, cao hơn 4.700 tỷ đồng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực.

Bên cạnh đó, đến thời điểm cuối tháng 8/2019, các tổ chức tín dụng đã sử dụng 123,89 nghìn tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng.

Kết quả xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 cho thấy ý thức trả nợ của khách hàng đã được cải thiện một bước quan trọng. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy Nghị quyết 42 đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD.

Dù đạt được những kết quả nhất định nhưng theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu theo Nghị quyết 42 vẫn gặp phải không ít khó khăn trong việc triển khai. Chẳng hạn như số lượng các vụ việc xử lý nợ xấu thông qua thủ tục rút gọn tại Tòa án còn hạn chế. Hay như việc Cơ quan thi hành án dân sự không có hệ thống dữ liệu cho phép các tổ chức tín dụng trích xuất, tra cứu thông tin tài sản có liên quan đến vụ việc đang được thụ lý giải quyết.

Đồng thời, hiện nay chưa có hướng dẫn về cơ chế xác định sớm hữu hiệu trong quá trình thẩm định, để xác định tài sản nào đang tranh chấp, tài sản nào đang phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời...

Lệ Chi

Nguồn: