Tiền ngân hàng đổ vào đầu tư trái phiếu
Từ đầu năm đến nay, tín dụng luôn tăng trưởng cao hơn huy động khiến chênh lệch tiền gửi - tín dụng của toàn hệ thống thu hẹp đáng kể. Tuy nhiên, thanh khoản các NHTM vẫn khá dồi dào và NHNN vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi đợt dịch Covid-19 lần 4. Lãi suất tiền gửi có thể vẫn giữ ở mức thấp và chỉ tăng nhẹ vào cuối năm 2021, lợi tức từ TPDN vẫn hấp dẫn so với kênh đầu tư tiền gửi.
Trong quý 2/2021, tài sản ròng của hầu hết các quỹ đầu tư trái phiếu giảm nhẹ, ghi nhận quý giảm đầu tiên sau nhiều quý tăng trưởng liên tục trước đó. “Chúng tôi nhận thấy có hiện tượng các NĐT giảm nắm giữ trái phiếu để chuyển sang đầu tư cổ phiếu. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán dự báo sẽ kém thuận lợi hơn so với nửa đầu năm 2021, các NĐT sẽ quay trở lại kênh đầu tư lãi suất cố định để trú ẩn nên nhu cầu đầu tư TPDN sẽ vẫn ở mức cao"- Theo bản tin trái phiếu đặc biệt của SSI.
Nhóm phân tích SSI cho biết, gần đây, NHNN đã nới hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2021 cho các ngân hàng thêm 2-6% tùy vào chất lượng tín dụng và các chỉ số an toàn vốn của từng ngân hàng. Nhìn chung, hạn mức tín dụng mới vẫn thấp hơn đề xuất của các NHTM và thấp hơn cùng kỳ 2020. Nhu cầu huy động vốn vay qua phát hành TPDN vẫn cao.
Cùng với đó, hàng loạt ngân hàng công bố các gói giảm lãi suất từ 0,5-1,5% cho khách hàng theo lời kêu gọi của NHNN. Tuy vậy, việc tiếp cận vốn tín dụng giá rẻ của các NHTM không hề đơn giản đối với các DN không nằm trong các nhóm ngành được ưu tiên hoặc bị hạn chế về tài sản đảm bảo như các DN BĐS. Lãi suất phát hành bình quân sẽ vẫn dao động quanh mức 10%/năm.
Rủi ro với TPDN đang tăng lên
Tính chung nửa đầu 2021, các DN BĐS phát hành 92,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu với lãi suất bình quân là 10,36%/năm. Các ngân hàng và CTCK đã mua 37,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu BĐS (chiếm 40,4%). Có 29 nghìn tỷ đồng trái phiếu BĐS được đảm bảo hoàn toàn bằng cổ phiếu hoặc không có tài sản đảm bảo. Nếu tính cả các trái phiếu BĐS được đảm bảo một phần bằng cổ phiếu, con số này là gần 60 nghìn tỷ đồng - chiếm 64% tổng lượng trái phiếu BĐS phát hành 6T2021.
Môi trường lãi suất thấp giúp dòng tiền đầu tư cũng tìm đến kênh BĐS nhiều hơn và các DN BĐS tăng mạnh huy động vốn trái phiếu để triển khai các dự án, là nhóm phát hành nhiều nhất từ 2019 đến nay. Tuy nhiên, dịch bệnh dai dẳng đang khiến cho môi trường kinh doanh của nhóm này bớt thuận lợi.
Trong quý 2/2021, các DN BĐS phát hành 64,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu, +131% so với quý 1/2021 và +28% so với quý 2/2020. Trong đó, các DN phát hành nhiều nhất trong quý vừa qua là Vingroup, CTCP Đầu tư Golden Hill, CTCP BĐS BIM, CTCP Dịch vụ Giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn, CTCP Hưng Thịnh Land, CTCP Kinh doanh nhà Sunshine, CTCP BĐS Wonderland...
Cụ thể: thanh khoản của thị trường BĐS có xu hướng giảm cho thấy sức hấp thụ đang suy yếu dần; các hoạt động triển khai dự án, sự kiện mở bán bị gián đoạn do dịch bệnh; hoạt động đầu tư công các dự án cơ sở hạ tầng đang chậm hơn dự kiến. Các yếu tố này làm tăng chi phí vốn do ứ đọng, ảnh hưởng đến kế hoạch dòng tiền trả nợ gốc lãi trái phiếu của DN.
Bên cạnh đó, các trái phiếu năng lượng cũng đang chịu rủi ro khá lớn từ chính sách. Quy hoạch điện VIII đã được Bộ Công Thương triển khai xây dựng từ 2019 với định hướng đẩy mạnh năng lượng tái tạo và thu hút đầu tư bằng giá điện. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến các trái phiếu tài trợ các dự án điện mặt trời, điện gió tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua.
Tổng số trái phiếu năng lượng phát hành từ 2019 đến 30/6/2021 là khoảng 65 nghìn tỷ đồng. Tuy vậy, cho đến nay dự thảo Quy hoạch điện VIII vẫn đang trong quá trình thẩm định và chưa rõ sẽ sửa đổi theo hướng nào. Các DN năng lượng đặc biệt là năng lượng mặt trời vẫn đang sản xuất cầm chừng vì sức cầu hạn chế và chờ đợi cơ chế giá mới.
Nguồn: