Ngân hàng ồ ạt bắt tay bảo hiểm làm bancassurance
Không riêng Prudential và FWD, 2 cái tên đang được cho là tìm cách giành quyền độc quyền phân phối các sản phẩm bảo hiểm thông qua mạng lưới của Vietcombank, nhiều công ty bảo hiểm cũng đã phối hợp với các ngân hàng để triển khai phương thức phân phối bảo hiểm (bancassurance).
Từ năm 2017, Techcombank và Manulife Việt Nam ký hợp đồng độc quyền bancassurance 15 năm. Hợp tác này kỳ vọng mang về cho ngân hàng 10.000 tỷ đồng phí bảo hiểm trong 5 năm. Cùng năm, AIA và VPBank cũng ký kết thoả thuận hợp tác phân phối bảo hiểm độc quyền 15 năm.
Dai-ichi Việt Nam ký hợp đồng độc quyền với SHB để phân phối bảo hiểm trong 15 năm. Công ty bảo hiểm này cũng có các sản phẩm trong 5 năm ký với LienVietPostBank vào năm 2016, 20 năm với SHB.
Năm 2018, NCB và Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prévoir Việt Nam cũng ký hợp đồng hợp tác độc quyền phân phối các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ trong 15 năm.
Một số ngân hàng khác cũng ký hợp tác phân phối bảo hiểm với nhiều doanh nghiệp bảo hiểm ngoại, như ACB với AIA, MAP Life; VietinBank với Aviva, VIB ký hợp đồng độc quyền với Prudential, VietABank với Chubb Life Việt Nam… SCB và TPBank cùng phân phối cho Manulife Việt Nam. Đầu năm, AIA cũng ký hợp tác phân phối bảo hiểm với KienLongBank.
Theo thống kê Bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research), năm 2018, có 18 trong số 29 công ty bảo hiểm nhân thọ và 9 trong số 14 công ty bảo hiểm phi nhân thọ đang thực hiện bancassurance.
Sự kiện ký kết hợp tác giữa VPBank và AIA. Ảnh VPBank.
Thu trăm, nghìn tỷ từ bancassurance
Bancassurance là việc hợp tác giữa công ty bảo hiểm và ngân hàng. Doanh nghiệp có thể tiếp cận lượng khách hàng từ ngân hàng để giới thiệu các gói sản phẩm, tăng doanh thu mà không cần thêm lực lượng môi giới. Đồng thời, công ty cũng có thể tiến hành các nghiên cứu về hành vi và nhu cầu của khách hàng, thiết kế ra các gói sản phẩm phù hợp.
Trong khi đó, ngân hàng có thể thu được hoa hồng từ việc bán các sản phẩm bảo hiểm và phí ứng trước từ các hợp đồng độc quyền. Điều quan trọng hơn, bancassurance còn giúp tăng vòng đời khách hàng, phục vụ nhu cầu đa dạng của người dùng dịch vụ và có thể khiến họ tiếp tục quay lại sử dụng các dịch vụ ngân hàng truyền thống.
Techcombank từng thu ủy thác, đại lý đột biến 1.581 tỷ đồng trong quý IV/2017. Năm 2018, thu nhập từ dịch vụ hợp tác bảo hiểm của Techcombank đạt 722,5 tỷ đồng, tăng 41% so với năm trước. Quý I/2019, khoản này tăng 56%, đạt 172 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 19% trong cơ cấu dịch vụ. Dù thế, con số mục tiêu doanh thu phí bảo hiểm 10.000 tỷ đồng trong 15 năm khi ngân hàng này ký hợp đồng với Manulife vẫn được cho là khá thách thức.
Với VPBank, khoản mục "hoạt động khác" ghi nhận tổng 1.800 tỷ đồng doanh thu trong quý IV/2017 và quý I/2018. Đồng thời, ngân hàng ghi nhận thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm lần lượt 2.205 tỷ đồng và 2.187 tỷ đồng trong 2 năm, gấp rưỡi so với năm 2016. Quý I/2019, thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm đạt 611 tỷ đồng, tăng 20%, chiếm 54% cơ cấu thu nhập dịch vụ.
Nửa đầu năm 2019, ACB ước tính thu từ bancassurance gấp 2,5 lần cùng kỳ 2018, với doanh số bảo hiểm khoảng 350 tỷ đồng, chiếm vị trí thứ tư thị trường và khả năng sinh lời nằm trong top 2. Năm nay, doanh thu dự kiến của mảng bancassurance khoảng 600 tỷ đồng. Chia sẻ tại phiên họp thường niên 2019, Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy cho biết ngân hàng đặt kế hoạch thu nhập mảng này gấp 3 lần năm trước và đang cân nhắc các đối tác cho năm 2020.
6 tháng đầu năm, TPBank cũng ghi nhận thu nhập dịch vụ kinh doanh và bảo hiểm hơn 249,4 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ 2018, tương đương 41% cơ cấu thu nhập dịch vụ.
Với trường hợp của Viecombank,Bloomberg cho biết ngân hàng có thể nhận ngay khoản thanh toán ban đầu ước tính không thấp hơn 400 triệu USD, sau khi thỏa thuận độc quyền bancassurance được ký kết. Tổng giá trị thỏa thuận này có thể đạt 1 tỷ USD.
SSI Research từng đưa ra nhận định việc bán bảo hiểm sẽ đóng góp nhiều hơn vào thu nhập từ dịch vụ của các ngân hàng. 5 ngân hàng nhóm đầu trong phân khúc này là Techcombank, VietinBank, BIDV Maritime Bank và CitiBank.
Theo dự báo của SSI Research, phí bảo hiểm thông qua kênh bancassurance sẽ tăng 30-40% và trở thành kênh bán hàng được ưa chuộng với tỷ trọng tăng lên 14% trong năm 2019.
Trong bối cảnh tín dụng bị giới hạn về “room”, các ngân hàng đang tìm cách đa dạng nguồn thu nhập, bớt phụ thuộc vào thu nhập lãi thuần, vốn mang tính chu kỳ và rủi ro.
Bancassurance được cho là "mỏ vàng" tương lai của các ngân hàng, song cũng đầy thách thức. Ảnh minh hoạ: Chungkhoan123.
Ở phía công ty bảo hiểm, việc kết hợp với các ngân hàng tạo ra cơ hội khai thác tiềm năng của thị trường bảo hiểm có mục tiêu tăng trưởng 20% năm 2019.
Năm 2018, tổng doanh thu bảo hiểm ước đạt hơn 160.000 tỷ đồng, tương đương 2,9% GDP, tăng 21% so với cùng kỳ 2017. Tổng doanh thu phí toàn thị trường 2018 đạt gần 133.000 tỷ đồng, tăng 23% so với 2017. Doanh thu phí lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ đạt trên 46.700 tỷ đồng; bảo hiểm nhân thọ 86.200 tỷ đồng.
Phí bảo hiểm mới thông qua kênh bancassurance trong tổng doanh thu tại các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Hong Kong, Singapore… dao động 30-50%, trong khi Việt Nam quanh mức 10%, phần nào cho thấy dư địa phát triển của lĩnh vực bảo hiểm nói chung và qua kênh bancassurance nói riêng tại Việt Nam.
Chia sẻ với Người Đồng Hành, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, cho biết bên cạnh hoạt động truyền thống là cho vay, việc bán chéo sản phẩm kiểu bancassurance giúp ngân hàng gia tăng doanh thu từ phí dịch vụ. Cả 3 bên gồm ngân hàng, khách hàng, cônng ty bảo hiểm đều có lợi ích.
Tuy nhiên, việc tăng lợi nhuận từ phí dịch vụ, trong đó có bancassurance, là con đường lâu dài của các ngân hàng, khi mà đối với một bộ phận người dân thì mua bảo hiểm hay trả phí còn chưa thực sự thành thói quen. "Ngân hàng muốn tăng thu phí dịch vụ nhưng cần phải cho khách hào hứng. Thời gian đầu, thậm chí những bên còn phải khuyến mại đủ loại dịch vụ", ông Thắng chia sẻ.
Một lãnh đạo ngân hàng khác thì bày tỏ trong việc hợp tác trên, công ty bảo hiểm gần như có lợi nhất. Mức phí 1-2% mà bên bảo hiểm chi trả không thấm gì so với phần mà những đơn vị này thu về. Dù vậy, theo vị này, với ngân hàng, bancassurance cũng là một hoạt động đem về thu nhập dịch vụ mang tính chất "tăng gia".
Nguồn: