Ngân hàng tích cực rao bán tài sản đảm bảo

30/11/2024
BIDV, VietinBank, SHB và Sacombank là 4 ngân hàng ghi nhận số liệu nợ có khả năng mất vốn cao nhất hệ thống. Các ngân hàng này liên tục thông báo thu hồi, đấu giá và xử lý tài sản đảm bảo.

Sau khi Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu chính thức được Quốc hội thông qua vào giữa tháng 8/2017, nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng đã đẩy mạnh việc thu hồi và thanh lý tài sản đảm bảo. Sacombank, SHB, VietinBank và BIDV - những ngân hàng báo nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) đứng đầu hệ thống - cũng rất tích cực công bố thu hồi và thanh lý tài sản đảm bảo và các khoản nợ.

BIDV có 10.492 tỷ đồng nợ nhóm 5, chiếm gần 50% tổng nợ xấu của ngân hàng, tương đương 0,98% tổng dư nợ. Tính riêng trong tháng 9, các chi nhánh của BIDV đã phát gần 30 thông báo về lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản đảm bảo.

Gần đây nhất, BIDV thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại địa chỉ số 7 đường số 1E KDC Trung Sơn, ấp 4B, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP HCM. Khu đất ở có diện tích 204 m2, nhà ở có tổng diện tích sử dụng 222 m2, diện tích xây dựng 108,8 m2. Giá khởi điểm của tài sản là 18,5 tỷ đồng.

Trước đó, ngân hàng này cũng thông báo lựa chọn tổ chức để đấu giá bán khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Sài Gòn Phố Đông với tổng giá trị 85 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 31 tỷ đồng, dư nợ lãi và phí phạt 54 tỷ đồng.

Ngân hàng tích cực rao bán tài sản đảm bảo - Ảnh 1.

Nợ có khả năng mất vộn tại các ngân hàng. Nguồn: Fiinpro, BCTC ngân hàng.

Tính riêng tháng 9, ngân hàng công bố xử lý 6 tài sản thế chấp với 2 bất động sản giá trị lớn nhất theo giá bán là quyền sử dụng đất của bên ủy quyền tại thửa đất số 131, tại Vĩnh Phúc có giá khởi điểm 12 tỷ đồng. Thứ hai là căn hộ chung cư số A1705, diện tích 155,6m2, tòa A, chung cư 48 tầng Keangnam Vina có giá bán dự kiến hơn 6,2 tỷ đồng.

VietinBank là ngân hàng đứng thứ 2 về giá trị nợ có khả năng mất vốn với 7.521 tỷ đồng, chiếm 0,84% dư nợ. Tỷ lệ nợ xấu của VietinBank ở mức 1,47%, giảm 11 điểm cơ bản. Đây cũng là ngân hàng liên tục công bố thanh lý tài sản đảm bảo phần lớn, trong đó phần lớn là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

Việc xử lý 2 tài sản trên được VietinBank đưa ra trong thông báo ngày 4/9 cùng 2 tài sản khác có tổng trị giá lên tới 295 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó phía ngân hàng cho biết đã làm việc với khách hàng để xử lý khoản vay liên quan đến các tài sản này.

Một số tài sản khác được VietinBank thông báo bán, xử lý gồm nhà, đất, xe ôtô… có mức giá thanh lý dao động 50-650 triệu đồng.

Tính từ đầu năm, VietinBank đã có gần 70 thông báo thu hồi, bán và xử lý tài sản đảm bảo. Trong đó có nhiều tài sản được rao bán nhiều lần, đơn cử như nhóm tài sản được VietinBank Thái Bình thông báo đấu giá 21 lần gồm các thiết bị cẩu, xe con, cần cẩu… có giá khởi điểm gần 1,7 tỷ đồng. Vietinbank Sầm Sơn rao bán tài sản 8 lần gồm quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Sầm Sơn giá khởi điểm 76,7 tỷ đồng vào tháng 5, hay VietinBank Bắc Hưng Yên thông báo bán tài sản đảm bảo 5 lần gồm quyền sử dụng 784 m2 thuộc tỉnh Hưng Yên với tổng giá khởi điểm gần 1,9 tỷ đồng.

SHB cũng là ngân hàng cũng tích cực công bố thu hồi và đấu giá tài sản đảm bảo. Riêng tháng 9, ngân hàng thông báo thu hồi 15 tài sản bảo đảm để xử lý nợ, chủ yếu là bất động sản. Từ đầu năm, SHB đã có gần 60 thông báo thu giữ tài sản đảm bảo.

SHB đứng thứ 3 về giá trị nợ có khả năng mất vốn gần 5.000 tỷ đồng, chiếm 2,07% tổng dư nợ của ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu của SHB đến cuối tháng 6 ở 2,88%, tăng so với mức 2,4% đầu năm.

Sacombank trong 2 năm gần đây được biết tới là nhà băng thường xuyên thanh lý các bất động sản có giá ngàn tỷ đồng.

Năm 2018, 4 nhóm bất động sản thanh lý lớn nhất được Sacombank công bố có tổng giá khởi điểm hơn 20.000 tỷ đồng gồm khu công nghiệp (KCN) Phong Phú, dự án khu nhà ở cao tầng và khu vui chơi thể dục thể thao tiểu khu 3 - khu dân cư Bình Trị Đông và 1 phần thửa đất số 122 tại phường Bình Trị Đông B, dự án khu dân cư phường Bình Thủy, quận Bình Thủy và dự án khu nhà ở phường Long Bình, quận 9, TP HCM.

Ngân hàng tích cực rao bán tài sản đảm bảo - Ảnh 2.

Nguồn: Sacombank


Hiện nay dự án khu dân cư phường Bình Thủy, quận Bình Thủy và dự án khu nhà ở phương Long Bình, quận 9, TP.HCM đã được bán xong. Theo ước tính của Người Đồng Hành, tổng giá trị theo mức khởi điểm các bất động sản thanh lý của Sacombank gần 10.000 tỷ đồng, tập trung chủ yếu tại TP HCM, chiếm 90%.

Dự án nhà ở cao tầng và vui chơi thể dục thể thao tiểu khu 3 - Khu dân cư Bình Trị Đông và một phần thửa đất số 122 thuộc khu B Bình Trị Đông sau 3 lần hạ giá, có mức khởi điểm là 5.026 tỷ đồng.

Với KCN Phong Phú, vừa qua UBND TP HCM đã có văn bản đề cập Chánh thanh tra chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu tạm dừng việc bán đấu giá quyền tài sản phát sinh từ việc đền bụ tại dự án này.

Trong tháng 9, Sacombank đã hạ giá khởi điểm của nhiều bất động sản. Ngoài TP HCM, Sacombank còn hơn 40 bất động sản khác cần thanh lý tại nhiều tỉnh thành như Hà Nội, An Giang, Bình Định, Bắc Ninh, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Thanh Hóa…

Ngân hàng tích cực rao bán tài sản đảm bảo - Ảnh 3.

Nguồn: Sacombank


Tính đến cuối tháng 6, Sacombank có gần 4.800 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn, chiếm 1,71% tổng dư nợ, xếp thứ 4 trong hệ thống về giá trị tuyệt đối. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,04%.

Nguồn: