Theo thống kê của NHNN, tín dụng đã tăng trưởng 7,33% trong 6 tháng đầu năm 2019. Đây là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh "quota" tín dụng của toàn hệ thống năm nay chỉ ở mức 14%.
Tín dụng tăng đúng mục tiêu
So với 6 tháng đầu năm 2018, khi tăng trưởng tín dụng đạt 7,88% - mức tăng thấp nhất trong vòng 3 năm, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2019 vẫn được đánh giá hiệu quả, với dư nợ cho vay chủ yếu tập trung vào sản xuất kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên.
TS. Bùi Quang Tín, Trường Doanh nhân Bizlight cho rằng, cần đánh giá chỉ tiêu này trên tổng quan chung, theo quy luật tăng trưởng tín dụng chung trên từng năm. Theo đó, trong những tháng cuối năm 2019, tăng trưởng tín dụng sẽ còn tăng thông thường 2%/tháng ở 3 tháng cuối năm (tức 6%), riêng quý III thường có mức tăng khoảng 3-4%. Có nghĩa theo quy luật thì room sẽ sớm kịch trần, nhưng NHNN sẽ điều chỉnh linh hoạt dựa trên nhiều biến số khác nhau.
Để đạt tăng trưởng tín dụng khá trong 6 tháng đầu 2019, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh cho vay. Do đó, mức tăng trưởng ở nhiều ngân hàng đã đạt quá hạn mức tăng trưởng tín dung mà NHNN cho phép.
Theo ước tính sơ bộ, một số ngân hàng trong nhóm 9 ngân hàng đạt chuẩn Basel II, như Vietcombank, VIB, OCB, VPBank, MB, ACB, TPBank, Techcombank và MSB đã có mức tăng trưởng tín dụng khá cao. Trong đó, Vietcombank cho vay đạt 9% trên room 15%; OCB có mức tăng trưởng tín dụng tới 18% trên hạn mức 20%. VIB tăng trưởng tín dụng chủ yếu dựa vào cho vay bán lẻ (chiếm 78%) đã đạt tăng trưởng dư nợ tới 21%...
Những ngân hàng không được NHNN tăng room tín dụng nhưng nếu tăng được vốn, xử lý nợ xấu, hoàn nhập dự phòng, bán cổ phiếu... thì dư nợ trên vốn tăng tự nhiên sẽ nới dư địa tăng tín dụng.
Trong khi đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) đang tái cơ cấu, bị siết room tín dụng khá chặt để phù hợp với việc đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn (CAR) và nguồn lực cho trích lập dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu –đảm bảo hoạt động lành mạnh của ngân hàng.
Hiện một số các TCTD trong nhóm 2 và 3 cũng đã có dư nợ cho vay tăng mạnh hoặc thậm chí hết room. Ví dụ Sacombank có hạn mức tín dụng chỉ 7%, đã sử dụng gần hết 6% trong 3 tháng đầu năm nay.
Nới room tín dụng bằng cách nào?
Thuộc nhóm 1 đạt chuẩn Basel II, ACB vừa cho biết đã được nới rom tín dụng thêm 4%, tức lên 17%. Theo đó, ACB sẽ còn 8% dư địa để tăng trưởng tín dụng trong 5 tháng còn lại.
Trường hợp của ACB khiến nhiều TCTD kỳ vọng sẽ tạo tiền lệ cho việc nới room tín dụng. Tuy nhiên, không phải TCTD nào đạt chuẩn Basel II cũng đều có thể được xem xét nới room như mong đợi. Chẳng hạn, MSB dù đạt chuẩn Basel II nhưng đang trong lộ trình IPO, chưa chắc sẽ có ưu tiên "đặc biệt" cho tăng trưởng tín dụng.
Trong khi đó, một số TCTD đang nỗ lực thực thi các phương án tăng vốn, cải thiện CAR để được NHNN xem xét tăng hạn mức tín dụng cao hơn. Trong đó, Vietinbank với hạn mức tín dụng chỉ 6-7% năm 2019 được xem là tiếp tục nút thắt tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của ngân hàng này. Do đó, nếu Vietinbank không đẩy mạnh các giải pháp tăng vốn thì sẽ không gỡ được nút thắt này.
Nhìn chung, những ngân hàng hoạt động bình thường có room bình quân ngành 14%, cũng đã có tăng trưởng tín dụng tích cực 6 tháng đầu năm 2019. Tuy nhiên, các tổ chức này khó có thể đặt kỳ vọng đột phá nhờ ưu tiên tăng room tín dụng cao hơn. Bởi bản thân họ sẽ phải ưu tiên tất toán trái phiếu VAMC và hướng đến thu hồi nợ, xử lý tài sản đảm bảo, hướng đến đạt chuẩn Basel II theo lộ trình.
TS. Bùi Quang Tín cho rằng, ngoài tính toán về room tăng trưởng tín dụng linh hoạt, không cố định cứng nhắc tại một con số, NHNN cũng sẽ có định hướng điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng phù hợp để hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng, ổn định lạm phát, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động kinh doanh.
"Bản thân các TCTD cũng còn nhiều cửa tăng nguồn thu như tăng thu hồi xử lý nợ, hoàn nhập dự phòng, tăng thu dịch vụ, thu nhập chứng khoán, bán cổ phiếu quỹ… Do đó, bài toán kinh doanh của các ngân hàng cuối năm sẽ không phải là bất khả thi ở các mục tiêu cao. Ngoài ra, như đã phân tích, tổng tăng trưởng tín dụng trong hệ thống cơ bản vẫn còn room – dù một số TCTD đã gần chạm trần tín dụng. Do đó, doanh nghiệp không lo thiếu vốn, chỉ ngân hàng lo thiếu doanh nghiệp tốt", TS. Bùi Quang Tín nhận định.
Nguồn: