Ngân hàng vẫn lãi lớn nhờ 'nồi cơm' tín dụng

23/11/2024
Tín dụng - mảng chủ chốt vẫn duy trì ở mức cao đã giúp nhiều nhà băng có mức tăng trưởng lãi hai con số sau 9 tháng.

Báo cáo tài chính quý III của các ngân hàng đã phần nào hé lộ bức tranh hoạt động trong 9 tháng đầu năm và định hình hiện trạng toàn ngành trong cả năm 2019. Trái với dự báo trước đó về khả năng lợi nhuận đã lập đỉnh, số liệu kinh doanh của các nhà băng tiếp tục cho thấy những con số tăng trưởng ấn tượng.

Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã CK: VCB) vẫn giữ ngôi đầu về lợi nhuận và tạo cách biệt quá xa với phần còn lại của thị trường. Trong 9 tháng đầu năm, ngân hàng này tạo ra hơn 17.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2018 và cao hơn gần gấp đôi so với nhà băng đứng vị trí thứ hai.

Động lực tăng trưởng chính của Vietcombank đến từ cả "nồi cơm" tín dụng và các khoản lãi phi tín dụng. Thu nhập lãi thuần của ngân hàng này tăng 27%, với tín dụng đến cuối quý III tăng hơn 12%. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và ngoại hối cũng tăng hai con số. Trong khi đó, chi phí hoạt động của ngân hàng chỉ tăng 6%, còn dự phòng rủi ro giảm 4% cùng kỳ.

Các vị trí còn lại trong top 5 không có nhiều biến động so với nửa đầu năm nay, song chất lượng tăng trưởng của từng ngân hàng đã có sự phân hóa.

Techcombank đứng thứ hai về lợi nhuận, kết quả tương tự nửa đầu năm và cả năm trước, nhưng tốc độ tăng trưởng đã chậm lại đáng kể.

Trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt hơn 8.800 tỷ đồng, tăng 14% cùng kỳ, song chủ yếu đến từ việc giảm trích lập dự phòng (giảm 66%). Trong khi đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 1%, nằm trong số ít ngân hàng có tăng trưởng âm ở khoản mục này sau 9 tháng.

Sự thay đổi lớn nhất trong cơ cấu doanh thu là lãi thuần từ mảng dịch vụ của Techcombank đã chậm đi đáng kể, chỉ đạt hơn 2.100 tỷ đồng, xấp xỉ cùng giai đoạn năm 2018. Tỷ trọng đóng góp của mảng dịch vụ trong tổng doanh thu cũng thấp hơn 2% so với cùng kỳ. Cùng với chi phí hoạt động tăng 33% và không còn ghi nhận phần lãi đột biến từ thoái vốn khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Techcombank không tăng trưởng.

Đến cuối quý III, Techcombank cũng là ngân hàng đứng đầu về tăng trưởng tín dụng ở mức 28%. Ngoài ra, ngân hàng này còn đang nắm giữ hơn 21.200 tỷ trái phiếu do các tổ chức tín dụng phát hành và hơn 40.000 tỷ đồng trái phiếu từ các tổ chức kinh tế.

Giao dịch tại quầy một ngân hàng thương mại. Ảnh: Anh Tú

Giao dịch tại quầy một ngân hàng thương mại. Ảnh: Anh Tú

Ba vị trí tiếp theo trên bảng xếp hạng lợi nhuận lần lượt là Ngân hàng Quân Đội (MB), Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Trong khi MB duy trì đà tăng lợi nhuận 27% và thu hẹp khoảng cách với Techcombank, thì cuộc cạnh tranh hai vị trí tiếp theo giữa VPBank và BIDV đã có sự thay đổi so với số liệu 6 tháng.

Là ngân hàng có chỉ tiêu thu nhập lãi thuần cao nhất hệ thống, song lợi nhuận của BIDV 9 tháng đầu năm giảm 3% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính là tốc độ tăng trích lập dự phòng cao hơn lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh. Các chỉ tiêu chủ chốt đánh giá hiệu suất hoạt động của BIDV chỉ tăng một con số, nhưng trích dự phòng rủi ro tín dụng tăng tới 15%, đã kéo lùi hoạt động của ngân hàng có tổng tài sản hơn 1,4 triệu tỷ đồng.

Với VPBank, trong nửa đầu năm, ngân hàng này gần như không tăng trưởng và rời khỏi top 5 nhà băng lãi cao nhất. Tuy nhiên, chỉ riêng quý III, lợi nhuận trước thuế của VPBank tăng hơn 63% giúp ngân hàng này vượt qua BIDV và trở lại với cuộc đua trên bảng xếp hạng.

Tuy nhiên, khác với các ngân hàng top, lợi thế của VPBank là sở hữu công ty tài chính dẫn đầu trên thị trường. Thực tế, trong 9 tháng đầu năm, chính FE Credit mới là nguyên nhân giúp lợi nhuận của VPBank tăng mạnh. Báo cáo riêng lẻ ngân hàng mẹ VPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 9 tháng giảm gần 24% cùng kỳ, với tổng thu nhập hoạt động gần như không tăng. Nhưng khi nhìn sang số liệu hợp nhất, tổng thu nhập hoạt động tăng hơn 19% với lợi nhuận trước thuế tăng gần 18%.

Nếu như bảng xếp hạng ở nhóm dẫn đầu đang dần được định hình thì sức nóng ở nhóm giữa bảng xếp hạng được đẩy lên cao khi chênh lệch đang được thu hẹp, nhiều ngân hàng báo lãi trước thuế tăng hai chữ số.

ACB - ngân hàng tiệm cận nhất với nhóm dẫn đầu - tăng lợi nhuận 16% trong 9 tháng đầu năm, đạt hơn 5.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, ba cái tên bám đuổi phía sau là VIB, Sacombank và TPBank đều tăng lãi từ 50% đến 90%. VIB đứng đầu trong nhóm này với lợi nhuận 9 tháng hơn 2.900 tỷ đồng, tăng 69% cùng kỳ; Sacombank báo lãi tăng 90%, đạt gần 2.500 tỷ đồng; còn TPBank cũng đạt lợi nhuận trước thuế hơn 2.400 tỷ, tăng 49%.

Đến cuối quý III, cả VIB và TPBank đều nằm trong top 5 ngân hàng tăng trưởng tín dụng cao nhất hệ thống. Thu nhập lãi thuần của VIB trong 9 tháng tăng 28% còn TPBank cũng tăng tới 34%. Một số cái tên khác như MSB, LienVietPostBank cũng tăng cao lợi nhuận, chủ yếu nhờ "nồi cơm" tín dụng duy trì mức tăng tích cực.

Minh Sơn

Nguồn: