Ngân hàng số Cake chọn ‘kỳ lân’ công nghệ để đẩy nhanh số hóa

19/05/2024
Mở rộng dịch vụ với sự hỗ trợ của các đối tác fintech đang là xu hướng mới của nhiều tổ chức tín dụng. Cake, ngân hàng số thế hệ mới nằm trong top tăng trưởng nhanh nhất thị trường Việt Nam trong thời gian qua, cũng không nằm ngoài cuộc chơi này.

Kỷ lục về tốc độ chuyển đổi thành công ‘core banking’

Mở rộng dịch vụ, cải thiện chất lượng sản phẩm theo hướng bắt tay với các đối tác thứ ba đang là trào lưu của các ngân hàng Việt Nam trong nỗ lực tăng số lượng sản phẩm dịch vụ và nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Trong xu hướng này, một số tổ chức ưu tiên chọn đối tác toàn cầu đã được kiểm chứng về chất lượng, để đẩy nhanh tốc độ số hóa và nhanh chóng mang những trải nghiệm mới về Việt Nam.

Một điển hình mới đây là Cake, nền tảng ngân hàng số ra mắt đầu năm 2021, được hậu thuẫn bởi Ứng dụng gọi xe Be và VPBank, mới đây công bố hoàn tất chuyển đổi hệ thống ngân hàng lõi (core banking) chỉ trong 74 ngày. Theo đánh giá của Mambu, đơn vị cung cấp giải pháp ngân hàng đám mây cho 200 khách hàng ở trên 65 quốc gia, đây là thời gian kỷ lục chuyển đổi core banking ở khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Theo tìm hiểu, Mambu hiện có nhiều khách hàng là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tài chính ở Việt Nam, nhưng Cake hiện tại là đơn vị đầu tiên công bố hoàn tất chuyển đổi. Mambu trên thế giới được đánh giá là một "kỳ lân công nghệ", là đơn vị cung cấp giải pháp đám mây (SaaS) cho nhiều đối tác tài chính ngân hàng ở khắp khu vực Châu Á Thái Bình Dương, có nhiều kinh nghiệm trển khai hệ thống tại Úc, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam.

Trên thực tế, ngân hàng lõi là tiêu chuẩn hoạt động tối thiểu của bất kỳ ngân hàng nào. Tại Việt Nam, từ khóa "core banking" bắt đầu được nhắc đến ở giai đoạn đầu những năm 2000, nhưng vẫn còn nóng cho đến nay, vì hiện tại một số ngân hàng Việt vẫn đang ở trong quá trình đầu tư xây dựng, chuyển đổi. Nhưng quan sát có thể thấy, một số ít ngân hàng tư nhân mạnh dạn đầu tư trong giai đoạn đầu đã sở hữu lợi thế đáng kể về khả năng quản trị và tốc độ đưa ra các dịch vụ sản phẩm.

Về mặt nghiệp vụ, chuyển đổi core banking là tiêu chuẩn căn bản nhưng việc xây dựng và chuyển đổi hệ thống luôn là một thách thức. Đại diện Cake cho biết công việc này ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn khách hàng với hàng triệu giao dịch mỗi ngày, nhưng quy trình chuyển đổi đã được Cake và đối tác thực hiện suôn sẻ, đồng nhất. Bên cạnh đó, Cake vẫn đang tích hợp trực tiếp vào ứng dụng gọi xe Be, nền tảng có hơn 10 triệu khách hàng.

Ngân hàng số Cake chọn ‘kỳ lân’ công nghệ để đẩy nhanh số hóa - Ảnh 1.

Cake đang từng bước nỗ lực tăng số lượng sản phẩm dịch vụ và nâng cao trải nghiệm của khách hàng

Theo ông Từ Thế Hiển, Giám đốc Công nghệ của Be Group, bí quyết để rút ngắn thời gian kỷ lục trong bối cảnh giãn cách xã hội vừa qua là dồn toàn lực vào dự án, các đội chuyên môn kết nối chặt chẽ và hỗ trợ nhau tối đa. "Chúng tôi có một danh sách thứ tự ưu tiên các việc cần làm cho cái mới và cái cũ, đảm bảo việc chuyển đổi mượt mà và hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách hàng hiện hữu trong thời gian chuyển đổi", ông Hiển kể lại.

Đứng về phía đơn vị triển khai, ông Phạm Quang Minh, Tổng giám đốc Mambu Việt Nam đánh giá cao kết quả chuyển đổi tại Cake. "Cake đã chứng minh rằng trên thực tế chúng ta có thể khởi động một ngân hàng kỹ thuật số mạnh mẽ, hiệu suất cao chỉ trong vài tuần nếu có được nền tảng công nghệ phù hợp", ông Minh nhận định.

Những cái bắt tay đẩy nhanh tốc độ số hóa thị trường tài chính

Sau sự kiện này, Cake sẽ được vận hành bởi nền tảng ngân hàng đám mây hàng đầu và đã triển khai ở nhiều thị trường khác trên quốc tế. Rõ ràng, tốc độ chuyển đổi nhanh sẽ mang đến lợi thế cho Cake - nền tảng ngân hàng số trong top tăng trưởng nhanh nhất thị trường Việt Nam, giúp rút ngắn thời gian xử lý các giao dịch, cũng như sẵn sàng để tung ra các sản phẩm linh hoạt và độc đáo trong thời gian sắp tới.

"Mục tiêu của chúng tôi khi chuyển đổi ngân hàng lõi là tạo ra các dịch vụ ngân hàng dễ tiếp cận và phục vụ khách hàng trong thời gian nhanh nhất. Với sức mạnh mới, Cake mong muốn mang lại trải nghiệm tốt nhất cho các khách hàng hiện tại và những khách hàng tiếp theo trên khắp Việt Nam", ông Nguyễn Hữu Quang, CEO của công ty beFinancial, đơn vị vận hành Cake, khẳng định.

Trong quá trình này, Cake vẫn tiếp tục tích lũy các dịch vụ có chất lượng khác. Đầu tháng 11, ngân hàng số này cũng đồng thời công bố hợp tác với công ty cung cấp dịch vụ xử lý thanh toán hàng đầu Radar Payments nhằm mở rộng dịch vụ, tăng cường bảo mật và cung cấp đầy đủ các sản phẩm ngân hàng số. Đây cũng là dự án đầu tiên mà Radar Payments thực hiện tại Việt Nam.

Radar Payments thuộc sở hữu của BPC, đơn vị có 25 năm chuyên môn trong lĩnh vực thanh toán với thế giới fintech với 350 khách hàng trên 100 quốc gia trên toàn cầu.

Đây cũng là dự án đầu tiên mà Radar Payments thực hiện tại Việt Nam. Nền tảng này được kỳ vọng sẽ giúp Cake cải tiến các sản phẩm thanh toán số và thẻ tín dụng online nhằm mang lại trải nghiệm thanh toán nhanh, thuận tiện và bảo mật đến hàng triệu khách hàng trong hệ sinh thái Be Group, cũng như các khách hàng tiềm năng bên ngoài. "Thanh toán qua Radar cho phép chúng tôi cung cấp trải nghiệm khách hàng khác biệt khi giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng số mới", ông Quang đặt kỳ vọng.

Cũng theo ông Quang, việc tiếp cận các dịch vụ tài chính nhanh hơn và dễ dàng là rất quan trọng với khách hàng, nên cũng là ưu tiên hàng đầu của Cake. Theo đó, những "phẩm chất" của đối tác mà Cake tìm kiếm là khả năng mở rộng, nhanh chóng và bảo mật.

Ngân hàng số Cake chọn ‘kỳ lân’ công nghệ để đẩy nhanh số hóa - Ảnh 2.

Việc tiếp cận các dịch vụ tài chính nhanh hơn và dễ dàng là rất quan trọng với khách hàng, nên cũng là ưu tiên hàng đầu của Cake

Nhìn chung, sự kết hợp với các đơn vị công nghệ đã giúp các nền tảng mới đi nhanh hơn, đẩy nhanh tốc độ số hóa thị trường dịch vụ tài chính số nói chung hiện nay và ngân hàng số nói riêng. Tốc độ chuyển đổi nhanh mang đến cửa sáng cho những nền tảng ngân hàng số còn rất mới nhưng đầy tiềm năng như Cake./.

Nguồn: