Ngân hàng thương mại từ nay đến cuối năm không được phép nói thiếu vốn!

27/11/2024
Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại không được từ chối cho vay đối với những doanh nghiệp đủ điều kiện.

Sáng 1-11, chương trình Lắng nghe và trao đổi tháng 11-2020 chủ đề "Chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP HCM" do HĐND TP HCM phối hợp Đài truyền hình TP HCM thực hiện, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM Nguyễn Hoàng Minh cho biết trong giai đoạn cuối năm, nhu cầu vốn của các DN và thành phần kinh tế rất lớn.

Ngành ngân hàng (NH) đưa ra 3 cơ chế tác động tích cực nhất đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp (DN), gồm cơ chế tín dụng, lãi suất và tỉ giá.

Về tín dụng, NH Nhà nước vừa yêu cầu các NH thương mại từ nay đến cuối năm không được phép nói thiếu vốn, không có vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Nếu NH nào hết room tín dụng có thể kiến nghị NH nhà nước mở rộng room.

 Ngân hàng thương mại từ nay đến cuối năm không được phép nói thiếu vốn!  - Ảnh 1.

Chương trình Lắng nghe và trao đổi chủ đề "Chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP HCM" do HĐND TP HCM phối hợp Đài truyền hình TP HCM thực hiện

"Các DN sản xuất kinh doanh đủ điều kiện vay vốn thì NH không được quyền từ chối. 10 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn đạt 6% trong khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 14%. Như vậy, dư địa còn lại trong những tháng cuối năm tới 8%, tính trên tổng dư nợ hiện nay còn khoảng trên 200.000 tỉ đồng" - Phó giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TP HCM nhắc lại.

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Minh, trên cơ sở nguồn thanh khoản của các NH thương mại hiện nay, bảo đảm không thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Ngành NH vẫn ưu tiên vốn ngắn hạn bằng VNĐ cho 5 lĩnh vực, gồm: nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao và DN nhỏ và vừa. Trong đó, vốn cho vay đi vào DN nhỏ và vừa rất lớn với hơn 74% tổng dư nợ cho vay.

Về cơ chế lãi suất, từ đầu năm đến nay ngành NH 3 lần giảm lãi. Đến cuối tháng 10, lãi suất cho vay ngắn hạn 5 lĩnh vực ưu tiên chỉ còn 4,5%/năm, ngang bằng các nước trong khu vực và tương đương lãi suất cho vay bằng ngoại tệ, tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc nâng cao nang lực tài chính, khả năng cạnh tranh và tái thiết hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch.

Mặc dù vậy, theo NH Nhà nước chi nhánh TP HCM, vẫn còn những DN chưa tiếp cận được vốn vay do không có tài sản thế chấp; tình hình tài chính của DN chưa minh bạch, rõ ràng; thiếu phương án kinh doanh…

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, cho hay với chương trình hỗ trợ DN trong và sau dịch Covid-19, mặc dù UBND TP đã ban hành Kế hoạch 1455/KH-UBND ngày 21 tháng 4 năm 2020 nhưng đến nay vẫn còn hơn 84% DN trên địa bàn còn trong tình trạng khó khăn; khoảng 76% DN chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ; chỉ có 10% DN tiếp cận được chính sách miễn, giảm lãi suất cho vay của NH. Đặc biệt chưa có DN được tiếp cận gói vay vốn 0% để trả lương người lao động. Thực tế này cho thấy chính sách luôn có độ trễ, chưa hỗ trợ kịp thời đến DN cần được các sở ngành.

Cũng theo ông Cao Thanh Bình, qua khảo sát, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND đã ghi nhận vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Trong đó, năng lực cạnh tranh của DN nhỏ và vừa còn hạn chế, chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại còn ít và chỉ tập trung vào đơn vị nhà nước... Một lực cản khác DN nhỏ và vừa khó phát triển là thiếu mặt bằng sản xuất do quỹ đất dành hỗ trợ DN nhỏ và vừa chưa đáp ứng, chưa phù hợp với nhu cầu của DN.

Nguồn: